Đường zig zag bí ẩn xuất hiện trên mặt hồ đóng băng tại Iceland đang thu hút sự tò mò của người dân địa phương và cư dân mạng.
Gần đây, người dân địa phương đã phát hiện những đường kẻ kỳ lạ trải dài khoảng 2km trên mặt hồ đóng băng của Hồ Thingvallavatn tại Vườn quốc gia Thingveillir, Iceland.
Nhân viên vườn quốc gia, anh Einar AE Saemundsen cho biết anh và đồng nghiệp chưa từng nhìn thấy điều gì tương tự trước đây. Anh đã chụp ảnh đường zig zag và đăng chúng lên trang Facebook của vườn quốc gia.
“Ngày 9/3, ai đó đã phát hiện thấy một mô thức kỳ lạ trên mặt băng mà người dân địa phương chưa từng được nhìn thấy trước đây”, anh Saemundsen cho hay.
“Mô thức thẳng tắp và vuông vắn này trải dài hơn 2km trên mặt hồ. Các đường thẳng không hình thành tại cùng một khu vực với những vết nứt sẵn có trên mặt băng”.
“Có nhiều suy đoán được dấy lên, trong đó không thiếu các cách giải thích khá mạnh miệng, từ hoạt động của người ngoài hành tinh và quái vật lạ dưới hồ cho đến các thuyết âm mưu kỳ lạ khác”.
Sau khi nói chuyện với nhiều chuyên gia, Saemundsen cho biết cuối cùng họ đã hiểu được nguyên nhân hình thành nên mô thức bí ẩn này.
“Các chuyên gia nhận định đây là một hiện tượng cực hiếm gặp có tên là “đan ngón tay” (finger rafting). Nhưng hiện tượng này chưa từng được ghi nhận trước đây tại Hồ Thingvallavatn”, Saemundsen cho hay.
Hiện tượng này xảy ra khi các lớp băng mỏng trôi nổi trên mặt nước ráp vào nhau (“đan vào nhau”), lần lượt từ bên trên rồi bên dưới một cách xen kẽ, tạo nên điều mà các nhà khoa học gọi là “các ngón tay”.
Trong một nghiên cứu được đăng trên tờ Physical Review Letter năm 2007, GS John Wettlaufer từ Đại học Yale giải thích hiện tượng này như sau:
“Khi hai mảng đàn hồi trôi nổi trên bề mặt một chất lỏng va chạm với nhau, trực giác cho chúng ta biết sẽ có hai kết quả: một mảng sẽ bị trượt xuống bên dưới mảng kia (sự hút chìm), như có thể quan sát tại ranh giới hội tụ của các mảng kiến tạo trên lớp vỏ Trái Đất, hoặc cả hai mảng sẽ va đập vào nhau tạo nên một sân băng vụn, như có thể thấy ở các mảng băng trôi dày”.
Hiện tượng kỳ lạ này chỉ xảy ra khi cả hai mảng băng có độ dày mỏng, và gần như tương đương.
Hồ Thingvallavatn là hồ băng lớn nhất Iceland và thường được các dải băng bao phủ từ khoảng đầu tháng một cho đến mùa xuân.
Nhưng Saemundsen cho biết mặt hồ đã không thể đóng một lớp băng rắn chắc trong vòng 15 năm trở lại đây do mức nhiệt gia tăng, và rằng mặt hồ “chỉ đóng băng một phần trong khoảng thời gian ngắn” và không đủ độ vững chắc.
Thạch Khánh
Xem thêm:
- Xem cảnh tượng kỳ ảo khi bong bóng xà phòng đóng băng (+Video)
- Đặt khối sắt nung đỏ lên mặt hồ đóng băng, điều xảy ra thật thú vị (+Video)
- Tiến sĩ Margaret Trey: “Lưu tâm thực hành Pháp Luân Công: Môn thiền định dành cho thể chất, sức khỏe và hơn thế…”