Đại Kỷ Nguyên

NASA có thể đang che dấu bằng chứng sự sống trên sao Hỏa?

Tàu thăm dò sao Hỏa Curiosity của NASA (Ảnh: NASA)

Một nhà khoa học tuyên bố sẽ đưa ra một báo cáo mang tính đột phá chứng minh NASA che dấu bằng chứng về sự sống trên sao Hỏa.

Tiến sĩ Barry DiGregorio tới từ Đại học Buckingham cho biết robot tự hành mang tên Curiosity của cơ quan vũ trụ này đã làm gãy những thứ trông giống như dấu tích hóa thạch. Chúng là bằng chứng cho sự tồn tại của “những sinh vật thân mềm” đã từng cư ngụ tại hành tinh đỏ.

“Chúng trông khá giống với những dấu tích hóa thạch của Kỷ Ordovic trên Trái đất mà tôi đã nghiên cứu và chụp ảnh”, ông cho biết.

Hình ảnh nghi dấu tích hóa thạch trên sao Hỏa (Nguồn: Cosmos news)

Tiến sĩ DiGregorio cáo buộc NASA đã che dấu thông tin và cho biết nguyên nhân có thể do cơ quan vũ trụ này đang có kế hoạch đưa con người lên sao Hỏa vào những năm 2030.

Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Daily Star Online, tiến sĩ Barry DiGregorio nhấn mạnh rằng: “Theo tôi thấy thì những hình ảnh này chưa từng được thấy trên sao Hỏa cho đến thời điểm này.”

“Một trong những thứ khiến tôi chú ý ngay lập tức là động cơ mà robot Curiosity rời khỏi khu vực nhiệm vụ. Vì vậy, tôi bắt đầu tìm kiếm và nhanh chóng phát hiện ra rằng nó không chỉ là những vật thể hình que. Nếu bạn nhìn gần hơn vào những hình ảnh sẽ thấy những vật thể hình que này dính chặt vào đá, điều này gợi đến đặc điểm của các dấu tích hóa thạch.” 

Các vật thể hình que này có thể là bằng chứng của sự khuấy trộn của trầm tích sinh vật (bioturbation), hiện tượng này xảy ra khi các sinh vật sống để lại dấu tích sinh hoạt của chúng trên các lớp trầm tích. 

Hình ảnh hóa thạch trên sao Hỏa do tàu thăm dò Curiosity chụp được vào ngày 2 tháng 1 năm 2018. (Ảnh: NASA / JPL-Caltech / MSSS)

Trước đó, theo CNET, xe thám hiểm Curiosity của NASA phát hiện những vật thể nhỏ hình que trên bề mặt sao Hỏa, chiều dài của mỗi vật thể chỉ khoảng 0,6 cm. Tuy nhiên, họ cho rằng chúng chỉ là các tinh thể, hoặc khoáng chất lấp vào khoảng trống do tinh thể phân hủy để lại. 

Curiosity là tàu thăm dò thứ 4 đổ bộ thành công lên sao Hoả vào 5/8/2012. Được trang bị 17 camera và tổng chi phí đầu tư lên đến 2 tỉ USD, đây là một cỗ máy hiện đại cho phép các chuyên gia của NASA khám phá được vô số điều bí ẩn trên bề mặt hành tinh đỏ.

Điều khó khăn nhất trong khoa học không phải là khám phá mà là tìm hiểu xem khám phá đó là những gì? Các cấu trúc này thực sự rất nhỏ, chỉ dài 5mm và rộng 1mm. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng khi nhìn vào bức ảnh có thể thấy chúng có góc cạnh theo nhiều chiều và nó có thể liên quan đến các tinh thể trong đá và thậm chí là các khuôn pha lê được tìm thấy trên Trái đất. Các tinh thể trong đá đã được giải phóng và để lại khuôn pha lê.

Tàu thăm dò sao Hỏa Curiosity của NASA (Ảnh: NASA)

Mặc dù trên thực tế tàu thăm dò Curiosity của NASA là một phòng thí nghiệm di động nhỏ, nhưng nó gần như không thể tìm ra nguồn gốc của các cấu trúc này nếu không có sự tham gia của các phòng thí nghiệm trên Trái Đất.

Ashwin Vasavada, nhà khoa học của dự án Curiosity, cho biết: “Sẽ là một thách thức lớn đối với trạm điều khiển ở Trái Đất nếu muốn xác định những vật thể có phải là vật chất hữu cơ hay không. Khả năng thực hiện những thí nghiệm đó của chúng tôi trên sao Hỏa vẫn là rất hạn chế”.

Tuy nhiên khám phá này đã mở ra những hy vọng hiếm hoi về sự sống tồn tại trong quá khứ, hay thậm chí nơi đây từng là một hành tinh ngập tràn sự sống giống như tinh cầu của chúng ta.

Nhật Minh

 

Exit mobile version