Đại Kỷ Nguyên

Bằng chứng mới cho thấy người La Mã cổ đại đã đến Châu Mỹ trước Columbus

la mã

(Đằng trước) Các hiện vật được phát hiện trên hay xung quanh đảo Oak có liên hệ tiềm tàng với Đế chế La Mã cổ đại; (Nền) Đảo oak, Nova Scotia, ảnh chụp tháng 8/1931. (Ảnh: J. Hutton Pulitzer/InvestigatingHistory.org; Richard McCully/Public Domain)

Một vật thể trông có vẻ như một thanh kiếm La Mã cổ đại đã được phát hiện ngoài khơi bờ biển phía đông Canada, và đây chỉ là một trong số các dấu hiệu cho thấy người La Mã có thể đã đến đây vào khoảng thế kỷ thứ 2 SCN, hoặc sớm hơn (C0lumbus phát hiện ra Châu Mỹ vào năm 1492). Đó là sớm hơn ít nhất 800 năm so với thời điểm người Viking đặt chân lên vùng đất này, vốn hiện được nhìn nhận là giai đoạn tương tác đầu tiên giữa Cựu thế giới và Tân thế giới.

Thanh kiếm La Mã được tìm thấy ngay ngoài khơi đảo Oak. (Ảnh: National Treasure Society/InvestigatingHistory.org)

Thanh kiếm này đã được phát hiện ngoài khơi tảng đáo Oak ở tỉnh Nova Scotia, Canada, trong quá trình điều tra xác thực những câu chuyện địa phương về kho báu được chôn trên đảo, trong chương trình truyền hình nổi tiếng trên kênh History “Lời nguyền hòn đảo Oak (The Curse of Oak Island)”.


Tấm bản đồ vị trí Đảo Oak ở tỉnh Nova Scotia, Canada. (Ảnh: Norman Einstein)

Hutton Pulitzer làm nhà tư vấn cho chương trình trong hai kỳ đầu và ông đã xuất hiện trong kỳ thứ hai. Nhóm của ông đã tiến hành điều tra trên hòn đảo được 8 năm trước khi đội ngũ làm phim của kênh History Channel đến vào năm 2013.

Ông Pulitzer đã cung cấp cho Đại Kỷ Nguyên thông tin độc quyền về các phát hiện mới nhất ngoài thanh kiếm trên hòn đảo này, nhằm củng cố giả thuyết về sự hiện diện của người La Mã cổ đại ở nơi đây.

Ông Pulitzer là môt doanh nhân nổi tiếng và là một nhà phát minh với rất nhiều sáng chế. Rất nhiều người nhớ đến ông trong vai trò người dẫn chương trình truyền hình “NetTalkLive”, và là nhà phát minh ra CueCat (một ý tưởng đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư; đây là một thiết bị người dùng có thể sử dụng để quét mã code, tương tự như mã QR ngày nay). Công ty của ông đã đi xuống trong thời kỳ vỡ bong bóng dot com vào những năm 2000, nhưng các sáng chế của ông vẫn còn lại cho đến ngày hôm nay trong 11,9 tỷ thiết bị di động.

Khoảng hơn một thập kỷ trước, ông chuyển hướng đam mê của mình sang lĩnh vực lịch sử bị thất lạc, và trong vai trò của một tác giả và một nhà nghiên cứu độc lập, ông đã làm việc với các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, để khám phá những bí ẩn của hòn đảo Oak.

Lý thuyết của ông về sự hiện diện của người La Mã cổ đại trên hòn đảo đã bắt gặp một số sự chống đối, vì nó đi ngược với quan điểm được chấp nhận hiện nay rằng người Viking là những nhà thám hiểm đầu tiên của Cựu Thế Giới đã đặt chân lên Tân Thế Giới. Tuy nhiên, ông yêu cầu các nhà sử học và các nhà khảo cổ học tiếp cận các bằng chứng một cách khách quan, và không ôm giữ định kiến cho rằng người La Mã đã không thể đến được Tân Thế Giới.

Ông J. Hutton Pulitzer (Ảnh: J. Hutton Pulitzer/InvestigatingHistory.com)

Theo ông Pulitzer, độ chân thực của thanh kiếm trên đảo Oak đã được xác nhận thông qua các thí nghiệm tốt nhất có thể (Đại Kỷ Nguyên đã được cho phép tiếp cận các dữ liệu thí nghiệm này).

Tuy nhiên, thanh kiếm tự nó không phải là bằng chứng cho thấy người La Mã cổ đại đã từng tự mình đến đảo Oak. Có khả năng những người nào đó cách đây chỉ vài trăm năm đã dong buồm đến gần hòn đảo, trong tay họ sở hữu món cổ vật La Mã này. Có thể những nhà thám hiểm sau này đã để nó lại ở đó, chứ không phải người La Mã.

Nhưng các hiện vật khác được phát hiện tại hiện trường đã cung cấp một bối cảnh khó chối cãi, ông Pulitzer nói.

Các hiện vật khác mà nhóm của ông đã nghiên cứu bao gồm một tảng đá với thứ ngôn ngữ cổ đại có liên hệ với Đế quốc La Mã, những mũi tên đã được nhiều phòng thí nghiệm của chính phủ Mỹ xác nhận là bắt nguồn từ khu vực Iberia cổ đại (nằm trong Đế quốc La Mã), các mô đất an táng theo phong cách La Mã cổ đại, các đồng xu có liên hệ với Đế quốc La Mã, và còn nhiều hơn nữa.

Thanh kiếm

Một cỗ máy phân tích huỳnh quang tia X (X-ray fluorescence  – XRF) đã xác nhận rằng thành phần kim loại cấu tạo nên thanh kiếm này trùng khớp với các thanh kiếm tế lễ của La Mã. Kỹ thuật phân tích huỳnh quang tia X sử dụng sóng bức xạ kích thích các nguyên tử trong kim loại nhằm tìm hiểu cách thức rung động của các nguyên tử này. Từ đó các nhà nghiên cứu có thể biết được kim loại nào hiện hữu ở đây. Trong số các chất liệu thành phần được phát hiện trong thanh kiếm có bao gồm kẽm, đồng đỏ, chỉ, thiếc, asen, vàng, chì, và platinum.

Những phát hiện này tương hợp với kỹ thuật luyện kim của La Mã cổ đại. Silicon là thành phần cấu tạo chủ yếu của hợp kim đồng đỏ hiện đại, nhưng không phát hiện thấy silicon trong thành phần của thanh kiếm này, ông Pulitzer nói.


Ông J. Hutton Pulitzer cầm trên tay một cỗ máy phân tích huỳnh quang tia X. (Ảnh: J. Hutton Pulitzer/InvestigatingHistory.com)

Một vài thanh kiếm tương tự đã được phát hiện ở Châu Âu. Thanh kiếm này có hình chạm khắc người anh hùng Héc-quyn trên cán tay cầm, và người ta tin rằng đây là một thanh kiếm tế lễ đã được Hoàng đế La Mã Commodus ban tặng cho các đấu sĩ và chiến binh nổi bật. Bảo tàng Napoli đã chế tạo và trưng bày các bản sao của một trong những thanh kiếm loại này trong bộ sưu tập của nó, khiến một người tự hỏi phải chăng thanh kiếm trên Đảo Oak chỉ là một bản sao.

Tuy rằng các bản sao này có hình dạng tương tự với thanh kiếm trên Đảo Oak, ông Pulitzer nói rằng kết quả phân tích thành phần cấu tạo của nó đã xác nhận chắc chắn 100% rằng đây không phải là một bản sao bằng gang. Thanh kiếm này cũng được gắn một viên đá nam châm vốn sẽ chỉ về hướng bắc và do đó có thể hỗ trợ việc định vị, vốn không có trong các bản sao.

Các nhà sản xuất của kênh History Channel đã nhận được thanh kiếm từ một người dân địa phương, thanh kiếm này đã được truyền lại trong gia đình anh từ những năm 1940. Nó đã được phát hiện lúc đầu khi họ đang khai thác sò trái phép và đã được kéo lên trong mẻ lưới của họ. Gia đình họ chưa từng kể cho bất kỳ ai về phát hiện này cho tới khi đột nhiên xuất hiện nhiều sự hứng thú với Đảo Oak trong thời gian gần đây bởi vì, hành vi khai thác sò trái phép sẽ bị phạt do phạm luật, bị chỉ trích và được coi là một điều cấm kỵ đối với cộng đồng dân cư nhỏ ở đây.

Xác một con tàu đắm cũng đã được tìm thấy gần nơi phát hiện thanh kiếm. Nhóm nghiên cứu của ông Pulitzer đã chụp quét xác con tàu này bằng kỹ thuật sonar quét sườn (side scan sonar), và chương trình trên kênh History Channel cũng đã xác nhận điều này thông qua các bản đồ chi tiết vùng địa hình ngầm dưới nước vốn cho thấy các đặc điểm của xác một con tàu đắm trong khu vực.

Nhóm nghiên cứu của ông Pulitzer và các học giả hỗ trợ hiện đang trong quá trình xin cấp phép của chính phủ cho việc lặn tìm và trục vớt các hiện vật từ xác con tàu đắm.

(Ảnh: J. Hutton Pulitzer/InvestigatingHistory.com)

“Lời nguyền hòn đảo Oak” trên kênh History Channel đã đề cập đến thanh kiếm La Mã trong chương trình ngày 19/1. Ông Pulitzer đã từ chối lời đề nghị của nhà sản xuất tiếp tục làm người cố vấn cho kỳ 3. Ông cảm thấy thể loại chương trình truyền hình thực tế này đối với cuộc điều tra không phải là cách thức ông muốn tiếp tục.

Chương trình đã mang thanh kiếm đến trường Đại học St. Mary’s University ở thành phố Halifax, tỉnh Nova Scotia, Canada, để phó giáo sư hóa học Christa Brosseau nghiên cứu thành phần hóa học của nó.

Bà đã cạo bỏ một miếng nhỏ để mang đi xét nghiệm, và nói rằng kết quả cho thấy thanh kiếm này có hàm lượng kẽm khá cao, cho thấy đây là loại đồng thau hiện đại.

Ông Pulitzer đã phản hồi như sau: “Chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi nhận thấy họ đã sử dụng một phương pháp phân tích hóa học đơn giản như vậy đối với thanh kiếm. Đây không phải là phương pháp tốt nhất và chuyên nghiệp nhất, nhưng điều khiến chúng tôi thậm chí còn bối rối hơn là các khám phá của họ lại vô cùng khác biệt so với kết quả thu được từ phép phân tích huỳnh quang tia X, và họ quên chưa đề cập đến việc sử dụng chất asen trong quá trình chế tạo thanh kiếm này”.

Ông đã nhận thấy sự hiện diện của các kim loại quý trong thanh kiếm, đồng thời viên đá nam châm cũng chưa được đề cập đến trong chương trình.

Ông Pulitzer tin rằng thành phần đồng đỏ trong thanh kiếm có thể bắt nguồn từ một mỏ quặng ở Breinigerberg, Đức. Hai thanh kiếm La Mã cùng dạng đã được phát hiện bên trong một khu định cư của người La Mã cổ đại tại khu vực này, và mỏ khai thác này có chứa thành phần kẽm hình thành tự nhiên trong quặng. Ông cho rằng điều này có thể giải thích cho hàm lượng kẽm cao trong thanh kiếm, nghĩa là hàm lượng kẽm này đã không được bổ sung vào như đối với đồng thau hiện đại.

PGS Brosseau đã xếp nó vào loại đồng thau. Đồng thau và đồng đỏ đều là các hợp kim của đồng và cả hai đều được sử dụng bởi người La Mã cổ đại. Tuy nhiên, ông Pulitzer nói, nó nên được xếp vào loại đồng đỏ bởi vì thành phần kẽm có mặt một cách tự nhiên chứ không phải được thêm vào.

Ông hy vọng sẽ có thêm nhiều phân tích được tiến hành, đặc biệt bởi những nhà khoa học có kinh nghiệm về cổ vật La Mã, đặc biệt là vì các hiện vật khác trên đảo có thể cung cấp một bối cảnh cho sự hiện diện của người La Mã.

Một tảng đá có nguồn gốc từ vùng Cận Đông (Levant) cổ đại?

Năm 1803, một tảng đá đã được phát hiện trên Đảo Oak và được biết đến với cái tên “tảng đá 90 bộ”.

Tảng đá này được phát hiện 90 bộ (27,43 m) bên dưới mặt đất trong một khu vực được gọi là “Hố tiền”. Những người truy tìm kho báu đầu tiên trên đảo là một nhóm những thanh niên trẻ từng nhìn thấy một vùng sụt lún trên mặt đất và một cái ròng rọc treo trên một cây sồi lớn phía bên trên.

Cảm thấy tò mò, họ đã đào sâu xuống bên dưới mặt đất và phát hiện thấy các tấm ván gỗ sau mỗi khoảng cách đều nhau. Tảng đá này cũng đã được tìm thấy và mang lên phía trên.

Hố đào đã bị ngập nước biển trước khi những người thợ đào có thể tiếp cận phần đáy. Có giả thuyết cho rằng bên trong hố đào có chứa kho báu và đã được đặt bẫy, với một cái hầm thông đến bờ biển, nên bất kỳ ai cố gắng tiếp cận kho báu sẽ bị ngập chết.

Tảng đá này đã được chạm khắc những ký tự không rõ xuất xứ. Đức cha A.T. Kempton, từ Cambridge, Massachusetts, Mỹ tuyên bố đã giải mã được các ký tự này vào năm 1949, và nói rằng nội dung trên đó nói kho báu được chôn bên dưới 40 feet (12,19 m).

Bản sao tái lập của tảng đá nguyên gốc được tìm thấy trên đảo Oak. (Ảnh: Internet)

Tuy các bức vẽ tảng đá vẫn còn tồn tại, nhưng tảng đá này đã bị mất tích vào năm 1912. Ông Pulitzer đã tiết lộ với Đại Kỷ Nguyên rằng ông đã tìm thấy tảng đá, và kết quả phân tích của ông cho thấy tảng đá này có thể có các mối liên hệ chặt chẽ với Đế quốc La Mã cổ đại.

Tảng đá đã được mang đến cho ông bởi một người từng tham gia vào cuộc truy tìm kho báu trên hòn đảo, người ông Pulitzer sẽ không nêu danh tính công khai (Đại Kỷ Nguyên đã được cho biết riêng danh tính của người đàn ông này). Gia đình của người đàn ông này gần đây đã cởi mở với ông Pulitzer và cho phép ông mang tảng đá đi thí nghiệm.


Bản vẽ nội dung các ký tự trên tảng đá 90 bộ

Ông Pulitzer nói rằng các ký tự trên tảng đá này đã bị diễn giải sai lệch vào năm 1949. Đức cha Kempton đã bỏ qua một số ký tự vì cho rằng đó là lỗi, đồng thời cũng diễn giải sai lệch các ký tự khác.

Loại ký tự này hiện đang được phân tích thống kê sử dụng một chương trình máy tính có khả năng đối chiếu với một cơ sở dữ liệu các ngôn ngữ khác nhau. Kết quả cho thấy một sự trùng khớp 100% với một loại ký tự có liên hệ với Đế quốc La Mã cổ đại. Nền tảng chuyên môn của ông Pulitzer trong lĩnh vực công nghệ và thống kê đã giúp ông tiến hành loại phân tích này.

Theo phân tích của ông, nó trùng khớp với một loại ký tự thuộc ngôn ngữ Canaanite nguyên thủy, cũng được biết đến là tiếng Sinaitic nguyên thủy. Đây là thủy tổ của rất nhiều loại ngôn ngữ ở vùng Cận Đông.

Nội dung chữ viết trên tảng đá 90 bộ là phát sinh của tiếng Canaanite nguyên thủy, được sử dụng như một loại ngôn ngữ giao tiếp chung giữa những người đi biển thời cổ đại tại các bến cảng vốn có nhiều thứ tiếng bản địa khác nhau vào thời kỳ Đế quốc La Mã.

Thứ tiếng này hòa trộn tiếng Canaanite nguyên thủy với tiếng Berber nguyên thủy (thủy tổ của hệ ngôn ngữ Berber ở Bắc Phi) cùng các thứ tiếng nguyên thủy khác.

Nội dung các ký tự chạm khắc trên tảng đá hiện đang được tiếp tục phân tích tại các trường đại học ở Trung Đông, bởi những chuyên gia hàng đầu trên thế giới về các loại ngôn ngữ cổ đại được sử dụng ở vùng Cận Đông. Ông Pulitzer nói rằng nhóm nghiên cứu của ông đã giải mã được nội dung các ký tự này, nhưng ông đang chờ báo cáo cuối cùng trước khi tuyên bố chính thức ý nghĩa của các ký tự và địa điểm các phân tích được tiến hành.

Loại ký tự này đã bị thất lạc trong lịch sử và chỉ mới được tái phát hiện vào đầu thế kỷ 20 bởi Hilda và Flinders Petrie. Việc hệ thống hóa đầy đủ loại ký tự này chỉ mới đạt được sau khi phát hiện “các ký tự Wadi el-Hol” ở Ấn Độ bởi John và Deborah Darnell vào năm 1999.

Vì tảng đá 90 bộ đã được phát hiện vào năm 1803, nên nó có thể là đồ giả, ông Pulitzer nói.

Thông qua so sánh trực quan, ông Pulitzer phỏng đoán thanh kiếm này được làm từ một loại đá đặc thù gọi là đá Pocfia hoàng gia, vốn không tồn tại tự nhiên ở Bắc Mỹ. Quá trình phân tích tảng đá này tiếp theo sẽ bao gồm công đoạn xác nhận thành phần khoáng chất của nó.

Thanh kiếm này được làm từ một loại đá đặc thù gọi là đá Pocfia hoàng gia, vốn không tồn tại tự nhiên ở Bắc Mỹ.


Chi tiết hình chạm khắc trên quan tài đá từ thế kỷ 4 SCN của Thánh St. Helena, mẹ của Hoàng đế La Mã Constantine, chạm khắc trên một tảng đá Pocfia hoàng gia. (Ảnh: Wendy Van Norden)


Một phần bức tượng điêu khắc mang tên “Chân dung của bốn Tetrarch”, được chế tác từ đá Pocfia Hoàng gia vào khoảng năm 300 SCN, miêu tả bốn vị Hoàng đế La Mã. Bức tượng hiện được đặt tại cửa trước của Vương cung thánh đường Thánh Máccô ở thành phố Venice, Ý. (Ảnh: Crisfotolux/iStock)

Nhà tự nhiên học người La Mã Pliny (23–79 SCN) đã ghi chép trong cuốn “Lịch sử tự nhiên” của ông về sự kiện một binh lính La Mã tên là Caius Cominius Leugas đã phát hiện ra loại đá Pocfia Hoàng tộc vào năm 18 SCN. Mỏ đá Mons Porpyritis ở Ai Cập là nguồn khai thác duy nhất được biết đến của loại đá này.

Loại đá này đã được chọn dùng để xây dựng các công trình ở La Mã. Địa điểm chính xác của mỏ đá đã bị thất lạc trong lịch sử từ khoảng thế kỷ 4 mãi cho đến năm 1823, khi nó được tái phát hiện bởi nhà Ai Cập học John Gardner Wilkinson.

Các mũi tên

Vào thời điểm chuyển giao thế kỷ, một người săn tìm kho báu đã đào được một dầm gỗ khá dày. Khi dầm gỗ này được bổ ra, người ta đã phát hiện thấy ba mũi tên bên trong. Điều này có nghĩa là các mũi tên đã được bắn vào thân cây từ một cây cung, và cái cây này đã mọc bao xung quanh chúng.


Hình miêu tả các mũi tên được phát hiện trong một cái dầm gỗ trên đảo Oak. Mũi tên ở mé ngoài cùng bên phải là ảnh chụp hiện vật thật, không phải hình vẽ. (Ảnh: J. Hutton Pulitzer/InvestigatingHistory.org)

Cây này ước tính đã có tuổi thọ khoảng 1.000 năm tuổi trước khi bị đốn hạ. Các mũi tên bị cắm sâu vào khoảng ¾ chiều dài dầm gỗ, cho thấy chúng đã bị bắn vào thân cây khoảng vài trăm năm trước khi bị đốn hạ, tuy rằng người ta chưa biết cây này đã bị đốn hạ để làm dầm gỗ cách đây bao lâu.

Các thí nghiệm định tuổi các mũi tên chính xác hơn đã được thực hiện khi chúng được phân tích tại một phòng thí nghiệm vũ khí quân sự của Mỹ, ông Pulitzer nói. Rick và Marty Lagina, hai ngôi sao trong chương trình “Lời nguyền hòn đảo Oak”, đã cho ông Pulitzer xem các kết quả của thí nghiệm này.

Phòng thí nghiệm đã tuyên bố rằng các mũi tên này có xuất xứ từ Iberia, và chúng có cùng niên đại với thời kỳ diễn ra nhiều cuộc xâm lược của Đế quốc La Mã và có lẽ cả thanh kiếm này.

Việc ủng hộ một tuyên bố cho rằng người La Mã đã đến được Tân Thế giới có thể được coi là một dấu chấm hết đối với sự nghiệp.

Đại Kỷ Nguyên chưa thể xác nhận các kết quả của phòng thí nghiệm. Ông Pulitzer nói rằng ông đã yêu cầu một bản sao các kết quả, và đã được đồng ý, nhưng chưa nhận được nó. Tài liệu này thuộc quyền sở hữu của công ty du lịch Oak Island Tours (mà anh em nhà Lagina nắm giữ cổ quyền nắm quyền kiểm soát) và các đối tác của công ty.

Kênh History Channel đã không phản hồi lại các yêu cầu của Đại Kỷ Nguyên. Ông Pulitzer đã nhìn thấy các kết quả, ông nói, và ông biết chúng đã được tiếp nhận thông qua môt mối liên hệ ở Trung tâm Hệ thống Quân Đội Hoa Kỳ (United States Army Soldier Systems Center) ở Natick, Massachusetts, Mỹ.

Theo ông Pulitzer, một chuyên gia tại một trường đại học lớn ở Mỹ đã gửi phản hồi gây tranh cãi về các mũi tên cho anh em nhà Laginas.

Ông Pulitzer đã đọc các ghi chú từ buổi gặp gỡ với anh em nhà Laginas trước khi chia sẻ với Đại Kỷ Nguyên nội dung phản hồi này: “Đừng sử dụng tên của tôi, đừng kéo chúng tôi vào chuyện này, đừng nêu tên trường đại học. Thậm chí đừng kể với bất kỳ ai việc ông đã gừi cái này cho tôi. Việc này khá nguy hiểm, việc này có thể gây hại cho sự nghiệp của tôi, tôi không muốn dính líu chút nào vào việc này”.

Việc ủng hộ một tuyên bố cho rằng người La Mã đã đến được Tân Thế giới có thể được coi là một dấu chấm hết đối với sự nghiệp.

Các mô đất an táng thời cổ đại

Ngoài khơi đảo Oak có các mô đất an táng hiện đã bị nhấn chìm dưới nước. James P. Scherz, chuyên gia đào đắp và nguyên giáo sư ngành kỹ thuật dân dụng tại trường Đại học Wisconsin–Madison, cho rằng các mô đất này không có nguồn gốc từ thổ dân da đỏ.

“Tôi cho rằng các mô đất ngầm dưới nước này thuộc về một nguồn gốc nước ngoài (phong cách của những người đi biển thời cổ đại) chứ không phải bản địa của tỉnh Nova Scotia hay thổ dân da đỏ truyền thống”, GS Scherz nói trong một cuốn sách trắng, trong đó đề cập đầy đủ các bằng chứng cho thấy người La Mã đã đến Nova Scotia. Sách trắng được viết bởi ông Pulitzer và một số nhà khoa học khác và sẽ được xuất bản vào mùa xuân tới; Đại Kỷ Nguyên đã được xem trước.

“Những mô đất này, khi nhìn vào mực nước biển đã biết trong khu vực thông qua các báo cáo nhất định về tình trạng gia tăng mực nước biển ở Canada, đưa ra một niên đại khả thi của những mô đất này trong khoảng từ 1500 TCN đến 180 SCN”, GS Scherz nói.


Một trong những mô đất ngầm dưới nước ở ngoài khơi đảo Oak được nhóm của ông J. Hutton Pulitzer nghiên cứu. (Ảnh: J. Hutton Pulitzer/InvestigatingHistory.com)

Cách thức các mô đất được xếp đặt đá là tương đồng với các mô đất an táng của người Châu âu và Cận Đông cổ đại.

Văn hóa Mi’kmaq bản địa ở địa phương không phải là một nền văn hóa có đặc điểm xây dựng mô đất. Tuy nhiên, cách thức các mô đất được xếp đặt đá là tương đồng với các mô đất an táng của người Châu Âu và Cận Đông cổ đại. GS Scherz cũng nhận thấy rằng các mô đất này đã được sắp xếp theo quy luật chiêm tinh.

Nhóm của Pulitzer đã nghiên cứu các mô đất ngầm dưới đất sử dụng các máy quét ngầm dưới nước, đồng thời cũng đã lặn xuống để có một cái nhìn rõ nét hơn và chụp ảnh.

Hòn đá có các ký tự La Mã?

Một số các hiện vật khác được phát hiện trên hòn đảo có thể ủng hộ giả thuyết cho rằng những người La Mã đã từng đến đây, ông Pulitzer nói. Lấy ví dụ, một hòn đá đã được chạm khắc thứ có thể là các ký tự La Mã.

Nhóm của Pulitzer hiện đang làm việc với các chuyên gia về ngôn ngữ cổ đại để đối chiếu các ký tự này với các ký tự chạm khắc khác của người La Mã. Từ những gì ông biết cho đến nay, ông kỳ vọng đây có thể là các phương hướng chỉ đường của người La Mã.


Hình ảnh nâng cao của một tảng đá được phát hiện trên đảo Oak mà ông J. Hutton Pulitzer tin rằng có thể đã được chạm khắc các ký tự La Mã. (Ảnh: J. Hutton Pulitzer/InvestigatingHistory.com)

Các hình khắc đá ở Nova Scotia được nhóm của ông Pulitzer diễn giải là những người đi biển cổ đại và các binh lính La Mã.


Một bức tranh khắc đá của thổ dân địa phương được phát hiện trên đảo Oak, được ông J. Hutton Pulitzer cho là đã miêu tả những người lính lê dương La Mã. (Ảnh: J. Hutton Pulitzer/InvestigatingHistory.org)

Một kho dự trữ các đồng xu Carthage đã được phát hiện gần đảo Oak vào cuối những năm 1990 bởi một người địa phương có hứng thú với máy phát hiện kim loại. Chúng đã được xác nhận bởi Tiến sĩ George Burden từ Hiệp hội Địa lý Hoàng gia Canada. TS Burden cũng đã xác nhận tính chân thực của hai đồng xu Carthage có niên đại 2.500 năm tuổi được phát hiện bởi một người sống gần biển ở khu vực Dartmouth, Nova Scotia.

Một kho dự trữ các đồng xu Carthage đã được phát hiện gần đảo Oak và đã được xác nhận bởi Tiến sĩ George Burden từ Hiệp hội Địa lý Hoàng gia Canada.


Đồng xu Carthago được tìm thấy ngoài khơi đảo Oak. (Ảnh: J. Hutton Pulitzer/InvestigatingHistory.org)

Người La Mã có thể đã nhờ những người đi biển trong đế chế của họ thực hiện chuyến hành trình, vì người La Mã không được biết đến là những người xây tàu hay những tay thủy thủ xuất chúng. Những người Carthage (người Tunisia cổ đại) được biết đến với khả năng xây tàu, và giống với các đối tượng người La Mã, họ có thể đã cùng mang theo những người La Mã trên cuộc hành trình của mình, ông Pulitzer nói.

Người La Mã có thể đã nhờ những người đi biển trong đế chế của họ thực hiện chuyến hành trình, vì người La Mã không được biết đến là những người xây tàu hay những tay thủy thủ xuất chúng.

Ông Pulitzer nhận thấy rằng nếu ai đó hỏi ông rằng liệu ông có thể dong buồm băng qua Đại Tây Dương hay không, ông sẽ trả lời, “Có”. Không phải ông có thể tự mình làm điều đó, mà là ông có thể thuê một con tàu để chở mình. Điều tương tự áp dụng với những người La Mã.

Tiến sĩ Myron Paine, một kỹ sư đã nghỉ hưu từng dạy tại trường Đại học Oklahoma State University, đã nói trong Sách Trắng rằng ông nghĩ có khả năng những người đi biển thời cổ đại đã “du hành nhảy”, vào thời kỳ tiền Colombo. Họ đã chọn một tuyến đường với các điểm dừng chân ở Anh, Iceland, Greenland, đảo Baffin, Vịnh Breton, và cuối cùng là đảo Oak.

Tấm bản đồ cho thấy tuyến đường những người đi biển cổ đại có thể đã khởi hành bắt đầu tại Eo biển Gibraltar, khu vực hai mũi đất được người La Mã cổ đại gọi là “Cột trụ của Hercules (Héc-quyn)”, và kết thúc ở tỉnh Nova Scotia, Canada. (Ảnh: Kaan Tanman/iStock)

Đảo Oak có thể được lựa chọn như một bến đỗ, ông Pulitzer nói, bởi vì nó có nguồn nước sạch và một tầm nhìn rõ ràng từ phía biển khơi. Những cái cây sồi cao lớn, nguồn gốc tên của hòn đảo, đứng sừng sững trên đường chân trời khi đi thuyền dọc bờ biển.

Các phát hiện tương tự ở Brazil

Đảo Oak không phải là nơi đầu tiên ở Tân Thế giới phát hiện được các cổ vật La Mã. Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi sẽ không liệt kể tất cả các tuyên bố gây tranh cãi, mà sẽ chỉ miêu tả ngắn gọn một trường hợp điển hình.

Vào những năm 1980, nhà khảo cổ học Robert Marx nói rằng ông đã phát hiện được một bộ sưu tập lớn những cái bình vò hai quai ở Vịnh Guanabara, nằm cách thành phố Rio de Janeiro, Brazil 23 km. Vò hai quai là một loại bình có 2 quai được người La Mã sử dụng để vận chuyển và lưu trữ đa dạng các loại sản phẩm, cả loại lỏng lẫn loại khô, nhưng chủ yếu để chở rượu.


Ảnh chụp các bình vò hai quai của người La Mã. (Ảnh: Saiko)

Elizabeth Will, một chuyên gia về loại bình vò hai quai của La Mã cổ đại ở Đại học Massachusetts, đã giám định những chiếc vò này. Trong trao đổi với tờ New York Times vào thời đó, bà đã nói: “Chúng trông có vẻ từ thời cổ đại, và dựa trên kết cấu tiết diện, tường mỏng, cùng hình dạng các vành như vậy, tôi cho rằng chúng có niên đại từ thế kỷ 3 SCN”.

TS Harold E. Edgerton từ Học viện Công nghệ Massachusetts MIT, một nhà tiên phong trong lĩnh vực nhiếp ảnh dưới nước, cũng ủng hộ các tuyên bố của ông Marx.

Chính phủ Brazil đã nghiêm cấm ông Marx tiếp tục cuộc tìm kiếm. Một doanh nhân giàu có, Americo Santarelli, đã tuyên bố rằng các bình vò hai quai này là bản sao ông đã chế tác, nhưng ông chỉ tuyên bố sở hữu 4 cái bình. Ông Marx đã báo cáo phát hiện một số lượng lớn các bình vò hai quai tất cả đều ở cùng một địa điểm. Một số được đặt trên mặt đất, một số được chôn dưới đất vài chục cm, cho thấy chúng đã được đặt ở đó từ lâu.

Ông Marx cũng tuyên bố rằng Hải quân Brazil đã phủ kín khu vực bằng bùn để ngăn chặn việc điều tra được tiếp diễn. Theo bài viết trên tờ New York Times, ông Marx nói rằng giới chức chính phủ đã bảo ông: “Người Brazil không quan tâm đến quá khứ. Và họ không muốn ai đó thế chỗ nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Pedro Alvares Cabral như người đã phát hiện ra Brasil”.

Ông Pulitzer hy vọng rằng điều tương tự sẽ không xảy đến với trường hợp của Nova Scotia.

Bộ trưởng văn hóa của Nova Scotia, ông Tony Ince, đã tỏ ra hứng thú với thanh kiếm và đề xuất gửi nó đến các chuyên gia về cổ vật La Mã để nhờ họ xác thực. Thanh kiếm hiện không nằm dưới quyền hạn của Đạo luật Bảo vệ các Địa điểm Đặc biệt (Special Places Protection Act) của tỉnh này, vì đạo luật đó đã được ban hành sau khi phát hiện ra thanh kiếm. Tuy nhiên, đạo luật này sẽ cho phép chính quyền tỉnh can thiệp vào nếu có bất kỳ hiện vật nào được khai quật trong tương lai.

Ông Pulitzer hy vọng các hiện vật được tìm thấy tại và gần hòn đảo sẽ thu hút được sự hứng thú của các học giả trên khắp thế giới, và khu vực này sẽ trở thành một di chỉ khảo cổ và do đó sẽ được bảo vệ để phục vụ các nghiên cứu tiếp theo.

Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưỏng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.

Tác giả Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên Anh ngữ
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

 

Exit mobile version