Đại Kỷ Nguyên

Hoa Kỳ loại bỏ 2 hãng viễn thông Trung Quốc Huawei và ZTE khỏi chương trình trợ cấp chính phủ

Hoa Kỳ loại bỏ 2 hãng viễn thông Trung Quốc Huawei và ZTE khỏi chương trình trợ cấp chính phủ

(Ảnh: innov8tiv)

Cơ quan quản lý viễn thông Hoa Kỳ đang lên kế hoạch bỏ phiếu vào tháng 11 để liệt 2 hãng viễn thông Huawei và ZTE của Trung Quốc vào dạng rủi ro an ninh quốc gia, đồng thời cấm các nhà mạng ở vùng nông thôn nước này tiếp cận gói hỗ trợ chính phủ trị giá 8,5 tỷ USD để mua thiết bị hoặc dịch vụ của 2 hãng viễn thông này, theo Reuters.

Logo Huawei tại hội chợ công nghệ tiêu dùng IFA ở Berlin, Đức, ngày 6/9/2019 (ảnh: Reuters/Hannibal Hanschke).

Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) cũng lên kế hoạch yêu cầu các nhà mạng vùng nông thôn nước này loại bỏ và thay thế các thiết bị mua từ hai công ty viễn thông Trung Quốc kể trên, các quan chức của FCC cho biết vào hôm thứ Hai vừa qua.

Tại một cuộc họp được dự kiến tổ chức vào ngày 19/11, FCC dự kiến sẽ bỏ phiếu và hỏi các nhà mạng xem cần bao nhiêu chi phí để loại bỏ và thay thế các thiết bị của Huawei và ZTE khỏi các mạng hệ thống hiện có và thiết lập chương trình đền bù để bù đắp cho chi phí loại bỏ và thay thế thiết bị.

(Ảnh: telset)

“Khi đề cập đến an ninh của Mỹ và công nghệ 5G, chúng ta không thể chấp nhận rủi ro và cần hướng tới giải pháp tốt nhất”, Chủ tịch FCC ông Ajit Pai nói trong một tuyên bố.

“Khi Hoa Kỳ nâng cấp hệ thống mạng của mình lên thế hệ công nghệ không dây tiếp theo – 5G – chúng ta không thể bỏ qua rủi ro chính phủ Trung Quốc sẽ tìm cách khai thác các lỗ hổng hệ thống mạng để tham gia vào các hoạt động gián điệp, chèn lẫn phần mềm độc hại và vi rút, và làm tổn hại đến đến hệ thống mạng truyền thông quan trọng của chúng ta”.

Đây là động thái mới nhất của chính phủ Hoa Kỳ nhằm cấm các công ty Mỹ mua thiết bị của Huawei và ZTE. Huawei và ZTE sẽ có 30 ngày để phản bác phán quyết của FCC. Một lệnh chính thức yêu cầu loại bỏ hoàn toàn các thiết bị của hai hãng viễn thông này sẽ không được thực thi ít nhất là cho đến năm tới.

Exit mobile version