Chớp sóng vô tuyến phát đến Trái Đất từ sâu bên trong vũ trụ đang khiến các nhà khoa học bối rối có thể là “sự cố rò rỉ” của công nghệ khổng lồ ngoài hành tinh, theo giả thuyết của các nhà thiên văn từ Trung tâm Vật lý thiên thể Harvard-Smithsonian.
Các tàu vũ trụ ngoài hành tinh có kích thước bằng cả một hành tinh có thể là nguồn phát các chớp sóng vô tuyến thu được trên Trái Đất, các chuyên gia đề xuất.
Năm 2007, các nhà khoa học phát hiện được một chớp sóng vô tuyến từ một thiên hà xa xôi, và kể từ đó 17 chớp sóng nữa đã được phát hiện. Các tín hiệu này về sau được biết đến với tên gọi chớp sóng vô tuyến nhanh (Fast Radio Burst hay FRB). Đặc trưng của FRB là một nguồn năng lượng cường đại; trong một giây có thể phát phóng năng lượng bằng cả mặt trời làm trong 10.000 năm. FRB đặc biệt khó nắm bắt do chúng có thể kéo dài chỉ trong một mili giây và chưa có cách dự đoán thời điểm chúng xuất hiện.
Nguồn gốc của FRB vẫn là một bí ẩn. Giả thuyết nổi trội: FRB là sản phẩm của một vụ nổ cực mạnh nào đó trên vũ trụ: từ hố đen siêu khổng lồ, siêu tân tinh phát nổ hay ngôi sao từ (magnetar – một loại sao neutron được bao quanh bởi một từ trường cực mạnh).
Tuy nhiên, các nhà khoa học từ Trung tâm Vật lý thiên thể Harvard-Smithsonian (CfA) cho biết vẫn không thể loại trừ khả năng đây là công nghệ của người ngoài hành tinh.
Sau khi phân tích nguồn chớp sáng, nhà vật lý lý thuyết GS Avi Lob từ Đại học Harvard cho biết “một nguồn gốc nhân tạo là yếu tố đáng xem xét và kiểm tra”.
“Những chớp sóng này có thể là vật chất rò rỉ từ thiết bị phát có kích thước bằng cả một hành tinh cung cấp năng lượng cho các tàu thăm dò giữa các vì sao trong các thiên hà xa xôi”, theo tuyên bố của nhóm nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu xem xét khả năng tồn tại một máy phát sóng vô tuyến mặt trời cực mạnh sử dụng sức đẩy photon để đẩy các tàu vũ trụ du hành trong không gian.
Một tuyên bố của nhóm nghiên cứu, bao gồm GS Loeb và nhà khoa học Harvard Manasvi Lingam, cho biết nhóm “đã cân nhắc liệu một máy phát như vậy có khả thi từ góc độ kỹ thuật hay không, hay liệu nguồn năng lượng cực đại được sả.n sinh sẽ quay trở ngược làm tan chảy bất kỳ thiết bị nào tạo ra nó. Tuy nhiên, họ nhận thấy một thiết bị được làm nguội bằng nước có kích thước gấp đôi Trái Đất có thể hứng chịu được nguồn nhiệt lượng này”.
Họ tuyên bố lý do hợp lý nhất để một máy phát với kích thước như vậy được xây dựng là để “đủ sức đẩy một trọng tải lên đến một triệu tấn, hay khoảng 20 lần tàu du lịch lớn nhất trên Trái Đất”.
Ông Lingham nói thêm: “Nó đủ lớn để chở hành khách giữa các vì sao hay thậm chí giữa các thiên hà”.
Tuy rằng GS Loeb thừa nhận giả thuyết này mang tính chất suy đoán, nhưng không thể loại trừ bất kỳ khả năng nào.
Ông nói: “Khoa học không phải là vấn đề niềm tin, nó là vấn đề của bằng chứng. Quyết định điều gì nằm phía trước sẽ giới hạn các khả năng.
“Rất đáng để đưa các ý tưởng ra phía trước và để các số liệu trở thành trọng tài”.
Quý Khải
Xem thêm: