Đại Kỷ Nguyên

Nguy cơ khủng hoảng nợ hộ gia đình tại Trung Quốc vì nhà đất

Trung Quốc đối mặt nguy cơ khủng hoảng nhà đất. (Ảnh: Reuters)

Giá nhà tại Trung Quốc đang ở mức cao nhất thế giới, cộng thêm tình trạng vay nợ tăng mạnh, đang đẩy người dân nước này vào tình thế khó khăn.  

Theo một nghiên cứu mới của Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, giá nhà tại Trung Quốc đang ở mức cao nhất thế giới. Tình trạng này đã khiến hàng triệu hộ gia đình có thể rơi vào cuộc khủng hoảng nhà đất trong tương lai.

Giá nhà mới tại 70 thành phố của Trung Quốc trong tháng 7 tăng 1,1% so với tháng 6/2018. Mức tăng này cao hơn so với mức tăng 0,8% của tháng 5, và ghi nhận tháng tăng thứ 5 liên tiếp.

Trước những dấu hiệu tăng trưởng nóng, chính phủ Trung Quốc đã công bố chiến dịch kéo dài 6 tháng nhằm ngăn đầu cơ nhà đất tại 30 thành phố của Trung Quốc, thắt chặt điều kiện các khoản vay và hạn chế các công ty bất động sản phát hành thêm trái phiếu ở nước ngoài.

Các nhà kinh tế đang cảnh báo rằng những khoản nợ như vậy đang bắt đầu làm giảm sức tiêu thụ, làm suy yếu kế hoạch của chính quyền Bắc Kinh dựa vào tiêu dùng trong nước để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh tranh chấp thương mại với Mỹ leo thang.

Câu chuyện vay vợ tại Hạ Môn

Hạ Môn là một thành phố ven biển thịnh vượng ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) với gần 4 triệu dân cư đông đúc. Tuy nhiên, tỷ lệ người mắc nợ tại đây lại đạt mức cao nhất trong số các thành phố lớn ở Trung Quốc.

Những năm qua, chính quyền Hạ Môn đã thúc đẩy phát triển nhà ở trong nội đô và các quận lân cận. Các tòa nhà cao tầng mới đang lúc nhúc ngoi lên.

Giá nhà mới của thành phố này tăng khoảng 19%/năm, tốc độ tăng mạnh nhất trong 70 thành phố của nước này, trong khi tăng trưởng thu nhập ở Hạ Môn chỉ quanh mức 8,4%, theo số liệu của cục Thống kê Trung Quốc.

Wang Yanwu, Phó Giáo sư tại Trường Đại học Kinh tế Hạ Môn, cho biết: “Hàng loạt nhà đầu cơ bất động sản từ các thành phố khác đã đến đây đẩy giá bất động sản Hạ Môn lên mức kỷ lục.”

Một căn nhà rộng 90 mét vuông có giá trung bình khoảng 3 triệu Nhân dân tệ, tương đương với 450.000 USD, trong khi thu nhập bình quân đầu người tại Hạ Môn chỉ khoảng 7.500 USD/năm. Người mua cũng có thể trả tiền nhà bằng cách vay thế chấp ở mức ít nhất bằng 30% giá trị của căn hộ.

Yang Xiaodao, một công nhân viên chức 26 tuổi ở thành phố Hạ Môn (Trung Quốc), thừa nhận việc hai vợ chồng cô vay tiền thế chấp trong 30 năm để mua một căn hộ là quyết định sai lầm nhất cuộc đời. Chi phí sinh hoạt của gia đình cô đã buộc phải giảm xuống mức tối thiểu.

Mặc dù cha mẹ đã hỗ trợ 1,5 triệu Nhân dân tệ cho tiền, tiền thanh toán cho việc thế chấp vẫn chiếm hơn 70% thu nhập của cả hai vợ chồng cô Yang.

“Chúng tôi không dám có con. Chúng tôi không dám mua một chiếc xe hơi. Chúng tôi cũng không dám đi du lịch”, chị Yang nói.

Anh Huang, 28 tuổi, cha của gia đình 2 người con, cũng nằm trong trường hợp khó khăn giống vợ chồng chị Yang. Anh Huang đã được ba mẹ chu cấp 2 triệu Nhân dân tệ để mua một căn hộ vào năm ngoái. Tuy nhiên, anh vẫn cần phải dùng đến khoản vay thế chấp, tiêu tốn 8.000 Nhân dân tệ mỗi tháng. Số tiền lương còn lại ít ỏi của hai vợ chồng không đủ cho các khoản chi tiêu gia đình.

Theo thống kê từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tỷ lệ nợ hộ gia đình tại Hạ Môn đạt 98% GDP vào cuối năm 2017, cao hơn nhiều so với mức 55% của cả nước, và cao hơn tỷ lệ nợ hộ gia đình của Mỹ là 79% GDP.

Đáng kinh ngạc hơn đó là tỷ lệ nợ hộ gia đình so với tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình ở thành phố này ở mức 182%.

Tiêu dùng tại Hạ Môn sẽ tiếp tục suy yếu. Trong quý I/2018, hơn một nửa số cửa hàng bách hóa lớn và siêu thị ở Hạ Môn đã giảm doanh thu. Doanh số bán lẻ tại Hạ Môn trong 5 tháng đầu năm tăng 9,2% so với năm trước đó, thấp hơn mức tăng trưởng 9,5% của cả nước và nhỏ hơn nhiều so với mức 12,1% vào cùng kỳ năm trước.

Không riêng gì Hạ Môn

Nợ cũng đang chồng chất ở các thành phố khác, ví như tỷ lệ vay hộ gia đình tại Thâm Quyến là 79% GDP và Hàng Châu là 77% GDP.

Theo phân tích của Reuters dựa trên số liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, tỷ lệ nợ hộ gia đình tại các thành phố biển đều đạt mức cao kỷ lục. Tỉnh Phúc Kiến là nơi có nợ cao nhất cả nước, đạt 110% vào cuối tháng 4/2018, tiếp đến là Chiết Giang và Quảng Đông.

Ước tính tỷ lệ nợ hộ gia đình trên thu nhập cá nhân ở Trung Quốc là 78% vào cuối năm 2017, theo nghiên cứu của Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải. Dự kiến tỷ lệ trên sẽ đạt 100% vào năm 2020 – ngang với tỷ lệ tại Mỹ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Kiều Ngọc

Exit mobile version