Đại Kỷ Nguyên

Các đại học và công ty Mỹ đang tiếp tay cho chính quyền Trung Quốc kiểm soát người dân của nó như thế nào?

Các đại học và công ty Mỹ đang tiếp tay cho chính quyền Trung Quốc kiểm soát người dân của nó như thế nào?

Ảnh minh họa.

Rất nhiều trường Đại học, tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ đã và đang góp phần không nhỏ vào việc thiết lập hệ thống giám sát kiểm duyệt cho Trung Quốc, hạn chế hơn nữa tự do của công dân nước này.

Mạng lưới giám sát công cộng của Trung Quốc là một trong những hệ thống giám sát lớn nhất trên thế giới, trong đó nhà nước sẽ giám sát hoạt động của công dân, các mối giao tiếp cũng như hành vi của họ. Đáng tiếc thay, một số trường đại học và công ty ở Hoa Kỳ lại đang hỗ trợ chính phủ Trung Quốc cải thiện hệ thống giám sát này và hạn chế tự do của các công dân Trung Quốc hơn nữa.

Hệ thống camera an ninh gần Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh. (Ảnh: Ed Jones /AFP/Getty Images)

Theo các báo cáo truyền thông, những nhà nghiên cứu từ các trường đại học ở Mỹ đã hợp tác với các công ty Trung Quốc để viết chín tài liệu học thuật được cho là để hỗ trợ Bắc Kinh trong các chương trình giám sát. Một số trong các công ty nói trên có liên kết với Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc (NUDT), là tổ chức có dính líu với quân đội nước này. Nhiều người trong số các nhà nghiên cứu này hầu như không biết (hoặc dường như không quan tâm) đến việc các doanh nghiệp đang sử dụng kiến thức khoa học của họ phục vụ cho việc kiềm tỏa người dân Trung Quốc.

Trường Đại học Princeton

Thomas Funkhouser, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Princeton, đã làm việc với hai nhà nghiên cứu của NUDT vào năm 2018. Nhóm này dường như đã tìm hiểu khả năng ứng dụng các nghiên cứu về thị giác máy tính trên các xe tự hành dưới nước và máy bay không người lái. Funkhouser hiện đang làm việc cho Google dưới tư cách một nhà khoa học nghiên cứu.

Một giáo sư tại Đại học Princeton đã làm việc với hai nhà nghiên cứu NUDT để tìm hiểu xem có thể ứng dụng nghiên cứu về thị giác máy tính trên các xe tự hành dưới nước và máy bay không người lái được không. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình / YouTube)

Trang Forbes dẫn lời ông Alex Joske, một nhà nghiên cứu về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Viện Chính sách Chiến lược Úc: “Các nhà khoa học như … những người đến ĐH Princeton, là nằm trong số hàng ngàn sĩ quan và lực lượng nòng cốt của [quân đội Trung Quốc] được gửi ra nước ngoài với tư cách là nghiên cứu sinh hoặc các học giả khách mời (visiting scholars) trong thập kỷ vừa qua … Tôi nghĩ rằng sự việc này thực sự đáng quan ngại bởi các trường đại học không có cách nào đảm bảo những công nghệ mà họ đang giúp [những tổ chức này] phát triển và cải thiện sẽ được sử dụng một cách có đạo đức”.

MIT

Một robot hướng dẫn của iFlyTek, đối tác của ĐH MIT. (Ảnh: MIT Technology Review)

Năm 2018, Phòng thí nghiệm Khoa học Máy tính và Trí tuệ Nhân tạo (CSAIL) thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã ký kết một hợp tác nghiên cứu trong 5 năm với iFlyTek. Đây một công ty Trung Quốc chuyên cung cấp cho Bắc Kinh công nghệ nhận dạng giọng nói, giúp chính quyền tự động nhận dạng và xác định danh tính trong các cuộc điện thoại. iFlyTek chiếm gần 80% thị trường công nghệ nhận dạng giọng nói được sản xuất tại Trung Quốc, biến nó thành một đồng minh quan trọng của ĐCSTQ

Thermo Fisher

Thermo Fisher cung cấp cho Trung Quốc máy giải trình tự gen để thu thập thông tin di truyền của người Duy Ngô Nhĩ. (Ảnh: Hong Kong Free Press)

Thermo Fisher Scientific, một công ty có trụ sở tại Massachusetts, đã cung cấp cho chính phủ Trung Quốc các máy giải trình tự ADN, dùng để thu thập thông tin di truyền của các nhóm dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Chính phủ có kế hoạch sử dụng dữ liệu ADN được thu thập để duy trì hệ thống theo dõi suốt đời và toàn tập đối với người Duy Ngô Nhĩ. Gần đây, Thermo Fisher tuyên bố rằng họ đã ngừng bán các máy giải trình tự ADN cho chính quyền Trung Quốc. Công ty đang làm việc với chính quyền Hoa Kỳ nhằm xác định xem công nghệ của họ đang được Bắc Kinh sử dụng như thế nào.

Microsoft

(Ảnh: Wonderlane via flickrCC0 1.0)

Các nhà nghiên cứu của Microsoft tại Bắc Kinh là đồng tác giả các bài báo khoa học với các học giả từ NUDT. Các bài báo bao gồm các chủ đề như đọc máy (machine reading), phân tích nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo.

“Các phương pháp và công nghệ mới được mô tả trong bài báo hợp tác chung giữa họ rất có thể sẽ góp phần vào việc Trung Quốc đàn áp những nhóm dân tộc thiểu số ở Tân Cương, nơi họ đang sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt … Nhiều trong số các công nghệ tiên tiến này được tích hợp chức năng kép (được thiết kế phù hợp cho cả mục đích dân sự và quân sự), vì vậy họ cũng có thể góp phần vào sự thúc đẩy hiện đại hóa và thông tin hóa của Quân Giải phóng Trung Quốc (Chinese People’s Liberation Army), giúp quân đội Trung Quốc tiến gần hơn đến mục tiêu năm 2049 là trở thành một quân đội tầm cỡ thế giới”, bà Helena Legarda, một nghiên cứu viên về các chính sách đối ngoại và an ninh của Trung Quốc, tại Viện Nghiên cứu về Trung Quốc Mercator (MERICS), Đức, nhận định trên New18 .

Bà Helena Legarda (phải) trong sự kiện giới thiệu Dự án An ninh Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Luân Đôn vào 08/02/2018. (Ảnh: MERICS)

Vào tháng 2 năm 2019, người ta đã phát hiện ra một công ty Trung Quốc có tên SenseNets có một cơ sở dữ liệu không bảo mật. Nó bao gồm thông tin của khoảng 2,5 triệu người Duy Ngô Nhĩ từ Tân Cương, trong đó có các chi tiết về hoạt động của họ. Điều thú vị là SenseNets đã liệt kê Microsoft là đối tác của mình trên trang chủ của họ. Khi tin tức truyền ra, Microsoft đã phủ nhận mối quan hệ đối tác và tuyên bố rằng SenseNets đang nói dối. Sau sự cố, SenseNets đã gỡ bỏ logo Microsoft khỏi danh sách “đối tác” của họ.

Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ rằng gã khổng lồ công nghệ Mỹ vẫn đang hợp tác bí mật với SenseNets. Sự nghi ngờ được thúc đẩy bởi thực tế là người sáng lập Microsoft, Bill Gates, đã có thể đưa công ty của mình vào thị trường Trung Quốc thông qua việc phát triển mối quan hệ chặt chẽ với cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân. Trên thực tế, con trai Giang sở hữu 50% cổ phần trong thương vụ MSN Trung Quốc.

Bill Gates thảo luan với cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân tại Bắc Kinh, ngày 28/2/2003. (Ảnh: AP)

Cisco

Trở lại năm 2011, Cisco đã giúp chính phủ Trung Quốc cài đặt nửa triệu camera tại thành phố Trùng Khánh. Tệ hơn, Cisco là một trong những nhà thiết kế chính của “Tường lửa Vĩ đại” (Great Firewall – công cụ kiểm duyệt Internet) cho Trung Quốc và họ tham dự vào dự án này trong khi biết rằng nó có thể được dùng để theo dõi và đàn áp những người bất đồng chính kiến với chính quyền Trung Quốc cũng như thành viên của các nhóm có tín ngưỡng ôn hòa như Pháp Luân Công.

“Tường lửa Vĩ đại” là dự án kiểm duyệt Internet của Trung Quốc, được hậu thuẫn bởi CISCO. (Ảnh: Technischblog)

Một số công ty và trường đại học ở Mỹ khác tiếp tục duy trì quan hệ đối tác nghiên cứu hoặc thỏa thuận kinh doanh với các công ty Trung Quốc. Chính quyền Trump đang xem xét nghiêm túc các quan hệ đối tác này cũng như tích cực khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức của Hoa Kỳ chấm dứt các liên minh như vậy.

Theo Vision Times
Ngự Yên biên dịch

Video: Trung Quốc điêu đứng dưới thời cảnh sát quốc tế Trump

Exit mobile version