Đại Kỷ Nguyên

Một quốc gia GDP cao nhưng vẫn có thể nghèo, Trung Quốc là ví dụ?

Không phải GDP, GNP mới phản ánh thực trạng nền kinh tế và đời sống dân chúng của đất nước đó

Có một sự nhầm lẫn phổ biến rằng Trung Quốc bây giờ giàu thứ hai thế giới, người dân có nhiều tài sản hơn cả Nhật Bản hay Đức, nhưng kỳ thực không hẵn vậy.

GDP (tổng sản phẩm quốc nội) là toàn bộ giá trị tăng thêm của các doanh nghiệp (không phân biệt quốc tịch), hộ gia đình và chính phủ diễn ra trên phạm vi một vùng lãnh thổ nào đó. Nó thường được tính trong một kỳ nào đó của một khu vực nào đó, thường là trong 1 năm của một quốc gia.

Có một số phương pháp tính GDP, nhưng ở đây chúng tôi không đi sâu vào vấn đề học thuật mà muốn bàn về một số ý nghĩa của chỉ tiêu rất phổ biến này.

Một quốc gia GDP cao nhưng dân vẫn nghèo

Cho dù tính theo phương pháp nào thì có thể nói rằng GDP là chỉ tiêu mang tính địa lý mà không mang tính quốc tịch, nghĩa là giá trị kinh tế mà nó phản ánh thực chất không phản ánh sự giàu nghèo của một quốc gia, một dân tộc. Do vậy, một quốc gia có thể có GDP rất cao nhưng quốc gia đó không thực sự giàu có, người dân của quốc gia đó vẫn nghèo.

GDP không thực sự phản ánh được bản chất kinh tế của một đất nước (Ảnh minh họa)

Chẳng hạn, nhà máy của Apple đặt tại Trung Quốc, thuộc sở hữu của người Mỹ và lợi nhuận cũng là của người Mỹ – mang về cho người Mỹ, nhưng lợi nhuận ấy lại được tính vào cho GDP của Trung Quốc và GDP bình quân đầu người của người Trung Quốc.

Có thể ví với trường hợp đơn giản là một gia đình có một khu đất rộng cho thuê làm cửa hàng, làm xưởng xản xuất, làm văn phòng đại diện. Họ chỉ nhận được tiền thuê nhưng lợi nhuận hoạt động của những người thuê kia lại được tính vào GDP của gia đình này. Đây chỉ là ví dụ để hình dung vì thực tế cách tính GDP của hộ gia đình là khác.

Chỉ từ sau Chiến tranh Thế giới II người ta mới sử dụng chỉ số GDP một cách phổ biến, còn trước đó trong kinh tế học người ta có một thước đo khác là GNP – Tổng giá trị sản phẩm quốc dân. Nó là giá trị phản ánh tổng thu nhập của người dân một nước cho dù họ hoạt động kinh doanh diễn ra ở trong hay ở ngoài nước đó. Tất nhiên, nó không bao gồm thu nhập của người nước khác hoạt động trên lãnh thổ của nước được tính GNP. Chỉ số này phản ánh thực chất hơn mức độ giàu có của một quốc gia, đặc biệt là sự giàu nghèo của người dân nước đó khi tính bình quân đầu người.

Ở ví dụ trên, lợi nhuận của Apple thuộc về người Mỹ và cũng được tính cho GNP của nước Mỹ và GNP bình quân đầu người của người Mỹ mà không được tính cho Trung Quốc hay người dân Trung Quốc.

Do vậy, có một sự nhầm lẫn phổ biến rằng Trung Quốc bây giờ “giàu thứ hai thế giới”, còn giàu hơn cả Nhật Bản hay Đức.

Có một nhầm lẫn phổ biến rằng Trung Quốc giàu hơn cả Nhật Bản hay Đức. (Ảnh: Nhadautu.vn)

Tại sao lại có sự nhầm lẫn này? Thứ nhất là do sự phổ biến của chỉ số GDP trên các phương tiện thông tin đại chúng đến mức một người không có chuyên môn về kinh tế học thì phần lớn đều hiểu rằng nó phản ánh mức độ giàu có của một quốc gia và dân tộc của quốc gia đó.

Thứ hai là bản thân chính quyền các nước đang phát triển có xu hướng khuếch trương hình ảnh của chính quyền mình thông qua các con số.

GDP và hậu quả

Sự phụ thuộc hoàn toàn vào lý luận kinh tế như hiện nay khiến người dân nhiều nước nhầm tưởng về sự giàu có “danh nghĩa” của mình.

Tình trạng thiếu hiểu biết của người dân và sự tham nhũng của quan chức ngày càng làm cho sự chênh lệch giữa lợi ích thực tế (phản ánh qua GNP) và danh nghĩa (phản ánh qua GDP) của quốc gia đang phát triển liên tục nới rộng.

Những số liệu dưới đây cho thấy sự chênh lệch giữa thu nhập thực sự của quốc gia và người dân qua GNP và thu nhập danh nghĩa qua GDP lớn như thế nào ở các nước đang phát triển:

STT Quốc gia GNP (tr. USD) Quốc gia GDP (tr. USD)
1 Mỹ 10,945,792 Mỹ 10,980,000
2 Nhật Bản 4,389,791 Trung Quốc 6,449,000
3  Đức 2,084,631 Nhật Bản 3,567,000
4 Anh 1,680,300 Ấn Độ 3,022,000
5 Pháp 1,523,025 Đức 2,271,000
6 Trung Quốc 1,417,301 Anh 1,664,000
7 Italia 1,242,978 Pháp 1,654,000
8 Canada 756,770 Italia 1,552,000
9 Tây Ban Nha 698,208 Brazil 1,379,000
10 Mexico 637,159 Nga 1,287,000
Nguồn: World Bank Nguồn: 2004 CIA World Factbook

Điển hình của sự chênh lệch này là của Trung Quốc.

Thậm chí nếu tính bình quân đầu người với mức dân số Trung Quốc năm 2004 là 1.298.847.624 người (theo dữ liệu 2004 CIA World Factbook) thì ta có hai con số: 4.965 USD đối với GDP và 1.091 USD đối với GNP (chênh lệch 4,55 lần)

Trung Quốc đứng thứ 2 thế giới về GDP nhưng người dân Trung Quốc vẫn rất khổ (Ảnh: Tapchitrithuc)

Nhìn nhận đúng bản chất của GDP giúp chúng ta hiểu được thực trạng kinh tế của các quốc gia cũng như thu nhập của người dân các nước đang phát triển, không mơ hồ và bị cuốn theo các thông tin sai lệch.

NM – VĐ

Exit mobile version