Đại Kỷ Nguyên

Hàng loạt nông sản Việt Nam nguy cơ phải giải cứu vì kỳ tích xuất khẩu trái cây ‘ảo’

Hình thức tạm nhập, tái xuất có lợi cho doanh nghiệp, nhưng lại gây ra nhiều hệ lụy đối với trái cây Việt Nam. (Ảnh: Người lao động)

Chuyên gia cho rằng thống kê trái cây xuất nhập khẩu kiểu nhập nhằng có thể gây ngộ nhận về thành tích xuất khẩu rau quả. Nguy hiểm là khi thông tin không đúng này có thể dẫn tới doanh nghiệp, nông dân… ồ ạt đầu tư trồng những loại trái cây mà theo thống kê Trung Quốc nhập nhiều từ Việt Nam nhưng thực chất là hàng Thái Lan, dẫn đến nguy cơ dư thừa hoặc không có đầu ra.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, giá trị xuất khẩu rau quả 9 tháng đầu năm 2018 tiếp tục lập kỳ tích mới khi đạt khoảng 3,1 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu rau quả sang thị trường láng giềng này tính đến hết tháng 8/2018 đạt gần 2 tỷ USD, tăng 11,6%.

Tuy nhiên, theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam đang xuất khẩu hộ Thái Lan rất nhiều loại trái cây sang Trung Quốc. Nghĩa là các doanh nghiệp nhập hàng từ Thái Lan vào Việt Nam bao nhiêu thì xuất sang Trung Quốc bấy nhiêu, nhưng lại tính chung vào giá trị xuất khẩu trái cây của Việt Nam. Điều này gây ra rất nhiều hệ quả khó lường.

Chẳng hạn, riêng trong nửa đầu năm nay, trái cây xuất xứ Thái Lan chiếm kim ngạch đến 320 triệu USD, tương đương gần 22% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Các loại trái cây có xuất xứ Thái Lan được nhập khẩu về Việt Nam, sau đó xuất khẩu tiếp sang Trung Quốc chủ yếu là sầu riêng, măng cụt, nhãn… Đặc biệt, phân tích từ số liệu thống kê cho thấy gần 100% nhãn tươi, nhãn khô, sầu riêng, măng cụt… mà Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan về đều đem xuất khẩu sang Trung Quốc.

Chia sẻ trên Pháp luật Tp.HCM, TS. Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng nhìn chung trái cây Thái Lan có chất lượng và hình thức đều hơn, đẹp hơn trái cây Việt Nam cùng chủng loại. Do vậy, việc các doanh nghiệp Việt Nam chọn hình thức nhập trái cây Thái Lan về bán sang Trung Quốc kiếm lời cũng là điều bình thường và không có quy định nào cấm hình thức này.

Tuy nhiên, TS. Võ Mai lưu ý nếu số liệu thống kê nhập nhằng, không chính xác, lẫn lộn giữa hàng tạm nhập tái xuất với hàng xuất khẩu chính hiệu của Việt Nam sẽ gây ngộ nhận về thành tích xuất khẩu rau quả. Nguy hiểm là khi thông tin không đúng này có thể dẫn tới doanh nghiệp, trang trại, nông dân… ồ ạt đầu tư trồng loại trái cây mà theo thống kê Trung Quốc nhập nhiều từ Việt Nam nhưng lại là trái cây Thái Lan. Điều này dẫn đến nguy cơ hàng loạt trái cây Việt Nam rơi vào cảnh phải giải cứu vì dư thừa hoặc không có đầu ra.

Do đó, TS. Võ Mai cho rằng không chỉ phải thông tin rõ ràng về số liệu xuất nhập khẩu rau quả mà còn cần kênh thông tin chính xác về nguồn cung, nhu cầu thị trường, dự báo thị trường xuất khẩu… để doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các sở nông nghiệp, cán bộ khuyến nông nắm được, từ đó mới thông tin cho người dân, giảm dần tình trạng trồng tự phát, phát triển chuỗi liên kết nông dân với doanh nghiệp nhằm giảm rủi ro.

Đồng quan điểm, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia khác cũng lo ngại việc thống kê theo kiểu gom luôn trái cây tạm nhập tái xuất vào chung một “rổ” với trái cây trong nước xuất khẩu sẽ tạo số liệu ảo, lợi bất cập hại cho ngành này.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Vina T&T, việc thống kê chung hàng Thái Lan tạm nhập tái xuất vào số liệu xuất khẩu rau quả Việt Nam có thể khiến cho số liệu trở nên thiếu chính xác, từ đó ảnh hưởng tới việc nhà nước hoạch định chính sách trong lĩnh vực này. Đặc biệt là chính sách quy hoạch vùng trồng trái cây, dự báo cung cầu thị trường xuất nhập khẩu.

Vị này cũng cảnh báo cần kiểm soát những mặt hàng lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất để mạo danh xuất xứ Việt Nam xuất sang nước thứ ba nhằm lẩn tránh thuế. Nếu không, trái cây Việt Nam có nguy cơ cao bị vạ lây, tức bị nước nhập khẩu áp dụng chính sách phòng vệ thương mại, hoặc dùng hàng rào kỹ thuật gây khó cho hàng Việt Nam xuất khẩu.

Trước đó, chia sẻ trên Báo Đất Việt, TS. Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành thuộc Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng việc nhập trái cây Thái Lan để xuất sang Trung Quốc vẫn được tính cả vào số liệu xuất khẩu của Việt Nam là không hợp lý.

"Nếu thông tin không dựa trên cơ sở khoa học thì phấn khởi ấy để làm gì? Phải minh bạch thông tin và tách bạch ra. Không thể cứ nói Việt Nam xuất khẩu trái cây được hàng tỷ USD mà không nói rõ phần tạm nhập, tái xuất là bao nhiêu. Điều đó có thể gây hiểu lầm", TS. Chín nói.

TS. Chín chỉ rõ trái cây trồng trên đất nước Việt Nam được xuất khẩu có nghĩa là tạo được công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân, cải thiện sinh kế của họ, như vậy mới có ý nghĩa. Còn tạm nhập, tái xuất chỉ có doanh nghiệp lời được chút tiền, không giúp ích gì nhiều cho xã hội.

Khi số liệu mập mờ nghĩa là nền tảng để xử lý vấn đề sai và chúng ta cứ bay ở trên mây, nghĩ rằng mình bán trái cây được nhiều USD, nhưng thực chất là bán hộ người ta. Trong khi đó, nông dân Việt Nam không được hưởng gì, nông sản Việt còn đang phải bán đổ bán tháo với giá rẻ cho Trung Quốc.

Từ những phân tích trên, vị chuyên gia cho rằng nếu người Trung Quốc muốn nhập khẩu một loại nông sản nào đó, thay vì nhập từ Thái Lan rồi xuất sang Trung Quốc, doanh nghiệp Việt nên cố gắng cải thiện chất lượng nông sản Việt để bán cho Trung Quốc. Lợi thế của Việt Nam là giáp biên giới với Trung Quốc, đường đi rất gần. Chính vì thế, một khi cải thiện chất lượng trái cây ngang ngửa với Thái Lan, chắc chắn sẽ bán được nhiều sang Trung Quốc và bán được với giá cao.

(Tổng hợp)

Exit mobile version