Đại Kỷ Nguyên

Việt Nam đang cảm nhận tác động của việc đồng Nhân dân tệ sụt giảm

Đồng Nhân dân tệ tuy hiện giờ đã ổn định hơn, nhưng tác động từ những tổn hại do đợt sụt giảm của đồng tiền Trung Quốc gây ra vẫn đang lan mạnh.

Theo Bloomberg, sự sụt giá của đồng Nhân dân tệ đã dừng lại trong tuần qua sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thông báo hỗ trợ khoản vay của các doanh nghiệp – một công cụ giúp ổn định thị trường, đồng thời kêu gọi các ngân hàng đừng hành động kiểu bầy đàn. Nhưng tác động của việc trượt giá 4,7% của đồng Nhân dân tệ trong năm nay có thể mới chỉ bắt đầu lan sang các nước láng giềng.

Trong 2 tuần qua, đồng Việt Nam (VND) đã liên tục dao động gần đỉnh của biên độ 3% so với tỷ giá tham chiếu tại các phiên giao dịch hàng ngày so với đồng USD.

Tỷ giá Việt Nam Đồng trong giai đoạn 2013 – 2018. (Ảnh: Bloomberg)

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành tỷ giá tham chiếu để đồng VND giảm 1,1% kể từ đầu năm nay. Điều này đã dẫn đến đồng VND trên thị trường sụt giảm 2,7%.

Cũng giống như đồng Nhân dân tệ, đồng tiền Việt Nam được neo vào đồng USD một cách lỏng lẻo.

Bloomberg cho biết giới đầu tư tiền tệ đang suy đoán đồng VND sẽ giảm giá hơn nữa vì họ đã chứng kiến Việt Nam đã phản ứng thế nào trong quá khứ khi đồng Nhân dân tệ sụt giá mạnh. Vào ngày 12/8/2015, một ngày sau khi Trung Quốc làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu bằng việc đột ngột phá giá đồng nội địa, Việt Nam đã ngay lập lực phải nới rộng biên độ giao dịch của đồng VND.

Hậu quả là đồng tiền Việt Nam đã kết thúc năm 2015 với mức giảm 3% theo tỷ giá niêm yết chính thức và giảm 5,1% tỷ giá trên thị trường.

Trong đợt rớt giá lần này của đồng Nhân dân tệ, VND mới chỉ giảm bằng hơn 1/2 so với tốc độ giảm của Nhân dân tệ, nên đây có thể vẫn chưa phải kết quả cuối cùng.

Hiện chưa rõ mức độ nghiêm túc của Trung Quốc trong việc ngăn chặn sự trượt giá của đồng Nhân dân tệ. Thay vì huy động lượng dự trữ ngoại hối trị giá 3 nghìn tỷ USD để bán ra đồng USD, chính quyền Bắc Kinh đã chủ yếu sử dụng các giao dịch hoán đổi tiền tệ nội địa để ổn định tỷ giá giao ngay. Các chuyên giá đánh giá đây là bước đi kém hiểu quả vì các nhà đầu tư có thể bán khống đồng Nhân dân tệ ở thị trường nước ngoài.

Nhiều nhà đầu tư Việt Nam cũng tỏ ra hoài nghi về sự khoa trương của Trung Quốc. Vào ngày 3/7, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ông Yi Gang, cho biết nước này sẽ “giữ tỷ giá đồng Nhân dân tệ ở mức ổn định, hợp lý và cân bằng”. Tuy nhiên, đồng tiền Trung Quốc lại giảm hơn 2,5% trong tháng tiếp theo. Điều này đã khiến đồng Nhân dân tệ trở thành đồng tiền có diễn biến tồi tệ nhất so với đồng USD trong số 12 đồng tiền chính tại thị trường châu Á.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể bị buộc phải hành động. Theo tờ Saigon Times, chỉ trong một tuần của tháng 7, khoảng hơn 2 tỷ USD đã được bán ra cho các ngân hàng thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu về USD của thị trường. Nếu tiếp tục như vậy, khoản dự trữ ngoại hối trị giá 12 tỷ USD được tích cóp một cách cận thẩn vào năm 2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ bị xói mòn.

Việt Nam đang do dự hơn trong việc cho phép đồng VND giảm giá vào thời gian này. Không giống như trường hợp của năm 2015, lạm phát hiện đang là vấn đề lớn khi trong 2 tháng qua chỉ số giá tiêu dùng luôn cao hơn mức mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước đặt ra là 4%.

Việt Nam là nền kinh tế mở nhất tại khu vực Đông Nam Á với tỷ lệ nhập nhập chiếm gần 100% GDP, nên dễ bị tổn thương do áp lực về lạm phát. Theo ước tính của ngân hàng HSBC, chỉ cần VND giảm 1% có thể sẽ ngay lập tức khiến lạm phát tăng 0,25 điểm phần trăm.

Hai năm trước, Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ vẫn còn quan điểm nới lỏng chính sách, nhưng bây giờ Việt Nam sẽ không thể tính đến điều đó vì FED sẽ không dại dột đi “hâm nóng” một nền kinh tế vốn đã mạnh lên.

Nếu áp lực thị trường còn tiếp tục, Việt Nam sẽ buộc phải tăng lãi suất một cách không mong muốn, giống như các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia hay Philippines đã làm.

Kiều Ngọc

Exit mobile version