Đại Kỷ Nguyên

Trung Quốc dùng Việt Nam làm ‘bia đỡ đạn’ trong cuộc chiến thương mại với Mỹ?

Trung Quốc đề xuất lập khu vực thương mại xuyên biên giới sản xuất hàng 'Made in Vietnam'. (Ảnh: SCMP)

Việt Nam sẽ trở thành một nơi ‘trú ẩn’ cho hàng hóa Trung Quốc trước đòn đánh thuế nặng nề của Mỹ?
 

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã chính thức bắt đầu vào cuối tuần qua khi Mỹ “khai hỏa” bằng việc đánh thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Cuộc chiến này là bước leo thang không mong muốn của Trung Quốc, nhưng các quan chức của tỉnh Quảng Tây lại cho rằng đây là một cơ hội.

Các quan chức của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đang lên kế hoạch xây dựng 7 khu thương mại xuyên biên giới để đưa các nhà xuất khẩu từ Trung Quốc đến lắp ráp sản phẩm tại đây và dán nhãn “made in Vietnam”, theo trang tin SCMP.

Theo đó, các khu vực hợp tác kinh tế sẽ có các phân khu theo chức năng như khu chế tạo, gia công, kho bãi, thông quan hàng hóa, trung tâm thương mại…, và chính phủ 2 nước sẽ cùng phối hợp quản lý, khai thác và chia lợi nhuận.

Nếu dự án này được thành lập sớm, đây sẽ là nơi “trú ẩn” lý tưởng cho các nhà sản xuất Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chương trình thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Ông Lu Hui, Phó thị trưởng thành phố Sùng Tả của Trung Quốc – khu vực trong dự án 7 khu thương mại – chia sẻ với SCMP rằng thành phố rất muốn tạo ra một khu hợp tác với Việt Nam bằng “nguồn vật liệu, vốn và nhân công tự do”, và các sản phẩm được sản xuất trong khu vực này có thể được lựa chọn dán nhãn “made in Vietnam” hay “made in China”.

Wang Fanghong, một lãnh đạo của thị xã Bằng Tường, cũng cho biết cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể là động lực cho các khu thương mại lên kế hoạch phát triển.

Ông Wang cũng nói thêm các doanh nghiệp Trung Quốc “rất khó để xuất khẩu hàng trực tiếp tới Mỹ, nhưng sẽ dễ dàng hơn nếu chuyển hàng hóa qua các nước thành viên ASEAN”.

Các quan chức Trung Quốc đang nỗ lực chào mời kế hoạch này cho các doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu ở các trung tâm sản xuất của đất nước.

Tỉnh Quảng Đông và các tỉnh đồng bằng sông Dương Tử cho biết, khi 7 khu thương mại được tạo ra, họ sẽ tiếp cận lao động rẻ từ Việt Nam và đưa ra một loạt các chính sách ưu đãi tại biên giới hai nước. Những chính sách này sẽ làm giảm chi phí hậu cần, nhân sự và thuế.

Các công nhân nhà máy ở Thâm Quyến và Quảng Đông được trả lương trung bình 750 USD/tháng, cao hơn so với mức trung bình 12-15 USD/ngày ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo SCMP, điều khó khăn nhất hiện nay là làm sao thuyết phục được Việt Nam chấp thuận dự án này. Tuy là thành viên của ASEAN và CPTPP, cho đến nay Việt Nam vẫn rất thận trọng trong việc mở cửa thương mại.

Ông Lu Hui nói rằng các khu vực thương mại xuyên biên giới có thể là một nền tảng thử nghiệm tốt cho các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu muốn vận chuyển qua các quốc gia khác, hoặc thậm chí di dời các hoạt động sản xuất của họ. “Nhưng vấn đề là liệu Việt Nam có đồng ý hay không”, ông nói.

Từ năm 2007, Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu xúc tiến mô hình khu hợp tác kinh tế qua biên giới tại các tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai… nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn thành quá trình đàm phán để bắt đầu xây dựng.

Ý tưởng tạo ra các khu vực xuyên biên giới để tạo thuận lợi cho thương mại không phải là mới và chính phủ Trung Quốc đã có hợp tác với Myanmar, Lào, Nga và Kazakhstan, mặc dù nỗ lực thiết lập một khu vực tương tự với Triều Tiên đã thất bại.

Kiều Ngọc

Exit mobile version