Đại Kỷ Nguyên

Ả Rập: ‘Atlantis trong biển cát’ – Thành phố thất lạc huyền thoại Iram of the Pillars

Ảnh minh họa thành phố Iram of the Pillars. (Ảnh: RogerMV)

Các ghi chép trong lịch sử của những nền văn minh trong quá khứ thường đề cập những thành phố bị mất tích, nổi tiếng nhất trong số đó là thành phố bị thất lạc Atlantis. Trong một phạm vi nhỏ hơn, Ả Rập cũng có cho riêng mình huyền thoại về một nền văn minh bị thất lạc, vốn được ví von như ‘Atlantis trong biển cát’ – một thành phố, bộ tộc hay khu vực bị mất tích từng được nhắc tới trong Kinh Qur’an, và được biết đến với cái tên Iram of the Pillars.

Trong Kinh Qur’an, Iram được miêu tả là một thành phố lộng lẫy với những công trình kiến trúc đồ sộ của một nhóm người gọi là Ad. Khi họ xa rời Allah và sống một cuộc sống trụy lạc, nhà tiên tri Hud đã được phái đến để khuyên răn họ quay trở lại tôn thờ duy nhất Allah và không ai khác, đồng thời tuân theo Ngài. Tuy nhiên, người dân Iram đã phản đối với một thái độ thù địch. Do đó, người Ad đã bị trừng phạt; một cơn bão cát đã ập đến và càn quét thành phố liên tục trong bảy ngày bảy đêm. Cuối cùng, Iram đã biến mất dưới làn cát như thể nó chưa từng tồn tại.

Một mặt, sự tích về thành cổ Iram được nhìn nhận đơn thuần như một bài học giáo huấn, nhằm mục đích khuyên răn người dân phải nghe theo Allah, và không được cư xử với thái độ ngạo mạn. Mặt khác, có thể có ít nhiều phần đúng trong câu chuyện này, vì thực ra có rất nhiều người tin rằng một thành phố như vậy có thể đã từng tồn tại.

Bức vẽ phác họa thành phố Iram of the Pillars. (Ảnh: Ancient Origins)

Vào đầu những năm 1990, một nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi Nicholas Clapp, một nhà khảo cổ và làm phim nghiệp dư, tuyên bố rằng họ đã tìm thấy thành phố thất lạc Ubar, với những điểm  tương đồng với thành cổ Iram of the Pillars. Đây là thành quả thu được nhờ sự trợ giúp của những vệ tinh cảm biến từ xa, radar thâm nhập lòng đất, dữ liệu chương trình Landsat và các bức ảnh được chụp của tàu con thoi Challenger, cũng như dữ liệu vệ tinh SPOT của NASA.

Những nguồn thông tin này cho phép nhóm nghiên cứu xác định các tuyến đường giao thương cổ bằng lạc đà và những vị trí giao cắt của chúng. Một trong những vị trí giao cắt như vậy là một hố nước nổi tiếng tại Shisr, tỉnh Dhofar, Oman. Khi tiến hành một cuộc khai quật di chỉ này, nhóm nghiên cứu đã phát hiện được một pháo đài phòng thủ lớn hình bát giác với những bức tường và các tòa tháp khá cao. Không may, một bộ phận không nhỏ của pháo đài đã bị hư hại sau khi bị sụt xuống một vùng đất lún.

Một bộ phận không nhỏ của pháo đài đã bị hư hại sau khi bị sụt xuống một vùng đất lún. (Ảnh: Wikipedia)

Vậy, liệu thành cổ Ubar có phải là thành Iram of the Pillars được đề cập đến trong Kinh Qur’an hay không? Có lẽ vậy. Nhưng, có một cách diễn giải khác cho thấy Ubar không phải là một thành phố bí ẩn, mà đúng hơn là ‘Omanum Emporium’, như được ghi chú trên tấm bản đồ Ả Rập được nhà toán học Claudius Ptolemy biên soạn vào thế kỷ 2 sau Công nguyên. Xét cho cùng, những tuyến đường cổ bằng lạc đà đã cho thấy một vài loại hình thức giao thương buôn bán – và có nhiều khả năng hương trầm là loại hàng giao thương buôn bán chủ yếu – đã từng diễn ra ở Ubar. Vào thời cổ đại, Ả Rập đã khá nổi tiếng với nghề sản xuất hương trầm, một tài nguyên thiên nhiên quan trọng có giá trị cao được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo. Do đó, không lạ gì khi những thị trấn và thành phố có thể mọc lên ven các tuyến đường giao thương buôn bán bằng lạc đà.

Tuy vẫn chưa rõ liệu Iram of the Pillars có thực sự tồn tại, hay liệu Ubar và Iram có ám chỉ cùng một thành phố hay không, nhưng có lẽ câu chuyện về thành cổ Iram này đã lấy cảm hứng từ thành phố Ubar. Khi các thương gia hay khách du lịch đi ngang qua khu tàn tích Ubar, có lẽ họ sẽ cảm thấy khó hiểu về lịch sử của thành phố này. Qua thời gian, câu chuyện về một nhóm người phản đối Allah và bị trừng phạt vì lối sống bại hoại sẽ được lưu truyền cho hậu thế. Do đó, câu chuyện này đã trở thành một sự tích quen thuộc đối với người dân Ả Rập. Nhưng, cũng có khả năng Ubar không phải là thành phố huyền thoại được nhắc đến trong Kinh Qur’an, và cái thành phố Iram of the Pillars thực sự, dù ở bất cứ đâu, vẫn đang ẩn mình dưới lớp cát vàng của Ả Rập, đợi chờ được phát hiện.

Tác giả: Ḏḥwty, Ancient Origins
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Ngọc Mai biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version