Các nhà khoa học dự định làm một tàu nghiên cứu mắc kẹt hoàn toàn trong băng biển dọc Bắc Cực, nhưng với mục đích thu thập các kết quả dự báo thời tiết và khí hậu chính xác hơn. Dự án quy tụ 50 tổ chức từ 14 quốc gia, bao gồm Anh, Mỹ và Nga, với kinh phí lên đến 50 triệu euro.
Mắc cạn và không thể di chuyển, con tàu RV Polarstern sẽ đồng hành cùng khối băng trôi khi mùa đông Bắc Cực lạnh giá và tối tăm triền miên. Trong chuyến hành trình dài 2.500 km kéo dài khoảng 1 năm, các nhà khoa học sẽ tiến hành đo đạc và quan sát khí hậu vùng cực với mức độ chi tiết chưa từng có trước đây.
Dự án táo bạo này, mang tên Mosaic, làm gợi nhớ chuyến thám hiểm Bắc Cực nổi tiếng cách đây hơn một thế kỷ. Năm 1893, nhà thám hiểm người Na-uy Fridtjof Nansen cố gắng tiến sát Bắc Cực bằng cách cho con tàu ‘the Fram’ của ông đông cứng vào tảng băng để trôi dạt theo nó. Ông và thủy thủ đoàn rốt cục đã phải bỏ lại con tàu, để nó tiếp tục trôi qua Điểm Cực Bắc, và xuất hiện giữa Greenland và quần đảo Svalbard ở khu vực ngày nay là eo biển Fram.
Mục đích của Nansen là chinh phục điểm cực bắc, còn mục tiêu của dự án Mosaic dự kiến triển khai vào năm 2019 chỉ thuần túy mang tính khoa học.
Dự kiến sẽ triển khai dự án vào mùa hè, khi lớp băng biển mỏng và phạm vi băng bao phủ nhỏ hơn rất nhiều.
– Giáo sư Markus Rex
GS Markus Rex, đồng chỉ huy dự án từ Viện Alfred Wegener ở Potsdam, Đức cho hay:
“Chúng tôi dự kiến triển khai dự án vào mùa hè, khi lớp băng biển mỏng và phạm vi băng bao phủ nhỏ hơn rất nhiều. Chúng tôi sẽ di chuyển dọc bờ biển Siberia, sau đó tiến sâu vào khu vực Bắc Cực ở mạn Siberia bằng tàu phá băng. Sau đó chúng tôi chỉ cần tắt động cơ, để tàu trôi dạt theo băng biển.
Khi mùa đông đến băng biển sẽ dần dần tích tụ, đến cuối tháng 11, chúng tôi sẽ ở giữa một tảng băng rắn chắc. Thời tiết sẽ lạnh hơn, khiến lớp băng dày và rộng hơn. Đến lúc đó chúng tôi sẽ thiết lập một mạng lưới trạm quan trắc thời tiết trên băng, một số trạm ở gần và một số trạm cách xa khoảng 19 hay 29 m.
Chúng tôi sẽ có một mạng lưới trạm quan trắc thời tiết trên băng, trong đó có một trạm trung tâm. Toàn bộ hệ thống trạm quan trắc sẽ trôi dạt dọc Bắc Cực. Vào mùa đông bầu trời sẽ tối mịt [trong 6 tháng liên tục] nên chúng tôi sẽ không thể di chuyển. Chúng tôi chỉ thụ động trôi dạt trên chỏm cực cho tới khi đến eo biển Fram”.
Thông tin thu thập được từ dự án có thể thay đổi vốn hiểu biết của chúng ta về tình trạng biến đổi khí hậu, thậm chí giúp các nhà dự báo cải thiện các dự báo về thời tiết ở Anh nói riêng [và toàn thế giới nói chung], GS Rex nhận định tại Hiệp hội Hoa Kỳ để xúc tiến Khoa học (AAAS) được tổ chức thường niên ở thành phố Boston (Mỹ).
Những gì diễn ra ở Bắc Cực, nơi tình trạng biến đổi khí hậu xảy ra nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên Trái Đất, có một ảnh hưởng to lớn tới khí hậu ở khu vực Bắc Âu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, tác nhân chịu trách nhiệm đằng sau chưa được biết rõ bởi việc tiến sâu vào khu vực để tiến hành các nghiên cứu thực địa trên bề mặt là rất khó.
“Có rất nhiều, rất nhiều các yếu tố nhỏ tác động đến khí hậu ở Bắc Cực nói riêng và trên toàn cầu nói chung mà chúng ta không thể quan sát bằng vệ tinh”, GS Rex cho hay
Diện tích băng biển hiện nay sụt giảm nhanh hơn rất nhiều so với mô hình máy tính dự đoán. Điều này cho thấy các thông tin quan trọng đã bị bỏ sót khỏi mô hình, GS Rex chỉ ra.
Theo Scientific American, sự chênh lệch giữa nhiệt độ Bắc Cực và những khu vực trung vĩ độ ở Châu Á, Bắc Mỹ và Châu Âu cuối năm ngoái là thấp nhất được ghi nhận trong lịch sử. Điều này gây ra sự dao động lớn đến dòng tia – những cơn gió cực mạnh chịu trách nhiệm dịch chuyển hệ thống thời tiết vòng quanh Trái Đất – từ đó kích hoạt hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gần khu vực xích đạo, ví như sóng nhiệt (khoảng thời gian kéo dài của hiện tượng thời tiết nóng bất thường, thường kéo dài từ vài ngày đến hơn một tuần), hạn hán, và tuyết rơi dày đặc.
Quý Khải (theo Express)
Xem thêm: