Đại Kỷ Nguyên

Mỹ có thể dồn toàn lực cho cuộc chiến với Trung Quốc nhờ các thỏa thuận thương mại mới

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc gặp gỡ tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. (Ảnh: Getty Images)

Giới phân tích cho rằng Mỹ có thể sử dụng đòn bẩy từ các thỏa thuận thương mại mới đạt được với Canada, Mexico và Hàn Quốc để thắt chặt chính sách với Trung Quốc.  

Cuối tuần trước, Mỹ và Canada đã đạt thỏa thuận tự do thương mại mới vào phút chót. Theo đó, Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được thay thế bằng Hiệp định Mỹ – Mexico – Canada (USMCA). Việc này đã cứu vãn khu vực có quy mô thương mại 1.200 tỷ USD khỏi nguy cơ sụp đổ sau gần một phần tư thế kỷ tồn tại.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 1/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi USMCA là một “thỏa thuận tuyệt vời” cho cả 3 nước. USMCA đạt được sau hơn một năm đàm phán khó khăn giữa ba nước nhằm sửa đổi NAFTA 25 năm tuổi mà ông Trump gọi là “thảm họa”.

Trước đó, ngày 24/9, Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in đã ký được thỏa thuận thương mại tự do sửa đổi bên lề phiên họp lần thứ 73 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc. Theo đánh giá của nhà lãnh đạo Mỹ, thỏa thuận tự do thương mại mới này là “cột mốc lịch sử” trong thương mại Mỹ – Hàn.

Ngoài ra, các cuộc đàm phán song phương giữa Mỹ và Nhật Bản cũng đã bắt đầu.

Với các tiến triển trên, Giám đốc Asian Trade Centre Deborah Elms cho rằng Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer hiện tại có thể tập trung hoàn toản xử lý cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Theo vị chuyên gia này, mục tiêu chính mà Đại diện Thương mại Mỹ muốn giải quyết lúc này vẫn là Trung Quốc.

Patrick Perrett-Green – chiến lược gia tại AdMacro, cũng cho rằng Washington hiện có thể tập trung toàn bộ sự giận dữ vào Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo sẽ ngày càng khốc liệt.

Theo Deborah Elms, cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền Trump với các cuộc đàm phán thương mại đang mang lại những kết quả có lợi cho nước Mỹ khi Hàn Quốc, Canada, Mexico, Nhật Bản và cả EU đều ít nhiều phải thể hiện sự nhượng bộ.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng phương pháp này chưa chắc có hiệu quả với Trung Quốc khi những đòi hỏi từ Washington với Bắc Kinh khá phức tạp, bao gồm quyền tiếp cận thị trường, chấm dứt ép buộc chuyển giao công nghệ, giảm xuất khẩu sang Mỹ và giảm dư cung sản xuất.

Trước những nhận định trên, Tony Nash – CEO kiêm nhà sáng lập Complete Intelligence – cho rằng thành công của chính quyền Tổng thống Trump khi đạt được các hiệp định thương mại gần đây là những tín hiệu tích cực giúp Mỹ nâng cao vị thế trong cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.

“Trung Quốc cũng có nhiều rắc rối trong nền kinh tế nội địa. Vì vậy, tôi vẫn tin rằng Trung Quốc sẽ ngồi vào bàn đàm phán và nhân nhượng đáng kể”, Nash nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Rachel Ziemba, chuyên gia phân tích các thị trường mới nổi tại Center for New American Security, việc hoàn tất thỏa thuận với Canada và Mexico cũng giúp Mỹ khôi phục quan hệ đồng minh vốn rạn nứt từ đầu năm do chính sách thuế nhập khẩu nhôm thép của nước này. Khi USMCA được thông qua, các nước phát triển có thể liên kết lại để đối phó với Trung Quốc.

Rachel Ziemba dự báo cuối cùng Mỹ vẫn có thể đạt thỏa thuận với Trung Quốc dù điều này sẽ không hề dễ dàng và mất nhiều thời gian.

(Tổng hợp)

Exit mobile version