Đại Kỷ Nguyên

Lại xuất hiện tình trạng thương lái thu mua rễ hồ tiêu xuất đi Trung Quốc

Sau một thời gian ngắn tạm dừng, các thương lái tiếp tục gom mua rễ hồ tiêu của người dân ở xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) với giá 70.000-80.000 đồng/kg để xuất sang Trung Quốc. Muốn gom được 1 tạ rễ tiêu khô, người trồng tiêu phải đào khoảng 4 sào tiêu.  

Theo Hội Nông dân xã Xuân Thọ, những ngày qua, các thương lái đã tiếp tục tiến hành gom mua rễ hồ tiêu của các nhà vườn trên địa bàn xã này với giá từ 70.000-80.000 đồng/kg, sau đó bán lại cho doanh nghiệp thu mua với giá từ 90.000-100.000 đồng/kg. Để gom được 1 tạ rễ tiêu khô, người trồng tiêu phải đào khoảng 4 sào tiêu.

Các chủ vườn tiêu thừa nhận việc người trồng tiêu bán rễ tiêu là có thật. Tuy nhiên, không ai đào bán tiêu tươi mà chỉ bán những rễ tiêu khi phá bỏ vườn tiêu bệnh, vườn già để trồng mới.

Nông dân thu gom rễ tiêu chết. (Ảnh: TTXVN)

Theo Dân trí, do rễ tiêu là một loại phế phẩm trong nông nghiệp, việc mua bán không vi phạm pháp luật nên chính quyền địa phương không có lý do để ngăn cản.

Điều đáng nói là hiện các cơ quan chức năng chưa xác định được việc thương lái thu mua rễ tiêu nhằm mục đích gì.

Chia sẻ trên Thanh niên ngày 25/5, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết kết quả kiểm tra và xác minh thực tế tại các vùng trồng hồ tiêu tại Đông Nam bộ và Tây nguyên cho thấy tình trạng đào bán rễ cây hồ tiêu xảy ra tại 14 hộ trên địa bàn xã Xuân Thọ với diện tích 5-7 ha. Tuy nhiên, đây là các trụ tiêu già cỗi, năng suất giảm và đang có dịch bệnh, người dân tận thu để chuyển đổi trồng loại cây khác.

Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết thêm, trước tin đồn về tình trạng thương lái thu mua rễ tiêu không rõ mục đích sử dụng, cũng giống như câu chuyện thu mua hoa thanh long, mua lá điều từng xảy ra trước đây, Cục đặt giả thiết có nguy cơ phá hoại sản xuất nên cử cán bộ phối hợp với các địa phương xác minh.

Theo ông Sơn, quá trình xác minh phát hiện 3 hộ nông dân và 1 công ty thu mua rễ tiêu nhưng vẫn chưa làm rõ được mục đích sử dụng. Một số nguồn tin cho rằng, rễ tiêu được sử dụng làm thuốc bắc, song thông tin này phải chờ các địa phương điều tra làm rõ.

Trước đó, hồi đầu tháng 5, nhiều cơ quan báo chí phản ánh tại Đồng Nai và một số tỉnh phía Nam có tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua rễ tiêu với giá từ 20.000-80.000 đồng/kg, dẫn tới tính trạng chặt phá, trộm rễ tiêu đem bán.

Sau đó, Cục Trồng trọt đã tổ chức đoàn kiểm tra tình hình thương lái gom mua rễ tiêu diễn ra tại xã Xuân Thọ. Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, dù không có tình trạng đào gốc tiêu sống lấy rễ để bán, việc bán rễ tiêu khô cũng có nguy cơ phát tán nguồn bệnh lây lan qua rễ tiêu từ các vùng tiêu nhiễm bệnh sang các vùng trồng khác.

Vì vậy, cục Trồng trọt đã có văn bản đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên, thực hiện tốt công tác vệ sinh các điểm có trụ tiêu bị chết do bệnh chết nhanh, chết chậm; không tổ chức mua, bán, hoặc phát tán rễ tiêu ra vùng lân cận.

Nguyễn Trang

Exit mobile version