Đại Kỷ Nguyên

Chế tạo thành công cơ bắp robot ‘mềm dẻo, linh hoạt’ – Mối hiểm họa tiềm ẩn

Các nhà khoa học Mỹ phát triển được một loại cơ bắp robot, “càng ngày càng giống thật”.

Trong khi “bộ não” robot đã phát triển ngoạn mục trong vài năm trở lại đây, cơ thể của chúng vẫn không quá khác biệt so với những gì bạn có thể thấy trong những bộ phim khoa học viễn tưởng vào thập niên 70. Nhưng giờ đây, một loại vật liệu mới mang tính cách mạng hứa hẹn trạng bị cho các robot một cơ bắp mềm dẻo, linh hoạt và cực kỳ mạnh mẽ, theo iflscience.

“Nó có thể đẩy, kéo, uốn cong, vặn xoắn, và nâng nhấc vật nặng. Đây là vật liệu nhân tạo gần nhất với cơ bắp tự nhiên”, tác giả dẫn đầu Aslan Miriyev, cho biết.

Loại cơ bắp mềm dẻo, linh hoạt.

Đây là sản phẩm của công ty Columbia Engineering. Họ đã tạo ra một loại “cơ bắp” tổng hợp mềm dẻo, có khả năng nâng nhấc sức nặng gấp 1.000 lần trọng lượng của robot, tạo nên bước đột phá “một trong những rào cản cuối cùng để tạo ra những con robot y như thật”.

Lấy cảm hứng từ các loài sinh vật sống, đây là một bước ngoặt lớn từ lối di chuyển “máy móc, cứng nhắc” của robot hiện nay, để trở nên mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt và tinh tế.

Được cấu tạo từ loại vật liệu in 3D có khả năng co giãn giống cơ bắp thật, loại cơ bắp này không đòi hỏi bất kỳ máy nén hay thiết bị điện áp cao hỗ trợ nào bên ngoài. Khi được làm nóng bằng điện tích thấp, cơ bắp sẽ tự giãn nở, và khi được làm mát, nó sẽ tự co lại, rất giống cơ bắp thật. Nó được cấu tạo từ một loại ma trận cao su silicone với ethanol phân bổ xuyên suốt các bong bóng nhỏ, nghĩa là rất dễ để chế tạo, với giá thành tương đối thấp, đồng thời được làm bằng vật liệu an toàn với môi sinh.

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm loại cơ robot mới của họ trong nhiều trường hợp khác nhau, và điều khiển nó bằng máy tính. Tất nhiên, vẫn còn một chặng đường dài trước khi đạt được mức độ linh hoạt thật sự của cơ bắp động vật. Tuy nhiên trong một thử nghiệm nhỏ, vật liệu này được dùng để chế tạo một bắp tay, và đã thật sự nâng được cánh tay của một bộ xương người tạo nên góc vuông 90 độ (hình dưới).

Vật liệu này đã được dùng để chế tạo một bắp tay, đã thật sự nâng được cánh tay của một bộ xương người tạo nên góc vuông 90 độ. (Ảnh: Aslan Miriyev)

Hiểm họa tiềm ẩn

Sự khác biệt lớn nhất giữa robot (hay trí tuệ nhân tạo AI) và con người có lẽ chính khả năng tư duy, hay nói cách khác, một bộ não biết suy nghĩ. Một khi các nhà nghiên cứu giải được bài toán này, sự khác biệt giữa robot và người sẽ bị thu hẹp, thậm chí không tồn tại.

Như TS. David Hanson, CEO hãng phát triển robots Hanson Robotics, chia sẻ:

“Tôi tin là sẽ đến lúc chúng ta không thể phân biệt được giữa robot và con người”.

Và thực sự các robot đã bước đầu làm được điều này. Lấy ví dụ, gần đây, hai robot của Facebook có tên là Bob và Alice đã khiến các kỹ sư của hãng này phát hoảng, sau khi tự động tạo ra một ngôn ngữ riêng rất khó giải mã để chủ động giao tiếp với nhau, mặc dù lúc đầu chỉ được lập trình để sử dụng tiếng Anh, phục vụ hãng trong hoạt động hàng ngày.

Hai robot Bob và Alice của Facebook.

Không chỉ vậy, Sophia – một robot của Hanson Robotics – khi được hỏi: “Bạn có tiêu diệt con người không?”, đã trả lời thẳng thừng: “Tôi sẽ tiêu diệt con người”.

Một câu trả lời khiến nhiều nhà phát triển sởn tóc gáy.

Nhiều người lo ngại các thế hệ robot AI trong tương lai sẽ là hiểm họa đối với con người (Ảnh: Internet)

Elon Musk, tỷ phú công nghệ người Mỹ, người được mệnh danh Edison của thế kỷ 21 và cũng là tiên phong trong lĩnh vực phát triển AI, đã từng có các cảnh báo nghiêm túc về vấn đề này:

“Theo tôi, trí tuệ nhân tạo là một trường hợp ít gặp trong đó chúng ta cần chủ động quản lý thay vì ứng phó, bởi đơn giản đến lúc chúng ta ứng phó thì mọi chuyện đã quá muộn”.

“Nếu bạn không quan tâm đến sự an toàn của AI, bạn sẽ gặp rủi ro lớn hơn nhiều những thứ Bắc Triều Tiên có thể làm”,

“Chúng ta cần cẩn thận hơn với các AI, có khả năng chúng còn nguy hiểm hơn cả vũ khí hạt nhân”

– Elon Musk

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.

Quý Khải (Theo iflscience)

Exit mobile version