Đại Kỷ Nguyên

Thanh Hóa: Gần 200 giáo viên, kế toán bị huyện Như Thanh ‘quên’ đóng tiền bảo hiểm

Trong 12 năm, UBND huyện Như Thanh (Thanh Hóa) đã không đóng tiền bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp cho 182 giáo viên, kế toán…  với số tiền lên tới 2,3 tỷ đồng.

Báo Người Lao Động đưa tin, UBND huyện Như Thanh (Thanh Hóa) vừa có kết luận việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tính đến năm 2017. Kết luận chỉ ra nhiều sai phạm trong việc đóng bảo hiểm đối với giáo viên, nhân viên hành chính ngành giáo dục thôi hợp đồng lao động ở huyện này.

Tính đến năm 2017, huyện có 182 giáo viên, nhân viên hành chính trong ngành GD&ĐT thôi hợp đồng lao động tại 53 trường học. Tổng số tiền bảo hiểm phải đóng gần 5 tỷ đồng (từ năm 2005 đến 2017).

Thời điểm thanh tra, UBND huyện Như Thanh (chủ sử dụng lao động) phải đóng cho người lao động số tiền 2,5/3,3 tỷ đồng.

Thực tế, huyện này mới chỉ đóng 178 triệu đồng, còn 2,3 tỷ còn lại để người lao động “đóng thay”.

Kết luận của UBND huyện này thừa nhận vi phạm trong việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với giáo viên, nhân viên hành chính. (Ảnh: Dân Trí)

Như vậy, UBND huyện Như Thanh phải trả lại cho người lao động đã “đóng thay” số tiền trên và thanh toán tiền còn nợ các loại bảo hiểm. Bên cạnh đó, các trường đã thu số tiền 178 triệu đồng của người lao động phải trả lại do kế toán đã thu nhưng không nộp. Việc chi trả thực hiện xong trước quý III năm 2019.

Chủ tịch UBND huyện Như Thanh yêu cầu các cá nhân, tập thể có liên quan kiểm điểm trước ngày 31/10. (Ảnh: Người Lao Động)

Trước đó, Báo Giáo dục Việt Nam đã phản ảnh những vi phạm của huyện Như Thanh trong việc sử dụng lao động từ năm 2005-2017.

UBND huyện ký hợp đồng lao động với nhiều giáo viên, cán bộ, nhân viên tại các trường học từ bậc học Mầm non đến Trung học cơ sở.

Cụ thể, huyện này đã ban hành các quyết định về việc hợp đồng giáo viên ngoài biên chế đối với 181 người. Hầu hết những giáo viên hợp đồng ở các môn đặc thù; thỏa thuận hợp đồng cán bộ, nhân viên Thư viện – Thiết bị trường học đối với 22 người.

Trong số này, nhiều lao động cũng được huyện sử dụng không đúng quy định, không thực hiện chế độ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nhiều thỏa thuận lao động đều ghi rõ chế độ bảo hiểm xã hội là do cá nhân tự nguyện.

Ngoài ra, cũng có quyết định đề cập đến các chế độ bảo hiểm thực hiện theo quy định hiện hành nhưng lại được tính vào chế độ phụ cấp hằng tháng của người lao động.

Hoa Liên (Tổng hợp)

Exit mobile version