Đại Kỷ Nguyên

Tiếng rít bí ẩn từ biển Caribe có thể nghe được từ ngoài không gian

Vùng biển Caribe khi quan sát từ không gian. (Ảnh: Trung tâm Bay Không gian Marshall của NASA/Flickr)

Kết quả một nghiên cứu ở vùng biển Caribe gần đây của các nhà khoa học đại dương từ Trường Đại học Liverpool ở Anh đã hé lộ rằng, vùng biển này phát ra một âm thanh giống tiếng rít, mạnh mẽ đến nỗi có thể “nghe” được từ trong không gian dưới dạng các dao động của từ trường Trái Đất.

Biển Caribe là một bộ phận của Đại Tây Dương, nằm ở phía đông nam Vịnh Mexico. Nó được bao bọc xung quanh bởi Nam Mỹ, Trung Mỹ và quần đảo Caribe, và bao phủ một vùng diện tích rộng khoảng 2.754.000 km2.

Bản đồ cho thấy khu vực biển Caribe. (Ảnh: Wikimedia)

Các nhà nghiên cứu đã phân tích mực nước biển và các thông số đo áp suất tại đáy biển sử dụng 4 mô hình hoạt động biển khác nhau trong giai đoạn từ 1958 đến 2013, cũng như sử dụng các số liệu thủy triều và kết quả đo đạc trọng lực bằng vệ tinh.

Họ cũng đã nhận thấy một hiện tượng họ đặt tên là ‘Tiếng rít Rossby’ (Rossby Whistle) vốn xuất hiện khi con sóng Rossby – một con sóng lớn lan chầm chậm sang phía tây của đại dương — tương tác với bề mặt đáy biển.

Một con sóng Rossby tương tác với bề mặt đáy biển. (Đại học Union)

Hiện tượng này khiến con sóng dần biến mất tại ranh giới phía Tây và tái xuất tại cạnh phía đông của lưu vực, một loại tương tác đã được miêu tả là ‘lỗ sâu Rossby’. Chỉ các con sóng với các chiều dài nhất định mới có thể tồn tại qua quá trình này mà không tự triệt tiêu mất, nhưng những con sóng đặc biệt này đã tự tăng cường bản thân chúng, khi sản sinh ra một loại dao động với chu kỳ rõ rệt.

Do đó, nước chảy lõm bõm vào ra lưu vực cứ sau mỗi 120 ngày. Sự thay đổi khối lượng này là đủ để tạo ra những sự thay đổi đối với từ trường Trái Đất, có thể được đo bằng các vệ tinh. Chu kỳ 120 ngày có nghĩa là tiếng rít này chơi một nốt La giáng, tuy rằng nó nằm rất nhiều quãng tám bên dưới phạm vi âm tần mà con người có thể nghe được.

Lắng nghe tiếng rít Rossby:

GS Chris Hughes, một chuyên gia trong ngành khoa học mực nước biển tại trường Đại học Liverpool, cho hay: “Chúng tôi có thể so sánh hoạt động đại dương trong vùng biển Caribe với một tiếng rít. Khi bạn thổi vào một cây sáo, luồng không khí sẽ trở nên bất ổn định và kích hoạt sóng âm cộng hưởng thoát qua lỗ sáo. Bởi vì cây sáo này để mở, âm thanh sẽ tản ra xung quanh nên bạn có thể nghe thấy nó.

Tương tự, một dòng hải lưu chảy qua vùng biển Caribe sẽ trở nên bất ổn định và kích hoạt sự cộng hưởng của một loại sóng âm khá kỳ lạ gọi là ‘sóng Rossby’. Bởi vì biển Caribe mở một phần, nên nó sẽ gây nên một sự trao đổi lượng nước với phần còn lại của đại dương vốn sẽ cho phép chúng ta ‘nghe thấy’ sự cộng hưởng bằng cách sử dụng các thông số đo lường trọng lực”.

“Hiện tượng này có thể làm mực nước biển dao động lên đến 10 cm dọc bờ biển Colombia và Venezuela, nên việc tìm hiểu về nó có thể giúp dự đoán khả năng xảy ra tình trạng ngập lụt bờ biển”.

Vùng biển Caribe đang phát ra một âm thanh rít kỳ lạ. (Ảnh: Wikipedia)

Các sự dao động nhỏ trong mực nước biển có thể làm gia tăng khả năng xảy ra thiệt hại do ngập lụt. Thành phố Barranquilla ở Colombia sẽ chịu thiệt hại nặng nề do ngập lụt nếu mực nước biển tăng lên chỉ 20 cm.

Các nhà khoa học tin rằng ‘tiếng rít Rossby’ cũng có thể có một ảnh hưởng nhất định lên toàn bộ Bắc Đại Tây Dương, khi nó điều tiết dòng chảy của hải lưu Caribe, vốn là tiền thân của Hải lưu Gulf Stream (hay “dòng Vịnh”), một bánh răng quan trọng trong cỗ máy khí hậu của đại dương.

Tác giả: Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version