Đại Kỷ Nguyên

Gặp khó tại Trung Quốc, nhiều doanh nhân châu Phi muốn chuyển hướng sang Việt Nam

Nhiều doanh nhân châu Phi thừa nhận công việc kinh doanh của họ tại Trung Quốc ngày càng khó khăn khiến họ chán nản muốn rời bỏ quốc gia này, chuyển vốn đầu tư sang Việt Nam, Campuchia…  

Theo SCMP, trong khi các doanh nhân Trung Quốc ngày càng có được nhiều cơ hội béo bở ở châu Phi, những nhà kinh doanh đến từ lục địa đen lại thấy tương lai của họ tại đất nước tỷ dân ngày càng mù mịt hơn.

Đây là tình cảnh của nhiều thương gia châu Phi đang sống tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Thành phố này vốn có một khu được mệnh danh là “Tiểu Châu Phi” của Trung Quốc.

Chia sẻ trên SCMP, một thương nhân tên Don đến từ Kenya phàn nàn rằng công việc kinh doanh của ông ở Quảng Châu ngày càng khó khăn hơn và ông đang tính chuyện rời khỏi thành phố này.

Sống ở Quảng Châu được 4 năm, người đàn ông này cho biết ông theo đuổi giấc mơ làm giàu bằng cách mua hàng hóa giá rẻ ở Trung Quốc và bán cho quê nhà của ông. Tuy nhiên, công việc làm ăn ngày càng khắc nghiệt hơn.

“Giờ chúng tôi chỉ có thể kiếm được một nửa số lời so với trước đây”, ông Don chia sẻ.

Người châu Phi đi qua một khu mua sắm ở thành phố Quảng Châu. (Ảnh: SCMP)

Trong khi đó, ở Ghana, đất nước cách Trung Quốc hàng chục nghìn km, tình hình hoàn toàn trái ngược.

Ông Su Zhen Yu, một thành viên nổi bật của cộng đồng người Hoa sống ở đất nước Tây Phi này từ năm 1995, tiết lộ ông rất bận rộn với công việc môi giới bất động sản cho những người Trung Quốc mới đến muốn tìm đất xây dựng nhà máy.

“Khi tôi lần đầu tiên đến Ghana vào năm 1995, chỉ có khoảng 100 người Trung Quốc. Giờ thì con số này đã hơn 20.000 hay 30.000 người”, ông Su nói.

Chỉ trong một thập niên, cơ hội làm ăn tại Trung Quốc và châu Phi đã đảo ngược khi các doanh nhân Trung Quốc tìm thấy những tiềm năng lớn hơn ở lục địa đen. Ngược lại, nhiều người châu Phi rơi vào cảnh sống túng quẫn ở Trung Quốc.

Các doanh nhân đến từ nchâu Phi bắt đầu đổ xô tới thành phố Quảng Châu sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi năm 2001.

Làn sóng này mạnh tới mức trong những năm 2000, khu Tiểu Bắc của thành phố Quảng Châu đã được mệnh danh là “Tiểu Châu Phi”. Các nhà chức trách Quảng Châu cho biết số người châu Phi sống tại Quảng Châu là khoảng 20.000 người.

Tuy nhiên, trong những năm qua, một số lượng lớn người châu Phi đã rời khỏi Quảng Châu. Cụ thể, tính đến tháng 2/2017, số người châu Phi sống ở Quảng Châu đã giảm còn 10.344 người.

Theo ông Felly Mwamba, lãnh đạo cộng đồng người Congo ở Quảng Châu, có khoảng 700 người Congo sống ở Quảng Châu trong năm 2016 và khoảng 560 người năm ngoái. Song, hiện chỉ còn 500 người Congo sống ở Quảng Châu.

Một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do giá cả ở Quảng Châu ngày đắt đỏ khiến thu nhập của người châu Phi giảm đi đáng kể.

“Bây giờ chúng tôi chỉ có thể thu lời khoảng 2.000 USD trên mỗi container chứa số hàng hóa trị giá 20.000 USD. Với số tiền trên, nhiều người thậm chí còn bị lỗ nặng sau khi chi trả nhiều loại phí như thị thực, vé máy bay cùng các chi phí sinh hoạt. Đó là lý do tại sao ngày càng nhiều người châu Phi rời khỏi Quảng Châu”, ông Mwamba nói.

Tương tự, thương nhân Don đến từ Kenya cho biết lợi nhuận của các nhà kinh doanh châu Phi tại Quảng Châu giảm rất nhiều so với trước đây. Hầu hết số hàng hóa được thương nhân châu Phi lấy từ Trung Quốc là các hàng hóa cơ bản như quần áo, giầy dép, hàng điện tử, điện thoại rẻ tiền. Trong khi đó, giá hàng hóa, chi phí vận chuyển, giá cả sinh hoạt ở Trung Quốc không ngừng tăng cao.

Thương nhân người Kenya này cho biết nhiều người châu Phi ở Quảng Châu ngày một có xu hướng rời bỏ đất nước tỷ dân để trở về quê nhà hoặc khám phá các thị trường mới như Ấn Độ, Việt Nam và Campuchia.

Ông Baye Alioune Samb, cố vấn kinh tế tại lãnh sự quán Senegal ở Quảng Châu, cũng thừa nhận số lượng người châu Phi ở Quảng Châu đang giảm nhanh và một số doanh nhân châu Phi chuyển hướng tìm kiếm cơ hội ở các quốc gia châu Á khác.

“Chúng tôi bắt đầu nghe nói Việt Nam đang nổi lên trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa tương tự Trung Quốc trong thập niên 1980”, ông Samb đề cập tới Việt Nam như một thị trường tiềm năng mà các kinh doanh châu Phi đang hướng tới.

Nguyễn Trang

Exit mobile version