Đại Kỷ Nguyên

Làm thế nào để bạn ngồi ở nhà mà vẫn có thể tham gia một dự án khảo cổ?

Hóa thạch loài voi đang được khai quật ở lưu vực hồ Turkana ở Kenya, châu Phi. (Ảnh chụp màn hình/Youtube)

Bạn đã từng mong ước đến sa mạc Kenya để tìm kiếm hóa thạch? Giờ đây bạn có thể biến ước mơ đó thành hiện thực ngay trong chính căn nhà của mình. Trường Đại học Bradford và Viện Nghiên cứu Lưu vực hồ Turkana (Turkana Basin Institute) đã phát động một dự án khoa học trực tuyến mang tính cộng đồng với tên gọi ‘Người đi tìm hóa thạch’ (Fossil Finder).

Các thành viên tham gia trong công chúng sẽ được yêu cầu hỗ trợ ghi chép lại những gì họ phát hiện được từ một triệu tấm ảnh chụp lưu vực hồ Turkana khô hạn ở phía bắc Kenya, châu Phi. Khu vực này chứa nhiều dấu tích của con người thời kỳ nguyên thủy, và người ta hy vọng rằng những dấu tích này có thể bao hàm trong đó các mảnh vụn hóa thạch cũng như các hiện vật khác.

Tiến sĩ Adrian Evans, người quản lý dự án cho biết: “Đây là một dự án cực kỳ thú vị, khi cho phép những người đam mê khảo cổ vốn không thể tiếp cận với những địa điểm xa xôi như vậy vẫn hoàn toàn có thể tham gia công tác khảo cổ. Họ sẽ đóng vai trò ‘các nhà khoa học cộng đồng’ trong việc tìm kiếm những hóa thạch mới – những dữ liệu nghiên cứu sơ cấp”.

Dưới đây là video về công tác khai quật hóa thạch loài voi ở lưu vực hồ Turkana, Kenya:

Tiến sĩ Andrew Wilson từ trường Đại học Bradford, Anh, một trong những người dẫn đầu dự án, đã chia sẻ với các phóng viên tại Liên hoan khoa học Anh (British Science Festival) rằng: “Đây là một cơ hội để công chúng tham gia cuộc tìm kiếm quy mô lớn các hóa thạch mới tại hồ Turkana”.

Các bức ảnh chụp đã được các nhà khảo cổ học ghi lại sử dụng một hệ thống camera được gắn trên máy bay không người lái và các con diều. Các nhà khảo cổ học và các nhà nhân chủng học đã hợp tác khai trương một trang web mới, cho phép chúng ta tìm kiếm những di tích hóa thạch của các loài động vật và con người nguyên thủy.

“Đây là một số lượng lớn hóa thạch vốn sẽ không thể được tìm kiếm trên quy mô cá thể, đồng thời cũng sẽ không thể được tìm kiếm một cách hiệu quả nếu chỉ dựa vào một hệ thống vi tính”, TS Wilson cho hay.

Lưu vực hồ Turkana khá nổi tiếng với những hóa thạch cổ đại, và các nhà khảo cổ học đã khai quật được rất nhiều hóa thạch có niên đại từ 1,4 đến 1,8 triệu năm tuổi.

Các trầm tích lắng đọng trên hàng triệu năm bên dưới các con sông và hồ cổ đại hiện đang dần dần bị xói mòn. Chính vì xuất hiện tình trạng xói mòn này nên các hóa thạch mới đang không ngừng lộ diện.

TS Randolph Donahue, một thành viên khác của nhóm nghiên cứu, đã nói: “Có nhiều câu hỏi quan trọng cần được trả lời; đó là, mối quan hệ giữa các chủng loài khác nhau này là gì? Ai là tổ tiên thật sự của chúng ta?”

Bộ ảnh có độ phân giải cao đầu tiên (3 mm/pixel) đã bao phủ được một vùng diện tích khoảng vài km2. Có khá nhiều vùng diện tích trong các bức ảnh bị trùng lặp với nhau, đánh dấu những địa điểm quan trọng đối với các nhà nghiên cứu.

TS Evans nói: “Dự án này có thể được thực hiện nhờ một bước đột phá trong công nghệ hình ảnh, cho phép chụp ảnh mặt đất với độ phân giải cực cao, chi tiết đến từng mi-li-mét. Sử dụng công nghệ này, chúng tôi có thể chụp ảnh các vùng đất chứa hóa thạch ở một quy mô chưa từng có”.

“Điều này sẽ giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về các khu vực biến đổi địa chất, những biến động môi trường trong quá khứ và xác định chính xác hơn những khu vực dễ có khả năng xuất hiện hóa thạch”.

Khi bạn vào trang fossilfinder.org, bạn sẽ được cho xem nhiều bức ảnh, và được hỏi một loạt các câu hỏi, ví như, địa hình ban đầu của khu vực này là đá hay cát.

Tiến sĩ Donahue nói: “Sau khi trả lời xong các câu hỏi về các loại đá và các loại trầm tích khác nhau, họ sẽ được cung cấp những câu hỏi thú vị hơn về loại hóa thạch và hiện vật họ có thể trông thấy”.

Các hiện vật được phát hiện khá đa dạng, từ xương động vật có vú và tông người hominin cổ đại, cho đến các công cụ lao động thời cổ đại. Những khách ghé thăm trang web cũng không tự lựa chọn hình ảnh và mỗi bức ảnh sẽ được hiển thị cho 10 cá nhân khác. Cũng có một diễn đàn trên trang fossilfinder.org, nơi bạn có thể chia sẻ những phát hiện của mình với những thành viên khác.

TS Evans giải thích: “Có một diễn đàn [trên trang web] — do đó nếu bạn được cho xem một hình ảnh nhưng không chắc trong đó có gì, bạn có thể ấn vào một nút, và đăng tải hình ảnh này lên diễn đàn. Sau đó, tất cả thành viên sẽ cùng tham gia phân tích”.

Tác giả: Troy Oakes, Vision Times
Đọc bản gốc ở đây.
Ngọc Mai biên dịch

Exit mobile version