Đại Kỷ Nguyên

Kính Hubble phát hiện vật thể bí ẩn, có thể giúp giải mã nguồn gốc của nước trên Trái Đất

Các nhà thiên văn học Đức đã phát hiện ra một vật thể bí ẩn giống sao chổi, có tiềm năng giải mã bí ẩn nguồn gốc của nước trên Trái Đất.

Theo trang Phys.org, với sự hỗ trợ của kính thiên văn Hubble của NASA, một nhóm các nhà thiên văn học người Đức đã quan sát được một hiện tượng dị thường trong vành đai tiểu hành tinh giữa Sao Hỏa và Sao Mộc.

Đó là sự xuất hiện của hai tiểu hành tinh quay xung quanh nhau và có các đặc tính của sao chổi, bao gồm một đầu sao chổi sáng chói (giống vầng hào quang) và một cái đuôi sao chổi dài. Đây là lần đầu tiên một cặp tiểu hành tinh (còn gọi là hệ tiểu hành tinh đôi) đồng thời được phân loại là một sao chổi.

Cấu tạo sao chổi gồm: một đầu sao chổi sáng chói và một đuôi sao chổi dài. (Ảnh dẫn theo magnuvix.fav)

Hơn một năm trước đây, hai tiểu hành tinh này còn bị nhầm tưởng là một vật thể thống nhất, và được gọi là tiểu hành tinh 288P. Tuy nhiên, vào tháng 9/2016, khi tiểu hành tinh này tiếp cận gần nhất với Mặt Trời, nó trở nên đủ gần để các nhà thiên văn học quan sát một cách chi tiết thông qua kính viễn vọng Hubble.

Các bức ảnh thu được cho thấy đây thực chất không phải là một vật thể đơn nhất, mà là hai tiểu hành tinh với khối lượng và kích thước gần như bằng nhau, xoay xung quanh nhau tại khoảng cách chỉ khoảng 100 km. Kể từ đây, các bí ẩn của nó dần được hé lộ.

“Chúng tôi nhận thấy rằng nước bên trong vật thể này đang dâng lên bề mặt do nhiệt lượng mặt trời-tương tự như cách đuôi sao chổi được tạo thành”, TS  Jessica Agarwal từ Viện Max Planck để Nghiên cứu Hệ Mặt trời (Đức), trưởng nhóm nghiên cứu cho hay. Do đó, cặp tiểu hành tinh 288P này cũng được phân loại là một sao chổi vành đai chính (sao chổi nằm trong khu vực bao gồm vô số tiểu hành tinh giữa Sao Hỏa và Sao Kim).

Vật thể 288P “đơn nhất” thực chất là hai tiểu hành tinh nhỏ có kích thước tương đồng quay khá gần nhau, có tính chất giống sao chổi. Trên là ảnh chụp hai tiểu hành nói trên của kính viễn vọng Hubble vào năm 2016.

Hiểu được nguốn gốc và sự phát triển của các sao chổi vành đai chính là một điều quan trọng, bởi nó giúp chúng ta hiểu được sự tạo thành và phát triển của toàn bộ Hệ Mặt Trời. Một trong số những câu hỏi mà các sao chổi loại này có thể trả lời là nguồn gốc của nước trên Trái Đất, bởi có người cho rằng chính các sao chổi hay các thiên thể trong vũ trụ đã mang nước đến Trái Đất. Cũng bởi chỉ có rất ít vật thể loại này được phát hiện cho đến nay, 288P là một đối tượng nghiên cứu có tiềm năng cực lớn.

Các sao chổi đã mang nước đến Trái Đất? Các nhà khoa học sẽ tiến gần hơn đến câu trả lời với khám phá mới về sao chổi 288p.

Sao chổi 288p tồn tại dưới dạng thức của một cặp tiểu hành tinh chỉ trong khoảng 5.000 năm trở lại đây. TS Agarwal đưa ra một giả thuyết: “Có lẽ chúng đã từng là một thể thống nhất, nhưng phân tách ra làm hai do tốc độ xoay tròn quá nhanh. Sau đó, hai mảnh vỡ này di chuyển ra xa nhau do mô men xoắn thăng hoa”.

288P quá đặc thù so với các cặp tiểu hành tinh khác, liệu đây có phải chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay còn có nguyên nhân khác. “Cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm, cũng như tìm ra các vật thể tương tự 288p, để tìm kiếm một câu trả lời cho vấn đề này”, TS Agarwal kết luận.

Video mô phỏng 288P:

Quý Khải (Theo Phys.org)

Xem thêm:

Exit mobile version