Đại Kỷ Nguyên

Giải mã bí ẩn bên trong các ký tự tượng hình của người Maya

Trong hàng trăm năm, các nhà ngôn ngữ học đã cố gắng giải mã các ký tự tượng hình cổ đại của người Maya trên các bức họa chạm khắc ở các công trình, các đồ gốm được sơn màu, và được vẽ trong các cuốn sách thủ công làm từ vỏ cây…

Giờ đây, với công việc đang được tiếp tục tiến hành bởi các chuyên gia ngôn ngữ, việc giải mã đang tiến triển với một tốc độ nhanh chóng và gần như sắp sửa hoàn thành – cho đến nay, 85 – 90% các ký tự đã được giải mã. Nếu hoàn thành việc giải mã, thì đây sẽ là một bước tiến lớn về phía trước trong việc tăng cường vốn hiểu biết của chúng ta về các mặt chính trị, xã hội, và lịch sử của nền văn minh Maya.

Trong một thời gian dài, rất nhiều học giả tin rằng các ký tự hoàn toàn không biểu thị cho một ngôn ngữ, hay ít nhất nó không phải là một hệ thống chữ viết hoàn chỉnh, và không khó hiểu tại sao niềm tin này lại phổ biến – chữ viết của người Maya hẳn phải là một trong những hệ chữ viết ấn tượng nhất về mặt thị giác trên thế giới.

Hệ thống chữ viết này vô cùng phức tạp, với hàng trăm dấu hiệu hay ký tự tượng hình đặc thù dưới dạng thức người, động vật, các vật thể siêu nhiên, và các thiết kế trừu tượng. “Các văn bản tiếng Maya thường được viết dưới dạng các khối hộp”, trang Phys.org cho biết trong một bài viết thảo luận các nghiên cứu mới nhất xoay quanh ký tự Maya. “Một khối hộp có thể chứa một hoặc nhiều ký tự tượng hình, biểu thị cho một âm thanh, một từ hoặc thậm chí cả câu”.

Ký tự Maya điển hình có dạng thức khối hộp, có thể biểu thị một âm thanh, một từ, hoặc cả câu. (Ảnh: Wikipedia)
Bản thảo Madrid. Bản thảo của người Maya cũng được biết đến là Tro-Cortesianus. Nguồn gốc chưa rõ. Thời kỳ Late Postclassic  (cuối Hậu Cổ điển) của người Maya (1200 – 1550).

Đột phá chủ chốt đầu tiên trong việc giải mã các ký tự đã được ghi nhận vào những thập niên 50 khi một nhà dân tộc học người Nga đưa ra giả thuyết cho rằng các ký tự Maya có ít nhất một bộ phận ngữ âm. Giả thuyết của ông không được hoan nghênh lúc ban đầu, nhưng rốt cuộc đã được chứng minh là đúng. Các đột phá mới liên tục xuất hiện trong những thập niên 70 và 80 khi ngày càng có nhiều nhà ngôn ngữ học tỏ ra hứng thú với loại ký tự này, và các học giả đã hiểu được rằng trên thực tế đây là một hệ thống chữ viết vận hành đầy đủ có khả năng diễn tả một cách rõ ràng bất kỳ câu nào trong ngôn ngữ nói.

“Tuy có khoảng 5 triệu người hiện nay ở Nam Mỹ vẫn đang sử dụng một thứ ngôn ngữ nói phát xuất từ nền văn minh Maya, nhưng ngôn ngữ viết lại phải chịu một số phận khác biệt”, trang Phys.org cho hay. “Các bí mật của nền văn minh Maya cổ đại đã bị thất lạc cùng với việc tiêu hủy hầu hết các văn vật trong quá trình người Tây Ban Nha khai phá thuộc địa vào thế kỷ 16”. Ngày nay, chỉ còn lại duy nhất 3 bản thảo của người Maya, tuy rằng các ký tự tượng hình cũng được bảo quản tại hàng trăm di chỉ cổ đại.


Một bản thảo của người Maya. (Ảnh: Travis / Flickr)

Các chuyên gia ngôn ngữ hiện đang làm việc không biết mệt mỏi để giải mã 10 – 15% các ký tự tượng hình còn lại hiện vẫn chưa được biết rõ, và không ngừng có các tiến bộ đều đặn. Theo trang Phys.org, các nhà nghiên cứu từ Trường Bách khoa Liên bang Lausanne ở Thụy Sĩ hiện đã nghĩ ra một thuật toán để phân tích các ký tự của người Maya. “Sau đó các nhà nghiên cứu sẽ có thể sử dụng công cụ này để nhanh chóng xác định ý nghĩa của một ký tự tượng hình cho sẵn, và như một ví dụ, để xem xem những tổ hợp biểu tượng nào được quan sát trong cùng một ‘khối hộp’ ký tự là phổ dụng nhất”, họ cho biết.

Hy vọng rằng công cụ mới này sẽ có thể dẫn đến một cơ sở dữ liệu online nhằm phục vụ giới khoa học trong quá trình phân tích các ký tự của người Maya. Dự án có tiềm năng mở ra một cánh cửa mới vào nền văn minh hùng mạnh dẫu rằng khá bí ẩn này.

Tác giả: April Holloway, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version