Đại Kỷ Nguyên

Chuyên gia cảnh báo: Trí tuệ nhân tạo làm gia tăng phân biệt chủng tộc và xem thường phụ nữ

Một cảnh báo vừa được các chuyên gia công nghệ phát đi với thông điệp các chương trình trí tuệ nhân tạo dùng để đánh giá người dân đang phân biệt đối xử với phụ nữ và người da màu.

Các robot trí thông minh nhân tạo (AI) ngày càng được sử dụng phổ biến để thực hiện ra các quyết định như cho vay ngân hàng hoặc xét tuyển đại học,…Việc này tuy giúp tiết kiệm thời gian giải quyết công việc nhưng có các dấu hiệu cho thấy chúng đang phân biệt đối xử với phụ nữ và người da màu, Ibtimes đưa tin hôm 24/8.

Theo các chuyên gia khoa học máy tính, việc tạo ra các nền tảng robot có khả năng ra những quyết định thay đổi cuộc sống như trên là một hành động phân biệt chủng tộc và kỳ thị.

Ngày càng có nhiều hệ thống trí tuệ nhân tạo được sử dụng cho mục đích ra quyết định (Ảnh: Quantrimang)

Một nhà nghiên cứu nói với BBC rằng hệ quả này xuất phát từ việc máy móc không hiểu rằng các cơ sở dữ liệu lịch sử đơn giản chỉ phản ánh sự bất bình đẳng của xã hội, chứ không thể coi đó là căn cứ chính để ra quyết định.

“Nếu bạn muốn thực hiện các bước để tạo nên sự thay đổi, bạn không thể sử dụng thông tin lịch sử”, chuyên gia Maxine Mackintosh nói.

Một lý do khác được Noel Sharkey, Giáo sư danh dự về Trí tuệ nhân tạo và khoa học người máy của đại học Sheffield đưa ra là đa số nhân sự trong lĩnh vực kỹ thuật hiện nay là nam nên một cách tương đối, các chương trình sẽ được xây dựng theo hướng có lợi cho phái mạnh.

Giáo sư Sharkey nói: “Chúng tôi cần thêm nhiều phụ nữ tham gia vào lĩnh vực này để giải quyết vấn đề.’’

Công nghệ trí tuệ nhân tạo đang phát triển chóng mặt, khiến không ít người lo ngại (Ảnh: Geekwire)

Các cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang phát triển một cách chóng mặt, khiến một loạt các câu hỏi được đặt ra, đặc biệt là việc các AIs sẽ được lập trình như thế nào để ra quyết định.

Hồi đầu tháng 8, một ủy ban của chính phủ Đức đã đưa ra bộ quy tắc cho những chiếc xe ô tô tự lái khi tham gia giao thông. Theo đó, các phương tiện tự hành phải hy sinh động vật và tài sản trước khi gây nguy hiểm cho con người – và quyết định liên quan đến con người không thể dựa vào tuổi tác, giới tính, chủng tộc hoặc điều kiện sức khỏe.

Các xe tự lái ở Đức phải coi việc đảm bảo tính mạng con người là quan trọng nhất (Ảnh: Mercedes auto)

Hướng dẫn này có nghĩa là một chiếc xe tự lái ở Đức cần phải hành xử với một đứa trẻ mới biết đi giống như một người hưu trí.

Bộ trưởng Giao thông Đức, Alexander Dobrint, cho hay: “Các tương tác giữa con người và máy móc đang đặt ra những câu hỏi đạo đức mới trong thời đại số hóa và các hệ thống có thể tự học để thông minh hơn”.

Năm ngoái, trong cuộc thi Beauty.AI, hơn 6.000 bức selfie của các cá nhân khắp thế giới thuộc độ tuổi từ 8 đến 69 đã được các robot AI đánh giá và kết quả là trong số 44 người thắng cuộc, gần như tất cả đều là người da trắng.

Hoài Anh

Xem thêm:

Exit mobile version