Đại Kỷ Nguyên

Câu chuyện ly kỳ của một người nông dân Úc và kỳ tích phủ xanh 240 triệu cây xanh trên sa mạc

Câu chuyện đầy ly kỳ của một người nông dân Úc và kỳ tích phủ xanh 240 triệu cây xanh trên sa mạc

Ảnh: ĐKN

Kỹ thuật tái sinh rừng mang tính cách mạng của Tony Rinaudo, một người nông dân Úc, được phát triển cách đây 30 năm ở Tây Phi, đã giúp phục hồi hơn 6 hecta rừng với tổng cộng 240 triệu cây xanh tại lục địa khô cằn này. So với các cách thức truyền thống, phương pháp này có thể giúp tiết kiệm hàng triệu USD và nhiều năm công sức trồng trọt.

Nhà nông học Úc Tony Ronaudo. Ảnh: wvi.org

Những con số đáng kinh ngạc

6 triệu hécta vùng rừng được trồng lại không phải là một con số nhỏ – nó tương đương với tổng diện tích tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam. Những vùng đất được phủ xanh nhờ phương pháp của Rinaudo thậm chí có thể được quan sát trên ảnh chụp vệ tinh, đó là một diện tích vô cùng rộng lớn.

Áp dụng phương pháp của Rinaudo, một vùng đồi trọc trơ trụi ở Humbo, Ethiopia (Châu Phi) đã nhanh chóng chuyển mình, biến thành một vùng đất sum suê cây cối chỉ sau vài năm. Ảnh: World Vision
Ảnh chụp vệ tinh vùng đồi trọc rộng lớn ở Humbo, Ethiopia được phủ xanh từ năm 2005 (trái) đến năm 2017 (phải). Ảnh: World Vision

Nhờ thành quả đáng khâm phục này, năm 2018, Rinaudo đã được trao tặng giải thưởng Right Livelihood Awards, thường được ví von với giải Nobel trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Vậy rốt cục ông đã làm cách nào?

Mối nhân duyên với những ngọn đồi trọc ở Niger

Tony Rinaudo sinh ngày 19 tháng 1 năm 1957 tại Australia. Ông lớn lên ở một vùng đất chuyên làm nông nghiệp thuộc thung lũng Ovens ở phía Bắc bang Victoria. Lúc còn là một chàng trai trẻ, ông đã rất lo ngại về những hoạt động canh tác, trồng trọt gây tác hại nặng nề lên môi trường sống xung quanh mình.

“Lúc đó, họ sử dụng máy bay để phun thuốc lên cánh đồng”, Rinaudo nhớ lại.

“Điều này sẽ giết chết hết cá ở suối. Họ sẵn sàng đốn sạch những bụi cây đặc trưng mà tôi yêu thích để thay vào đó là những cây thông độc canh.”

Lo ngại về điều kiện sống của những người nghèo trên thế giới, Rinaudo đã chọn ngành học Khoa Học Nông Nghiệp tại Đại học New England ở thành phố Armidale. Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng khoa học nông nghiệp, ông chọn gia nhập vào một tổ chức truyền giáo, sau đó chuyển đến Niger – một trong những nước nghèo nhất thế giới – vào năm 1981, với hy vọng có thể sử dụng kiến thức của mình để cải thiện cuộc sống của mọi người ở đây.

Ảnh: betimber.com

Đất nước Niger nằm trên sa mạc Sahel, vùng đất này đã hứng chịu hạn hán và nạn đói liên tục trong nhiều năm kể từ 1970. Sau đó, tình hình kinh tế trở nên khủng hoảng và các phương pháp nông nghiệp từ bên ngoài, chẳng hạn như độc canh đã khiến những người nông dân đốn cây trên diện rộng, điều này dẫn đến nạn phá rừng và suy thoái đất nghiêm trọng.

Ông Rinaudo và công cuộc phủ xanh đất nước Niger khô hạn, nghèo đói. Ảnh:

Bế tắc

Giống như nhiều chuyên gia phát triển khác, Rinaudo tập trung vào giúp đỡ người dân vùng nông thôn trồng cây. Ông xây dựng một vườn ươm cây và làm việc với các cộng đồng để trồng và bảo vệ các cây giống. Nhưng tỷ lệ thành công rất thấp, chỉ vỏn vẹn 10% trong số những cây giống sống sót khỏi nhiệt độ và bão bụi. Không may, số còn lại đó sẽ vào bụng dê hoặc bị đốn hạ để lấy củi. Ông ấy gần như đã bỏ cuộc.

“Tôi đã phụ trách một dự án trồng rừng thất bại thảm hại, nó không phải là do tôi ngu ngốc, chuyện này xảy ra hầu hết mọi nơi ở Tây Phi. Tôi vẫn nhớ được nỗi thất vọng lúc đó, Bắc, Nam, Đông, Tây đều là một khung cảnh cằn cỗi và chắc chắn rằng 80 hoặc 90% số cây tôi mang theo để trồng sẽ chết.”

Làm sao để phủ xanh những vùng đồi trọc cằn cỗi, rộng bát ngát này?. Ảnh:

Giải pháp bất ngờ

Trong một lần vô tình cúi người xuống để sửa lốp xe của mình, ông ấy có dịp quan sát kỹ hơn vào những bụi cây sa mạc thấp rải rác xung quanh, thứ duy nhất có thể sinh trưởng ở đó.

Rinaudo biết chúng không phải là những bụi cây nhỏ, mà là số cây đã bị chặt phá. Nhìn kỹ hơn, ông ấy nhận ra rằng, nếu được cắt tỉa và cho phép phát triển, chúng sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ.

“Trong khoảnh khắc đó, mọi thứ thay đổi hoàn toàn. Chúng tôi không cần phải nỗ lực trồng thêm cây với ngân sách tiêu tốn hàng triệu đô la và công sức nhiều năm thực hiện nữa, tất cả mọi thứ cần thiết đều có trong lòng đất rồi”.

Hệ thống rễ của những cây bị đốn hạ vẫn còn sống dưới mặt đất – Rinaudo mô tả nó như một “khu rừng ngầm” – chỉ cần được cắt tỉa và tạo điều kiện cho phép phát triển, chúng sẽ tự mọc lên và phủ xanh vùng đất trọc.

Ảnh: ĐKN

Những cánh đồng khô cằn không có bóng cây nào vẫn có thể chứa các hạt giống và gốc cây, rễ cây còn sống, có khả năng mọc mầm mới và tái tạo các cây. Ngay cả cánh đồng trọc trên Senegal ở Tây Phi (hình dưới) cũng có thể chứa hàng trăm gốc cây sống mỗi héc ta, nhưng nằm bên dưới bề mặt, tạo thành một rừng cây ngầm dưới mặt đất.

Bên dưới lớp bề mặt cằn cỗi này có thể chứa cả một ‘rừng cây ngầm’. Ảnh: africa-regreening.blogspot.com
Cách để tái sinh các vùng đất trọc là tạo điều kiện để phần rễ của các cây đã bị đốn hạ, hiện nằm ngầm dưới mặt đất, tự phát triển mọc trở lại. Ảnh: FMNR Hub

Theo ông Rinaudo, thì đây là một “giải pháp đơn giản đến không tưởng” đối với một vấn đề đã từng tưởng như vô phương cứu chữa.

“Thiên nhiên sẽ tự chữa lành vết thương của nó, con người chỉ cần ngừng việc phá hoại“

Từng bị gọi là “nông dân điên”

“Khi bạn tiếp xúc với những con người thường xuyên cận kề với cái chết vì đói mỗi năm, không phải chỉ là những năm thất bát, thì bạn sẽ hiểu được việc họ cần mọi diện tích đất, dù là nhỏ nhất để trồng cây lương thực. Và đây chính là cốt lõi của vấn đề khi phải nói với họ là họ phải hy sinh một phần diện tích đất để những cây dại mọc lên đó”.

Rinaudo – lúc đó còn bị gọi là “ông nông dân da trắng bị điên” – đã cố gắng thuyết phục nông dân ở rất nhiều khu làng thuộc Niger làm theo kế hoạch của mình, đó là để cây tự nhiên mọc lại ở các diện tích đất mà họ đã canh tác từ nhiều thập kỷ.

Cuối cùng, với sự tham gia cũng nông dân, 30 năm sau, 6 triệu ha đất đã được tái sinh, với tổng số 240 triệu cây. Quang cảnh rừng tái sinh này có thể được nhìn thấy trên hình ảnh vệ tinh.

Ông Rinaudo cho biết chính những cây xanh này giúp cải thiện năng suất canh tác, giảm nhiệt độ trên mặt đất và giúp giữ nước trong đất. Ngoài ra, chúng còn cung cấp củi đốt và giúp việc làm đồng của người nông dân ở những khu vực mà nhiệt độ thường xuyên lên đến 40 độ C, trở nên dễ chịu hơn. Nhưng những cây xanh này cũng đóng vai trò là một bể chứa cacbon khổng lồ, và rất nhiều tiềm năng để “hút” thêm nhiều tấn cacbon (CO2) ra khỏi không khí nữa.

Ảnh: The Guardian

Tony Rinaudo tin rằng với FMNR, ông ấy đã tìm ra phương pháp thích hợp cho việc cứu lấy môi trường, điều này cũng dễ dàng để thực hiện và thành công bởi những người nông dân địa phương nhằm ngăn chặn hoặc thậm chí đảo ngược sự phá hủy cảnh quan và sinh kế của họ.

Kỳ tích biến sa mạc khô cằn thành rừng của ông là một câu chuyện cổ tích ngoài đời thực, câu chuyện này đã thu hút sự chú ý của nhà văn người Đức Johannes Dietrich, người vừa xuất bản một cuốn sách và sách điện tử về Tony có tên là “The Forest Maker (Người tạo ra rừng)”.

Cuốn sách Forest Maker miêu tả hành trình phủ xanh một diện tích rộng cằn cỗi ở Châu Phi đầy kỳ diệu của Rinaudo. Ảnh: amazon

“Nếu bạn làm việc với thiên nhiên, phép màu là điều hoàn toàn có thể xảy ra”

Với sáng kiến FMNR của mình, Tony Rinaudo đã vinh dự được trao tặng một số giải thưởng như: Interaction 2010 Best Practices and Innovations Initiative; World Vision Global Resilience Forum, 2011; Arbor Day Award for Education Innovation, 2012; UNCCD Land for Life Award, 2013 … và đặc biệt là giải The Right Livehood, 2018 (được mệnh danh là giải Nobel trong lĩnh vực bảo vệ môi trường).

Nhà nông nghiệp học Rinaudo nhận giải thưởng danh giá Right Livelihood Award tại Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: Reuters

Tầm nhìn tương lai

Với việc hợp tác với tổ chức World Vision, ông Rinaudo đã phổ biến kỹ thuật của mình ra toàn thế giới, từ những vùng đất khô cằn của Somali cho đến khu vực nhiệt đới như Đông Timo.

Ông cho biết hiện thế giới đang có 2 tỷ hecta đất đai bị thoái hóa xói mòn, và phần lớn diện tích đất này sẽ được phục hồi giúp giải phóng cacbon (CO2) ra khỏi không khí. Việc phủ xanh đất trọc không chỉ là một giải pháp hiệu quả chống lại sự biến đổi khí hậu, mà còn là một công cụ mạnh mẽ giúp đỡ những người nông dân nghèo.

“Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện kỹ thuật này một cách chẳng tốn kém gì, mà lại còn rất nhanh và trên quy mô rộng lớn”.

Quang Khánh

Exit mobile version