Trong quá trình sử dụng công nghệ chụp quét mạnh mẽ tân tiến nhất hiện nay để khám phá các căn phòng ngầm ẩn giấu cùng các bí mật cổ đại khác của kim tự tháp Ai Cập , các nhà khoa học đã phát hiện được một điểm dị thường “ấn tượng” bên trong Đại Kim tự tháp Ai Cập, ám chỉ có thứ gì đó tiềm ẩn bên trong các bức tường cổ đại của kim tự tháp. Bộ Di sản Ai Cập tuyên bố họ đang cân nhắc một số giả thuyết, nhưng trước mắt sẽ tiến hành thêm các nghiên cứu trước khi công bố chúng ra.
Các kiến trúc sư từ Ai Cập, Canada, Pháp và Nhật Bản đã tiến hành chụp quét phần bên trong của bốn kim tự tháp Ai Cập, sử dụng công nghệ tia hồng ngoại tiên tiến và các tia bức xạ vũ trụ trong dự án quốc tế với tên gọi Quét kim tự tháp (Scan Pyramids), nhằm mục đích khám phá những khoang, hốc sâu nhất của các kim tự tháp Ai Cập.
Cho đến nay, họ đã phát hiện được một số điểm dị thường trong kết quả chụp ảnh nhiệt các kim tự tháp, nhưng Bộ Di sản Ai Cập đã nhấn mạnh vào “một điểm dị thường đặc biệt ấn tượng trên mặt đất ở phía đông của Đại kim tự tháp Giza (còn được gọi là kim tự tháp Khufu hay kim tự tháp Cheops)”.
“Chúng ta có thể nhìn thấy một thứ gì đó như một thông đạo nhỏ trong lòng đất, dẫn lên phía trên tầng mặt đất của các kim tự tháp, và tiếp cận một khu vực có mức nhiệt độ khác thường”, Bộ trưởng Bộ Di sản Ai Cập Mamdouh el-Damaty đã phát biểu trong một buổi thông cáo báo chí. “Điều gì nằm ở đằng sau?”
Các chuyên gia đã lập bản đồ nhiệt các kim tự tháp sử dụng kỹ thuật chụp ảnh nhiệt tia hồng ngoại, nhằm xác định khoảng trống bất kỳ đằng sau các bức tường kim tự tháp, ví như các khoang, hốc, phòng chứa, thông đạo hoặc các loại chất liệu xây dựng công trình khác nhau, trong khi kỹ thuật chụp ảnh tia vũ trụ sẽ giúp phát hiện các cấu trúc chưa được xác định bên trong các công trình cổ đại.
Theo kênh Discovery News, Đại kim tự tháp đã cho thấy các mức chênh lệch nhiệt độ đáng kể. Tuy mức chênh lệnh nhiệt độ giữa hai tảng đá vôi nằm liền kề nhau thường trong khoảng từ 0,1 đến 0,5 độ C, thì sự chênh lệch giữa các khối đá ở mặt phía đông của Đại kim tự tháp lại lên đến 6 độ C.
“Điểm dị thường này rất ấn tượng và nó nằm ngay trước mắt chúng ta, tại tầng mặt đất”, theo ông Mehdi Tayoubi, đồng sáng lập Viện Đổi mới Bảo tồn Di sản HIP Institute có trụ sở tại Paris (Pháp), tổ chức phụ trách tiến hành các thí nghiệm Quét kim tự tháp (Scan Pyramids) này.
Một số điểm nhiệt dị thường đã được phát hiện trên tổng thể tất cả các công trình, nhưng một vị trí điểm nhiệt ấn tượng nhất đã được phát hiện ở mặt phía đông của Đại kim tự tháp, cũng được gọi là kim tự tháp Khufu hay kim tự tháp Cheops, ngay tầng mặt đất. (Ảnh: Philippe Bourseiller/Viện Đổi mới Bảo tồn Di sản HIP Institute, Khoa Kỹ thuật, Cairo/Bộ Di sản Ai Cập)
Ở giai đoạn hiện nay, nhóm nghiên cứu chưa tiết lộ các giả thuyết về nguồn gốc của điểm nhiệt dị thường của họ cho tới khi tiến hành thêm các nghiên cứu.
Nhà Ai Cập học Beth Ann Judas cho rằng mặt phía đông của Đại kim tự tháp Giza, nơi phát hiện điểm nhiệt dị thường, là tiêu điểm của toàn bộ kim tự tháp, với một số đền thờ và lăng mộ chủ chốt nằm ở đó. “Con sông Nile (Nin) từng nằm ở phía đông kim tự tháp, và hầu hết mọi người sẽ tiếp cận kim tự tháp từ hướng đông”, bà nhận định [trong một cuộc trao đổi với tờ Huffington Post]. “Các kim tự tháp cũng có một mối liên hệ với Mặt Trời, và sự sùng bái thần Mặt Trời Ra trong tín ngưỡng Ai Cập cổ đại”.
Ông Tayoubi nói rằng, bước tiếp theo của nghiên cứu là xây dựng các mô hình và mô phỏng nhiệt nhằm kiểm chứng các giả thuyết khác nhau được đưa ra. Dự án Quét kim tự tháp dự kiến sẽ được tiến hành trong vòng hơn 1 năm, trong quá trình đó nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành khảo sát tia hồng ngoại đối với 4 kim tự tháp – kim tự tháp Khufu và kim tự tháp Khafre ở Giza, và kim tự tháp Bent và kim tự tháp Đỏ ở Dahshur.
Video giới thiệu dự án:
Tác giả: April Holloway, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch