Đại Kỷ Nguyên

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung: Thời cơ để thủy sản Việt Nam tăng thị phần tại Mỹ

Các doanh nghiệp tôm Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. (Ảnh: Nhịp sống kinh tế)

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam hy vọng có thể tăng thị phần tại Mỹ, thay thế sản phẩm cá rô phi và tôm Trung Quốc đang đối diện nguy cơ biến mất khỏi các bàn ăn ở xứ cờ hoa.

Việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều nâng các mức thuế nhập khẩu đã ảnh hưởng lớn đến dòng chảy thương mại tôm giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội lớn cho các nước cung cấp tôm cho Trung Quốc như Canada, Nga, Australia, và New Zealand, và các nước cung cấp tôm cho Mỹ như Indonesia, Thái Lan, Mexico, Brazil và Việt Nam.

Hiện Mỹ vẫn áp dụng mức thuế 0-5% đối với các sản phẩm tôm nhập khẩu từ Trung Quốc mã HS 03061700, 16052110, 16052910,16052105 và 16052905. Tuy nhiên, gói 200 tỷ USD mà Mỹ dự kiến áp thuế các mặt hàng Trung Quốc gồm đồ nội thất, nông sản và thủy sản, khiến các sản phẩm tôm trên của quốc gia đông dân nhất thế giới có thể bị áp thuế 10-25%. Đáng chú ý, những sản phẩm tôm của Trung Quốc bị áp thuế cao là sản phẩm thế mạnh của Việt Nam trên thị trường Mỹ.

Vì vậy, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung có thể coi là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tôm Việt Nam tăng xuất khẩu sang Mỹ. Hơn nữa, tôm Việt Nam đã có một vị thế nhất định với người tiêu dùng Mỹ, nên khi nguồn cung từ Trung Quốc sụt giảm, nhà nhập khẩu Mỹ nhiều khả năng sẽ chọn Việt Nam là nguồn cung thay thế.

Tương tự, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có dấu hiệu leo thang, các doanh nghiệp cá tra Việt Nam cũng đang kỳ vọng có thể giành thêm thị phần từ cá thịt trắng (trong đó có sản phẩm cạnh tranh mạnh nhất là cá rô phi Trung Quốc) trên thị trường Mỹ.

Theo một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long, kể từ khi cuộc chiến thuế quan bùng nổ, doanh số tiêu thụ cá rô phi Trung Quốc tại các siêu thị Mỹ đã giảm 20-30% trong tháng qua. Tranh thủ cơ hội này, nhiều nguồn cung đã đẩy mạnh xuất khẩu cá thịt trắng sang Mỹ để giành giật thị phần.

VASEP nhận định sự sụt giảm tỷ trọng của cá rô phi tại thị trường Mỹ đang thắp hy vọng cho các nhà cung cấp cá rô phi khác như Indonesia, Đài Loan, Mexico hay Việt Nam. Đồng thời, nó cũng giúp cho cá tra, basa Việt Nam củng cố thêm niềm tin giành thị phần từ cá rô phi Trung Quốc trong bối cảnh khó khăn về thuế chống bán phá giá và rào cản kỹ thuật Chương trình thanh tra cá da trơn tại Mỹ.

Ngoài ra, VASEP cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị nhập khẩu cá rô phi của Mỹ đạt 264,6 triệu USD. Trong khi đó, tổng giá trị nhập khẩu cá tra từ Việt Nam đạt 154,4 triệu USD. Nếu mức thuế nhập khẩu cho cá rô phi Trung Quốc áp cao hơn so với cá tra Việt Nam, nhiều khả năng 6 tháng cuối năm cá tra sẽ giành thêm thị phần từ nguồn cung này.

Tuy nhiên, VASEP cũng lo ngại rằng, trong cuộc chiến thương mại, cả Mỹ và Trung Quốc đều nghi ngờ nhau nên họ sẽ đặt ra những hàng rào kỹ thuật gắt gao hơn với hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang cả hai thị trường này. Theo đó, Mỹ sẽ kiểm tra chặt chẽ hơn về xuất xứ thủy sản từ Việt Nam. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng các doanh nghiệp thủy sản Trung Quốc sẽ “mượn” Việt Nam để lấy xuất xứ và xuất đi Mỹ.

Vì vậy, muốn giành được thị phần từ Trung Quốc trên thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam phải khẳng định vị trí của mình, nâng cao chất lượng và minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm.

Vỹ An

Exit mobile version