Thay vì phải tuân thủ những điều kiện chặt chẽ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhiều quốc gia tìm tới những khoản vay dễ thở hơn của Trung Quốc. Thế nhưng, những thách thức mà nền kinh tế thứ 2 thế giới đang vấp phải có thể sẽ khiến Trung Quốc không tiếp tục hào phóng với các nền kinh tế mới nổi.
Việc Trung Quốc sẵn sàng cho vay với những quy định không quá ngặt nghèo khiến ngân hàng nước này trở thành người bạn thân thiết của những thị trường mới nổi. Tuy nhiên, theo Bloomberg, có nhiều lý do để tin rằng dòng tiền dồi dào và dễ dàng này có thể cạn kiện một cách đột ngột bởi những vấn đề từ chính nội tại của nền kinh tế Trung Quốc.
Từ Argentina, Venezuela tới Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan đều đã tìm tới Trung Quốc để có những khoản vay dễ dàng hơn rất nhiều so với những quy định khắt khe của một gói vay đến từ IMF.
Trong một thập kỷ qua, Trung Quốc đã cho Venezuela – quốc gia Nam Mỹ đang chìm trong tình trạng siêu lạm phát – vay hơn 62 tỷ USD. Hồi tháng 7 vừa qua, một khoản ứng trước 5 tỷ USD đã được phê duyệt nhằm tăng sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela dù chương trình vay đổi dầu trước đó đã bị phản ứng.
Ngân hàng trung ương Argentina cũng đang muốn vay tới 15 tỷ USD từ Trung Quốc nhằm giải quyết những vấn đề bất ổn của nền kinh tế.
Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia từng là đồng minh quan trọng của Mỹ và là thành viên NATO, cũng được Trung Quốc cho vay để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế.
Năm 2017, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, đơn vị quản lý phần lớn các khoản cho vay nước ngoài, đã cho Thổ Nhĩ Kỳ vay thêm hơn 2 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2016.
Pakistan cũng không tìm kiếm gói hỗ trợ thứ 13 từ IMF mà lựa chọn Trung Quốc để được vay tiền.
Tuy nhiên, những thách thức hiện tại với nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm cả cuộc chiến thương mại với Mỹ, có thể sẽ khiến cho Bắc Kinh không thể tiếp tục hào phóng với các nền kinh tế mới nổi. Điều đó đồng nghĩa các nền kinh tế này có nguy cơ cao mất đi chỗ “bấu víu” để vay vốn.
Căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang và các chính sách nhằm nỗ lực giảm nợ và hạn chế tín dụng đen đã có những tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Niềm tin người tiêu dùng của Trung Quốc đã giảm trong những tháng gần đây, trong khi thị trường chứng khoán nước này liên tiếp lao dốc.
Báo cáo được Chính phủ Trung Quốc công bố ngày 14/8 cho thấy sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tháng 7 của nước này tăng trưởng chậm lại với mức lần lượt là 6% và 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư tài sản cố định tăng trưởng 5,5% trong 7 tháng đầu năm, mức tăng thấp nhất kể từ năm 1999.
Cả 3 chỉ tiêu nói trên đều thấp hơn dự báo của các chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg.
Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị trong tháng 7 đã tăng lên 5,1% từ mức 4,8% trong tháng 6. Trong 7 tháng đầu năm, đầu tư cơ sở hạ tầng tăng trưởng 5,7%, thấp nhất kể từ năm 2014 và chỉ bằng 1/4 so với tốc độ của cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, người dân Trung Quốc sẽ nghĩ gì trước tình cảnh khó khăn nội tại của kinh tế nước nhà nhưng chính phủ vẫn vung hàng chục tỷ USD để đổi lấy “quyền lực mềm” từ những mối quan hệ bạn bè?
Vỹ An