Đại Kỷ Nguyên

Loài sư tử hang động đã tuyệt chủng: Phát hiện 2 xác ướp hơn 10.000 năm còn nguyên vẹn

sư tử

Ảnh nền: Vào ngày 16/11 tại Yakutsk (thủ đô Cộng hòa Sakha, Nga), thành phố lạnh nhất trên Trái Đất, các mẫu vật thời tiền sử của một loài động vật đã được công bố trước giới truyền thông trong một động băng vĩnh cửu, có lẽ để hồi tưởng lại môi trường sống tự nhiên của nó thời còn tung hoành trên đồng cỏ Siberia. (Ảnh ở đây và dưới: Vera Salnitskaya)

Hai con sư tử hang động tuyệt chủng – được đào lên từ lớp băng vĩnh cửu – vừa tái xuất lần đầu tiên kể từ thế Canh tân (thế Pleistocene – có niên đại cách đây khoảng 2.588.000 ±5.000 năm tới 11.550 năm trước). Những chú sư tử con cổ đại này, mẫu vật được bảo tồn tốt nhất từ trước đến nay của chủng loài động vật đã bị tuyệt chủng, là một phát hiện chấn động.

Vào ngày 16/11 tại Yakutsk (thủ đô Cộng hòa Sakha, Nga), thành phố lạnh nhất trên Trái đất, các mẫu thời tiền sử của một loài động vật đã được công bố trước giới truyền thông trong một động băng vĩnh cửu, có lẽ để hồi tưởng lại môi trường sống tự nhiên của nó thời còn tung hoành trên đồng cỏ Siberia.

Hai chú sư tử con có kích cỡ của những con mèo nhà bụ bẫm đã được trưng bày trên những phiến băng khổng lồ. Lớp băng vĩnh cửu đã bảo quản từng chi tiết sống động như thật của chúng trong vòng ít nhất 10.000 năm, nhưng chúng thậm chí có thể còn có niên đại xa xưa hơn: đến bây giờ mới có cơ hội tiến hành các thí nghiệm để xác định độ tuổi thực của chúng.

Lớp băng vĩnh cửu đã bảo quản từng chi tiết sống động như thật của chúng trong vòng ít nhất 10.000 năm. 

Phải chăng những chú sư tử tuyết này đã được nhân bản vô tính? Hiện nay các nhà khoa học đang tỏ ra khá e ngại với câu hỏi này.

‘Những chú sư tử con này đã được tìm thấy tại Huyện Abyisky, bên bờ sông Uyandina’, Tiến sĩ Albert Protopopov – trưởng khoa nghiên cứu chủng loài voi ma mút khổng lồ thuộc Học viện Khoa học Yakutian (Yakutian Academy of Sciences) – cho biết. Con sông này nằm ngay dưới vòng Bắc cực, khoảng 1.045 km về phía đông bắc thành phố Yakutsk, thủ phủ của một khu vực giàu trữ lượng kim cương có kích thước gần bằng Ấn Độ.

‘Không còn nghi ngờ gì nữa, phát hiện này quả thật vô cùng chấn động’, TS Protopopov nhận định. Những chú sư tử này ‘còn nguyên vẹn tất cả các bộ phận cơ thể: lông, hai tai, mô mềm và thậm chí cả bộ ria’. Theo ông, đây là những mẫu vật độc nhất vô nhị trên thế giới, những mẫu vật sư tử hang động hoàn thiện nhất từng được phát hiện.

Những chú sư tử con có kích thước của những con mèo nhà bụ bẫm.

Thời báo Siberian Times đã công bố về sự tồn tại của những chú sư tử con vào tháng 10, thu hút sự quan tâm trên khắp thế giới. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên di thể của các loài sinh vật cổ đại này được đem đi trưng bày, khi được công bố bởi những nhà khoa học người Nga, vốn đã quen với việc tìm thấy các di thể của loài voi ma mút lông xoăn tuyệt chủng.

‘Có khả năng, những chú sư tử con này đã chết trong một cái hang, trong một vụ lở đất, và khu vực này chưa từng bị tác động bởi thời tiết kể từ đó’, giới học giả nhận định. ‘Đây là cách giải thích của chúng tôi cho tình trạng bảo quản đặc thù chủng loài động vật cổ đại này’.

Vùng đất hẻo lánh nơi những chú sư tử được tìm thấy, được biết đến là Yakutia hay nước Cộng hòa Sakha, là phần lãnh thổ có diện tích lớn nhất của Liên bang Nga (có diện tích lên tới 3,1 triệu km² với dân số chỉ chưa tới một triệu người).

Sư tử hang động – Panthera spelaea (Goldfuss) – là loài động vật sống vào giai đoạn giữa và cuối của thế Canh Tân trên lục địa Á-Âu, từ Quần đảo Anh cho đến bán đảo Chukotka ở vùng cực đông nước Nga. Loài sư tử này cũng xuất hiện tại Alaska và vùng tây bắc Canada. Rất hiếm phát hiện thấy di thể của chủng loài này, nên các nhà khoa học Yakutia không tỏ ra do dự khi tuyên bố rằng cặp đôi sư tử con này là mẫu vật được bảo tồn tốt nhất từng được khai quật trên thế giới.

Sau khi những con sư tử đóng băng này được phát hiện, người ta đã tiến hành thí nghiệm để đảm bảo chúng không mang theo các mầm bệnh cổ đại: nhưng đều cho ra kết quả âm tính. Việc nghiên cứu hai chú sư tử con này có thể giúp lý giải cho nguyên nhân tại sao loài động vật này bị tuyệt chủng vào khoảng 10.000 năm trước, khi chúng chỉ phải đối diện với một số loại thú săn mồi, đồng thời có kích cỡ nhỏ hơn so với các loài động vật ăn cỏ, và thường không dễ bị sa xuống các đầm lầy, tương tự loài voi ma mút lông xoăn và tê giác.

Một giả thuyết được đưa ra là do sự sụt giảm của loài hươu và loài gấu hang, vốn là thức ăn của chúng, đã gây ra sự diệt vong của loài sư tử này.

Bài viết này được đăng tải lần đầu tiên trên trang The Siberian Times và được Ancient Origins tái đăng tải với sự cho phép.

Tác giả: Phóng viên tờ The Siberian Times.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Thanh Hải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version