Đại Kỷ Nguyên

Trung Quốc, các thị trường mới nổi phải gánh khoản nợ trái phiếu nghìn tỷ USD đáo hạn

Các thị trường mới nổi đang đối mặt với khoản nợ trái phiếu cả nghìn tỷ USD. (Ảnh: DF)

Mỹ tăng lãi suất làm tăng gánh nặng nợ và cản trở quy trình tái cấp vốn của các thị trường mới nổi.

Các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ phải cõng trên lưng khoản nợ trái phiếu khoảng 1 nghìn tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2018 – 2020. Đây là hậu quả của việc vay nợ nhiều hậu khủng hoảng tài chính và Mỹ tăng lãi suất khiến cho việc tái cấp vốn trở nên bất lợi hơn.

Theo ước tính của Dealogic, trong vòng 3 năm tới, khoảng 3,23 nghìn tỷ USD trái phiếu tại các thị trường mới nổi sẽ đáo hạn, trong đó có tới 90% trái phiếu thuộc về doanh nghiệp và 10% của chính phủ.

Tổng nợ trong năm nay sẽ đạt mức kỷ lục khoảng 891,9 tỷ USD, tăng lên 1,2 nghìn tỷ USD trong năm tiếp theo và đạt 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2020. Như vậy, số nợ trung bình phải trả mỗi năm vào khoảng 1 nghìn tỷ USD, cao gần gấp đôi số nợ trung bình hàng năm cách đây 3 năm.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính vào cuối những năm 2000, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế bằng nguồn cung tiền dồi dào. Các doanh nghiệp và chính phủ đã tận dụng lãi suất thấp để huy động vốn vì lãi suất thấp. Giới đầu tư đã ồ ạt mua vào trái phiếu bất chấp cả những nhà phát hành có rủi ro cao như Hy Lạp và Argentina. Nhưng thị trường thế giới hiện nay đã chuyển hướng sang thắt chặt tiền tệ cùng với tăng lãi suất, chi phí trả nợ tăng được dự đoán sẽ tạo nhiều rủi ro mới cho các thị trường mới nổi.

Các doanh nghiệp Trung Quốc và các tổ chức chính phủ nước này sẽ phải đối mặt với khoản nợ 1,75 nghìn tỷ USD – chiếm 54% tổng số trái phiếu đáo hạn đến năm 2020. Trung Quốc đã chi khoảng 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ (584 tỷ USD) cho các chương trình kích thích sau cuộc khủng khoảng tài chính vào 2008. Nhân cơ hội này, các doanh nghiệp đua nhau huy động vốn chính phủ.

Brazil sẽ phải đối mặt với 135 tỷ USD trái phiếu đáo hạn trong vòng 3 năm tới, trong khi Nga là 133 tỷ USD và Mexico là 88,1 tỷ USD.

Theo số liệu của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), tính đến cuối tháng 6/2018, đống nợ của chính phủ và doanh nghiệp các thị trường mới nổi lên tới 57 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% tổng nợ toàn cầu.

Khi trái phiếu đến hạn, các tổ chức hay doanh nghiệp sẽ lại đua nhau đi vay để trả nợ. Tuy nhiên, các thị trường mới nổi lại nhận được khá ít sự đầu tư từ các nguồn vốn trong nước, khiến cho các nước này không thể huy động được đủ vốn trừ khi họ phải thực hiện các khoản vay bằng USD cũng như là huy động vốn từ nước ngoài.

Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá so với đồng tiền của các nước mới nổi, đồng thời cũng làm tăng gánh nặng trả nợ lãi suất. Đồng USD tăng giá cũng khiến việc trả nợ trái phiếu ngoại tệ ở các quốc gia này trở nên đắt đỏ hơn. Thời kỳ các doanh nghiệp và quốc gia có xếp hạng tín dụng thấp tận dụng điều kiện hậu khủng hoảng để huy động vốn đang dần kết thúc.

Trung Quốc đã thắt chặt tài chính để giải quyết các khoản nợ quá khổ mà các doanh nghiệp nước này đã tích lũy. Hành động này đã dẫn đến rất nhiều công ty rơi vào tình cảnh không gây được quỹ. Năm nay, hàng loạt công ty của Trung Quốc đã phá sản vì không thể trả được nợ, trong đó có cả các khoản nợ bằng USD của Tập đoàn Hóa chất và Dự trữ Năng lượng Trung Quốc và nhà bất động sản được niêm yết tại Hồng Kông, Hsin Chong Group.

Ông Michael Cornelius, người chịu trách nhiệm đầu tư vào trái phiếu tại thị trường mới nổi của hãng quản lý tài sản T. Rowe Price của Mỹ, cho biết có thể sẽ có sự sụt giảm trong việc phát hành trái phiếu ở những nước mà vẫn dựa vào lãi suất thấp hơn mức tín nhiệm thực tế của họ.

Việc FED tăng lãi suất sẽ đem lại lợi nhuận lớn hơn cho trái phiếu Mỹ. Từ năm 1994, giới đầu tư luôn có xu hướng dồn tiền đầu tư vào thị trường trái phiếu của Mỹ bất cứ khi nào lãi suất chuẩn tăng lên. Hiện tượng này đã kích hoạt cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á vào cuối những năm 1990 qua việc giá cổ phiếu và tiền tệ giảm mạnh tại các thị trường mới nổi.

Các thị trường này đã cố gắng bảo vệ chính mình khỏi việc vốn chảy ra ngoài bằng cách mở rộng kho dự trữ ngoại tệ. Những dự báo về việc lặp lại cuộc khủng hoảng đó rất ít.

Tính cả các nước phát triển, dự trữ ngoại hối toàn cầu ở mức 11,6 nghìn tỷ USD, tăng 40% so với mức 2010. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã tăng 10% lên 3,11 nghìn tỷ USD, trong khi Mexico đã tăng 70% lên 178 tỷ USD. Đông Nam Á cũng đang mở rộng kho dự trữ của mình, với mức tăng của Indonesia là 60% lên 119,8 tỷ USD.

Kiều Ngọc

Exit mobile version