Đại Kỷ Nguyên

5 chiến đấu cơ mạnh nhất Thế chiến II, số 4 hạ gục hạm đội Mỹ tại Trân Châu Cảng năm 1941

Đây là những cái tên không thể không nhắc tới khi đề cập đến những dòng máy bay chiến đấu có sức mạnh và thiết kế ưu việt nhất từng được sử dụng trong chiến tranh thế giới II. 

1. Yakovlev Yak-9

Yakovlev ban đầu vốn là một đơn vị thiết kế máy bay thể thao nhưng được tham gia chiến tranh thế giới II với mẫu thiết kế đầu tiên là Yak-1. Kể từ đó, các loại máy bay Yak đã thể hiện được một vai trò quan trọng trong các trận đánh với nòng cốt là mẫu thiết kế Yak-9 – máy bay chiến đấu thông dụng nhất của Liên Xô.

Kể từ khi ra đời từ năm 1942 cho tới 1948, Yak-9 được phát triển rộng rãi trong không quân Liên Xô với 18 biến thể khác nhau, tổng số lượng 16.769 chiếc được sản xuất. Chúng tham gia vào tất cả các trận đánh lớn kể từ khi xuất hiện.

(Ảnh: WW2 Weapons)

Nhìn chung các biến thể của Yak – 9 được trang bị 1 pháo hàng không 20mm và một súng máy hạng nặng 12,7mm. Đây là thiết kế hỏa lực rất mạnh và cho phép tiêu diệt bất cứ đối tượng trên không nào khi đã lọt vào tầm ngắm.

Về sau, các biến thể khác sử dụng động cơ Klimov M-107A mạnh mẽ với công suất 1.650 mã lực, giúp máy bay đạt tốc độ hơn 672 km/h. Cuối tháng 11/1942, Yak – 9 có cuộc đối đầu lịch sử với Bf 109 của Đức Quốc xã trong trận Stalingrad. Sau năm 1945, Yak – 9 được Liên Xô sử dụng nhiều trong chiến tranh Triều Tiên.

2. Messerschmitt Bf 109

Đây là dòng chiến đấu cơ chủ lực được Đức Quốc xã phát triển từ trước và trong chiến tranh thế giới II.

Bf 109 ra đời từ năm 1934 và được thiết kế bởi 2 kỹ sư Willy Messerschmitt và Walter Rethel dựa trên mẫu Bf 108 trước đó. Máy bay được trang bị cấu trúc cánh đơn, hoàn toàn bằng kim loại, trang bị động cơ mạnh mẽ, buồng lái kín và càng đáp có thể thu gấp. Đây là điểm vượt trội hơn rất nhiều so với các phiên bản đi trước như Ar 68, He 51, thậm chí bỏ xa đối thủ cạnh tranh Heinkel He 112 đang được biên chế trong quân đội Đức.

(Ảnh: www.tokkoro.com)

Tháng 3/1936, Bộ Hàng không Đức quyết định sản xuất hàng loạt Bf 109 sau khi biết tin Anh đang chế tạo mẫu Supermarine Spitfire. Kể từ lúc đó, Bf 109 xuất hiện trong hầu hết trong các điểm nóng quân sự từ nội chiến Tây Ban Nha cho đến Mặt trận phía Đông.

Bf 109 đã lập được nhiều chiến công hơn bất cứ loại máy bay nào khác, chúng được điều khiển bởi các tay lái huyền thoại như Erich Hartmann (bắn rơi 352 máy bay đối phương ), Gerhard Barkhorn (301), Gunther Rall (275). Khi đó, Bf 109 thực sự là một cái tên đáng sợ trên bầu trời mỗi khi nhắc đến.

Tính đến năm 1945, quân đội Đức đã sản xuất tổng cộng 33.984 chiếc Bf 109. Sau thế chiến II, Bf 109 vẫn là một máy bay chiến đấu được ưa chộng trên thế giới, thậm trí chúng được coi là “xương sống” trong lực lượng không quân Israel.

3. Supermarine Spitfire

Trong trận không chiến giữa Anh Quốc và Đức Quốc xã vào mùa hè – thu năm 1940, 310 máy bay Anh gồm 92 chiếc Spitfire MKI cùng 218 chiếc Huricane có nhiệm vụ đánh chặn vụ không kích của 114 máy bay ném bom Dornier 17 và Heinkel 111 được hộ tống bởi 450 chiếc Messerschmitt Bf 109 và Bf 110 của phát xít Đức. Nhờ ưu thế về sức mạnh không quân nên 85 máy bay của Phát xít bị tiêu diệt, trong khi Không quân Hoàng gia Anh chỉ mất 21 máy bay Huricane và 8 chiếc Spitfire.

Bức ảnh ghi lại cảnh máy bay ném bom tầm thấp Heikel He 111 của Đức bay lượn trên vùng trời eo biển Anh. (Ảnh: Zing.vn)

Nổi lên nhờ chiến thắng lịch sử này, Spitfire trở thành máy bay số một của nước Anh cũng như nhiều nước Đồng Minh trong Thế chiến II nhờ những chiến tích lớn sau này. Được thiết kế bởi kỹ sư lừng danh RJ.Mitchell, Spitfire Spitfire nổi bật với cánh đơn elip cùng một hình dạng khí động mượt mà giúp máy bay lướt nhanh trong không khí.

Kể từ khi xuất hiện từ tháng 5/1936, đã có 24 phiên bản Spitfire ra đời với khoảng 20.351 chiếc được sản xuất, trong đó mẫu Spitfire MKV là thành công nhất với khoảng 6479 chiếc được sản xuất.

Spitfire MKV của Không quân Anh. (Ảnh: YouTube)

Sức mạnh nổi bật của các Spitfire là hình dạng khí động cho phép chúng có khả năng cơ động tuyệt vời, tầm hoạt động xa, dễ điều khiển và sức mạnh hỏa lực lớn. Về hỏa lực, các mẫu Spitfire được trang bị 8 súng máy 7,7mm hoặc 4 súng 7,7mm và 2 pháo 20mm. Spitfire là một trong những đối thủ chính của Bf 109 và cả FW 190 sau này. Sau Thế chiến, Spifire hiện diện trong các cuộc chiến tại Trung Đông, Bắc Phi cho đến những năm 1960.

4. Mitsubishi A6M Zero

Có thể nói Mitsubishi A6M Zero là mẫu chiến đấu cơ số 1 của Nhật Bản trong lịch sử chiến tranh, nói về các mẫu máy bay cất cánh từ tàu sân bay thì Mitsubishi A6M Zero không có đối thủ. Đây là nòng cốt của không quân Nhật Bản trong giai đoạn đầu của Mặt trận Châu Á – Thái Bình Dương từ năm 1940 mà đỉnh cao là trận tập kích bất ngờ hạm đội Mỹ tại Trân Trâu Cảng vào ngày 7/12/1941 của quân đội Nhật.

Chiến đấu cơ Mitsubishi A6M2 trong trận Trân Trâu Cảng. (Ảnh: Zing.vn)

Tuy nhiên, cùng với sự thất bại của Đế quốc Nhật, A6M Zero đã không thể có sự cải tiến hoặc thay thế đáng kể nào trong giai đoạn sau của chiến tranh. Một phần là vì quân Đồng Minh đã có những máy bay mới như F6F Hellcat hay F4U Corsair có tính cơ động cũng như chiến đấu vượt trội.

Một phần khác là việc thiếu hụt những phi công dày dặn kinh nghiệm vì phải thực hiện tinh thần “Samurai” trong chiến trận, nghĩa là các phi công Nhật Bản thường lao vào các tàu chiến của các hạm đội đối phương nhằm cản bước kẻ thù trên đường tiến công. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, Mitsubishi A6M Zero cũng xứng đáng trở thành huyền thoại trong chiến tranh Thế giới II với hơn 11.000 chiếc được sản xuất với hơn 1.550 chiến công phá hủy máy bay Mỹ.

Máy bay huyền thoại Mitsubishi A6M Zero. (Ảnh: YouTube)

5.  P-51 Mustang

Được sản xuất từ nguyên mẫu NA-73X, sau nhiều lần thiết kế và bay thử, đã có hơn 8 mẫu biến thể khác nhau của dòng Mustang P-51 được sản xuất. Đây là mẫu máy bay chiến đấu đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn cuối của Thế chiến II và là một sự bổ sung kịp thời cho lực lượng Đồng Minh.

P-51 Mustang – tiêm kích tốt nhất của Mỹ trong Thế chiến II. (Ảnh: Báo Đấu thầu)

Dù ban đầu được North American Aviation thiết kế như một máy bay chiến đấu tầm trung trong không quân Anh nhưng  P-51 lại tỏ ra vượt trội trong những nhiệm vụ tấn công mặt đất và hộ tống từ xa. Đây cũng là loại máy bay một động cơ duy nhất của Anh bay được vào đất Đức và dẫn đầu trong cuộc tấn công Berlin.

Những phiên bản đầu tiên của P-51 Mustang sử dụng động cơ Allison V-1710-39 với công suất 1.100 mã lực, các phiên bản sau này sử dụng công suất động cơ tăng lên như P-51D (1943) là động cơ V-1650 V-12, 1.695 mã lực. Về hỏa lực, Mustang trang bị 6 khẩu 12,7mm với 400 viên đạn hoặc 10 rocket 127mm hoặc hơn 900kg bom.

Sơn Tùng

Exit mobile version