Đại Kỷ Nguyên

‘Liệu chúng ta có cô đơn trong vũ trụ’ – Bài luận sâu sắc của Cựu thủ tướng Anh Winston về người ngoài hành tinh

(Ảnh: Internet)

Trong một bản thảo dài 11 trang có tựa đề “Liệu chúng ta có cô đơn trong vũ trụ?”, cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill cho rằng sự sống ngoài hành tinh có tồn tại.

Sự tồn tại của sự sống ngoài hành tinh có thể không phải là mối quan tâm duy nhất của thủ tướng Anh Winston Churchill vào năm 1939, khi Châu Âu đang bên bờ vực của một cuộc chiến mang tầm thế giới.

Cựu Thủ tướng Anh, Ngài Winston Churchill đã viết một bản thảo mang tên ‘Liệu chúng ta có cô đơn trong vũ trụ?’. (Ảnh: Internet)

Tháng 9/1939, cựu Thủ tướng Anh Neville Chamberlain chỉ định Ngài Winston vào nội các, giữ chức Bộ trưởng Bộ Hải quân.

Vì lúc đó đang là thời chiến, nên khi đề cập đến tiểu sử của Churchill trong giai đoạn này, người ta chỉ nhắc đến tài cầm quân thao lược tài tình của ông, vốn khiến toàn thế giới phải nể phục. Nhưng mấy ai biết được rằng, chính trong năm 1939, vị thủ tướng tương lai của Anh đã soạn một bản thảo sâu sắc, thể hiện mối quan tâm của ông về một vấn đề hoàn toàn khác biệt.

Mới chỉ được công bố gần đây, trong bản thảo dài 11 trang có tiêu đề “Liệu chúng ta có cô đơn trong vũ trụ?”, Ngài Churchill bày tỏ suy tư về khả năng tồn tại sự sống ở các nơi khác trong Hệ Mặt trời, và xa hơn nữa.

Churchill tin rằng lượng lớn các ngôi sao có thể chứa nhiều hành tinh. (Ảnh: Internet)

Từ hơn 5 thập kỷ trước, ông đã dự đoán được việc khám phá ra nhiều hành tinh ngoài hệ mặt trời. Ông đề cập đến cái sau này được giới khoa học gọi là “Vùng sinh sống” hay “vùng Goldilocks” – một vùng quỹ đạo hẹp nơi một hành tinh duy trì được mức nhiệt phù hợp, không quá nóng hoặc quá lạnh để hỗ trợ sự sống.

Ông tin rằng số lượng lớn các ngôi sao có thể chứa nhiều hành tinh riêng của chúng. Điều này đúng. Không chỉ vây, ông còn biết rằng nhiều hành tinh “sẽ có kích thước phù hợp để giữ nước trên bề mặt và sở hữu một bầu khí quyển” và một số sẽ “có khoảng cách phù hợp với ngôi sao mẹ để duy trì được một mức nhiệt phù hợp”.

Cá nhân tôi không cảm thấy quá ấn tượng trước thành công mà nền văn minh của chúng ta đang đạt được, nên tôi không nghĩ đây là nơi duy nhất trong vũ trụ bao la này chứa các sinh vật sống, biết suy nghĩ, hay chúng ta là giống loài có sự phát triển thể chất và trí óc cao nhất từng xuất hiện trong phạm vi của không gian và thời gian rộng lớn này.

– Ngài Winston Churchill

Bản thảo này – lúc đầu được dự định đăng trên tờ News of the World – nhưng sau đó đã bị cất giấu tại Bảo tàng Quốc gia Churchill ở Fulton, bang Missouri, Mỹ từ những năm 1980.

Bản thảo này đã bị cất giấu tại Bảo tàng Quốc gia Churchill ở Fulton, bang Missouri, Mỹ từ những năm 1980. (Ảnh: Internet)

Bản thảo này chỉ mới được đưa ra ánh sáng vào năm ngoài bởi giám đốc mới của bảo tàng Timothy Riley. Ông này đã chuyển nó cho nhà vật lý thiên văn, tác giả và nhà khoa học vận hành Kính thiên văn Không gian Hubble Mario Livio. Miêu tả khám phá này trên tạp chí Nature, ông Livio gọi nó là một “bất ngờ lớn”, bất chấp mối quan tâm nổi tiếng của Ngài Churchill dành cho khoa học.

Ngài Churchill là thủ tướng Anh đầu tiên tuyển một cố vấn khoa học, và vào những năm 1920 và 1930, ông đã viết một số luận văn khoa học thường thức cho các ấn phẩm báo chí về nhiều chủ đề như tế bào. Trong một bài viết năm 1931 trên tạp chí The Strand, với tiêu đề “50 năm kể từ đây (Fifty Years Hence)”, ông đã dự đoán được sự ra đời của năng lượng tổng hợp hạt nhân dùng nhiên liệu hydro. Ngài Churchill thường xuyên gặp gỡ các nhà khoa học như Bernard Lovell, cha đẻ ngành thiên văn vô tuyến.

Ông đã viết một bài về sự sống ngoài hành tinh không lâu sau khi chương trình phát thanh đọc cuốn tiểu thuyết The War Of The Worlds (Chiến tranh giữa các Thế giới) của HG Wells lên sóng vào năm 1938, vốn đã tạo ra một bầu không khí hoang mang trong cộng đồng thính giả ở Mỹ khi họ cho rằng người Sao Hỏa đang tiến hành xâm chiếm chúng ta.

Vào thời điểm đó có rất nhiều phỏng đoán về khả năng tồn tại sự sống trên Sao Hỏa. Ngài Churchill kết luận do khoảng cách phù hợp với mặt trời, Sao Hỏa và Sao Kim là hai hành tinh duy nhất trong Hệ mặt trời ngoài Trái Đất có thể tồn tại sự sống trên lý thuyết.

Đối mặt với chuỗi sự kiện ảm đạm phủ bóng đen lên Châu Âu lúc bấy giờ, ông viết:

“Cá nhân tôi không cảm thấy quá ấn tượng trước thành công mà nền văn minh của chúng ta đang đạt được, nên tôi không nghĩ đây là nơi duy nhất trong vũ trụ bao la này chứa các sinh vật sống, biết suy nghĩ, hay chúng ta là giống loài có sự phát triển thể chất và trí óc cao nhất từng xuất hiện trong phạm vi của không gian và thời gian rộng lớn này”.
Churchill cho rằng Sao Hỏa có thể tồn tại sự sống do có khoảng cách phù hợp với Mặt Trời. (Ảnh: Internet)

Quý Khải (theo Express)

Xem thêm:

Exit mobile version