Đại Kỷ Nguyên

Xuất khẩu rau quả Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào Trung Quốc

Xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng trưởng mạnh, nhưng chủ yếu chỉ xuất sang thị trường Trung Quốc. (Ảnh: Dân trí)

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu số 1 của rau quả Việt Nam trong nhiều năm qua.

Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 8 ước đạt 346 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả 8 tháng đầu năm 2018 đạt 2,7 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Với đà tăng trưởng mạnh, Cục Chế biến và Phát triển thị Trường Nông sản dự báo giá trị xuất khẩu rau quả trong năm nay sẽ đạt trên 4 tỷ USD.

Số liệu tính đến hết tháng 7 cho thấy Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu rau quả số 1 của Việt Nam, chiếm 74% thị phần và trị giá đạt 1,7 tỷ USD, tăng 12,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Mỹ giữ vị trí thứ 2 với kim ngạch 74 triệu USD, tăng 19,3%. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường khác như Nhật Bản, Hà Lan, Đài Loan và Anh có xu hướng sụt giảm.

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, nhìn lại các năm trước, rau quả xuất sang Trung Quốc vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong năm 2017 đạt 2,65 tỷ USD, chiếm 75,7% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả.

Hay năm 2016, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 1,74 tỷ USD trên tổng kim ngạch 2,5 tỷ USD.

Mặc dù Trung Quốc vẫn đang là thị trường lớn, song Bộ NN&PTNT cảnh báo việc Trung Quốc mở rộng diện tích trồng thanh long khiến lượng thanh long của Việt Nam xuất sang thị trường đông dân nhất thế giới này trong thời gian tới có thể bị giảm sút.

Chia sẻ trên Vneconomy, lãnh đạo Công ty TNHH TM – DV Trái cây Thiên Nhiên cho rằng thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam còn nhiều dư địa, nhưng do chất lượng hiện chưa được đảm bảo nên giá trị xuất khẩu còn khiêm tốn.

Theo vị này, muốn xuất khẩu rau quả bền vững phải thay đổi thói quen làm ăn với thị trường Trung Quốc, đồng thời kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả.

Ngoài ra, phần lớn nông dân Việt Nam hiện vẫn chạy theo lợi nhuận và sự dễ tính của thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, thị trường Trung Quốc lại không ổn định như các thị trường nhập khẩu khác, khi thì mua ồ ạt, khi thì ngưng không mua khiến nông sản Việt thường xuyên rơi vào tình trạng phải giải cứu.

Phát biểu tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả tiếp cận thị trường Trung Quốc cho nông sản Việt” được tổ chức mới đây, đại diện Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA Việt Nam) cũng nhấn mạnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc còn bấp bênh. Xuất khẩu chủ yếu vẫn còn đi bằng đường tiểu ngạch nên không chú ý truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu. Hậu quả là nhiều trường hợp hàng hóa ứ đọng, giá giảm sâu, có khi bị đổ bỏ nơi cửa khẩu. Bên cạnh đó, vấn đề minh bạch, uy tín trong hợp tác giữa các doanh nghiệp hai bên vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Dân trí dẫn lời ông Vĩ Tích Thành, Tham tán Kinh tế và Thương mại Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Tp.HCM, cho hay bên cạnh việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch áp đảo chính ngạch, sản xuất nông sản của Việt Nam vẫn theo quy mô nhỏ, chất lượng sản phẩm không đồng đều và sức cạnh tranh không cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt chưa chủ động khai thác thị trường Trung Quốc, phần lớn nông sản xuất khẩu là do các thương lái sang tận nơi để tìm nguồn hàng.

Về những giải pháp để phát triển xuất khẩu nông sản Việt, ông Thành cho rằng thay vì để nông dân tự tìm hiểu người tiêu dùng cần gì rồi tự trồng trọt, sản xuất, các cơ quan nhà nước cần nghiên cứu, nắm bắt tình hình và xu hướng phát triển của thị trường, xây dựng chính sách và quản lý tốt sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan của nhà nước cần tích cực kết nối chính sách với các cơ quan Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.

Tổng Hợp

Exit mobile version