Đại Kỷ Nguyên

Chim cánh cụt non chết hàng loạt tại Nam Cực do biến đổi khí hậu

Số chim non trong một đàn chim cánh cụt Adelie hơn 40.000 con tại Nam Cực chỉ còn lại 2 do biến đổi khí hậu khiến chúng không thể tìm kiếm được thức ăn.

Theo Iflscience, thông tin trên được các nhà khoa học Pháp, với sự hỗ trợ của Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (WWF) công bố sau khi nghiên cứu một khu vực trên đảo Petrels, Nam Cực với 18.000 cặp sinh sản. Họ phát hiện ra hàng ngàn quả trứng không nở và chim non chết rải rác trong tuyết.

Chim cánh cụt non chết la liệt trên nền tuyết do đói rét (Ảnh: dailymail)

Nguyên nhân là biến đổi khí hậu, nhiệt độ lạnh bất thường khiến băng biển mở rộng, các cặp chim cánh cụt phải đi xa hơn để tìm thức ăn và việc chờ đợi quá lâu khiến chim non lần lượt chết đói. Chúng thậm chí phải đi hơn 100km để kiếm thức ăn.

Ngay cả khi đến được bờ biển, việc tìm kiếm cũng không đơn giản khi nguồn thức ăn đang ngày càng cạn kiệt do khí hậu thay đổi và hoạt động đánh bắt thủy sản của con người. Chẳng hạn, một trong những loại thức ăn ưa thích của chim cánh cụt là Krill – một loài giáp xác nhỏ giống như tôm đã bị các tàu đánh cá “vơ vét” gần như triệt để.

Nguồn thức ăn từ con Krill của những con chim cánh cụt bị các tàu cá tước đoạt (Ảnh: healthhamster)

“Nhưng cũng còn các yếu tố khác nữa. Đó là ảnh hưởng kết hợp từ nhiệt độ, hướng và sức gió, cộng thêm việc không có hố băng (vùng nước biển không bị đóng băng) nào ở phía trước bầy chim cánh cụt”, Ropert-Coudert, nhà khoa học tại trạm nghiên cứu Dumont D’Urville bổ sung.

Di chuyển xa và không có các hố băng cũng là một nguyên nhân khiến chúng gặp thảm cảnh (Ảnh: Telegraph)

Mùa sinh sản 4 năm trước, đàn chim cánh cụt này có 20.196 cặp chim bố mẹ nhưng không thể sinh và nuôi lớn nổi con non nào. Lượng băng biển quá lớn, thời tiết ấm bất thường, kết hợp với một trận mưa và giảm nhiệt đột ngột khiến chúng bị ướt và chết cóng.

Theo các nhà khoa học, số lượng chim cánh cụt Adelie đang sụt giảm mạnh. Các chuyên gia từ Quỹ Động vật hoang dã (WWF) kêu gọi các quốc gia trong khu vực cần bảo vệ vùng biển phía Đông Nam Cực, đồng thời xem xét đưa ra các biện pháp nhằm giải cứu chim cánh cụt và nhiều loài sinh vật Nam Cực trong buổi họp của Ủy ban Bảo tồn sinh vật biển Nam Cực (CCAMLR) tới đây.

Những hình ảnh như thế này có lẽ sẽ sớm biến mất trong tương lai gần (Ảnh: Penguinspost)

Hội nghị CCAMLR năm ngoái quyết định lập khu vực bảo tồn biển lớn nhất thế giới với diện tích hơn 1,55 triệu km2 ở Biển Ross thuộc Nam Cực. Các nhà khoa học cho rằng cần lập một khu vực thứ hai ở Đông Nam Cực với diện tích khoảng một triệu km2 tại nơi những con chim cánh cụt chết.

Biến đổi khí hậu đang khiến nhiều loài động vật đứng trước nguy cơ bị suy giảm số lượng nghiêm trọng. Năm 2015,  một sự việc tương tự xảy ra khi khoảng 150.000 chim cánh cụt Adelie đã chết sau khi một tảng băng trôi khổng lồ mắc kẹt bao vây vịnh Commonwealth, khiến chúng không thể tìm thấy thức ăn.

Hoài Anh

Exit mobile version