Đại Kỷ Nguyên

Miệng núi lửa khổng lồ chứa đầy băng trên sao Hỏa

Miệng núi lửa khổng lồ chứa đầy băng trên sao Hỏa

Ảnh: pentapostagma.gr

Bay trên vùng phía bắc của Sao Hỏa lạnh lẽo, vệ tinh Mars Express chụp được hình ảnh của miệng núi lửa Korolev rộng 50 dặm chứa đầy băng.

Hình ảnh Korolev gửi về vô cùng ấn tượng và đặc biệt lôi cuốn, không chỉ bởi vì nó là một miệng hố va chạm còn khá nguyên vẹn mà bởi nó chứa đầy băng trắng, Sciencealert hôm 20/12 đưa tin.

Ra mắt cách đây 15 năm bởi Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Mars Express được thiết kế để nghiên cứu sông băng và băng ở các vùng cực của sao Hỏa.

Miệng núi lửa Korolev chụp bởi vệ tinh Mars Express của ESA (Ảnh: ESA)

ESA cho biết băng của miệng núi lửa Korolev có khả năng chống tan chảy trước sự ấm lên trong mùa hè vì đồng bằng băng khổng lồ tạo ra một “cái bẫy lạnh”, ESA giải thích . Khi không khí di chuyển trên miệng núi lửa, nó nguội đi và chìm trên băng, tạo nên một “lá chắn” mát mẻ trên khối băng.

Vì vậy, ngay cả khi mùa thay đổi, Korolev vẫn tràn ngập băng. Hầu hết các miệng núi lửa sao Hỏa, ngay cả ở những vùng lạnh hơn, không tồn tại quanh năm.

Khi Mars Express bay qua các vùng sa mạc của sao Hỏa nó chụp ảnh các dải đất khác nhau, sau đó truyền các bức ảnh trở lại Trái đất. Các nhà khoa học ESA sau đó kết hợp các hình ảnh lại với nhau để tạo nên một bức tranh mạch lạc về các địa hình sao Hỏa khác nhau, các hồ nước khô và khối nước đóng băng.

Hình ảnh Korolev ở trên là tổng hợp của năm bức ảnh khác nhau, mỗi bức ảnh được chụp trong một quỹ đạo riêng biệt trên sao Hỏa.

Nhà khoa học tên lửa Liên Xô, Sergei Korolev, người đưa Sputnik 1 và Yuri Gagarin vào vũ trụ (Ảnh: Valet.ru)

Korolev được đặt theo tên của một “người khổng lồ” trong lịch sử vũ trụ: nhà khoa học tên lửa Sergei Korolev.

Korolev đứng đầu chương trình không gian của Liên Xô và nổi tiếng đánh bại người Mỹ trong cuộc chay đua vào vũ trụ. Dự án không gian của Liên Xô, dưới sự lãnh đạo bởi Korolev, đã gửi vệ tinh đầu tiên vào không gian năm 1957 trước Mỹ 3 tháng (tháng 1/1958 vệ tinh đầu tiên của Mỹ mang tên Explorer 1 mới đi vào quỹ đạo).

“Ông ấy là một nhân vật quan trọng trong lịch sử vũ trụ – mặc dù ông đã chết quá sớm”, nhà sử học vũ trụ Robert Pearlman nói .

ESA cho biết Mars Express đang hoạt động rất tốt và sẽ tiếp tục rà soát địa hình sao Hỏa và truyền những hình ảnh thực sự rực rỡ và chân thực về Trái đất.

Hoài Anh

Exit mobile version