Trung Quốc mới đây đã giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng cá tra fillet và cá đông lạnh. Trong khi đó, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm đến 90% tổng nhập khẩu cá tra của Mỹ. Vì vậy, nếu Mỹ áp thuế cao đối với cá tra Trung Quốc do căng thẳng leo thang, Việt Nam có cơ hội chiếm lĩnh cả 2 thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất, nhì này.
Năm 2017, Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu cá tra sang thị trường đông dân nhất thế giới trong năm 2017 đạt gần 411 triệu USD, tăng 34,8% so với năm 2016, chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Do tình hình ô nhiễm môi trường gia tăng, diện tích nuôi trồng ngày càng co hẹp cùng với sự dịch chuyển khẩu vị sang từ gia súc sang thủy sản, dự kiến nhập khẩu cá tra của Trung Quốc tiếp tục tăng trong năm nay.
Thực tế, trong 4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cá trang sang Trung Quốc đạt 146 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2017.
Ngày 31/5 vừa qua, Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố giảm thuế nhập khẩu đối với 221 mặt hàng thủy, hải sản đến từ các quốc gia ưu tiên (các quốc gia là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới). Theo đó, thuế nhập khẩu cá tra fillet sẽ giảm từ 10% xuống 7%, trong khi thuế nhập khẩu cá tra tươi hoặc ướp lạnh giảm từ 12% xuống 7%. Chính sách thuế mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.
Việc cắt giảm thuế sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cải thiện được biên lợi nhuận và thúc đẩy việc phát triển thị trường tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Trong khi đó, tuy đã mất ngôi vị số 1 nhưng Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu quan trọng của cá tra Việt Nam. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến nửa đầu tháng 4/2018, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt gần 92 triệu USD, tăng 26,1%, chiếm 17,7% tổng giá trị xuất khẩu.
Cho đến nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ vẫn giữ được mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam và Trung Quốc là 2 nguồn cung duy nhất xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ. Trong đó, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm đến 90% tổng nhập khẩu cá tra của Mỹ và Trung Quốc chỉ chiếm 10% còn lại. Điều đó đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp cá tra Việt Nam có thể được hưởng lợi lớn nếu tranh chấp thương mại Mỹ – Trung không thể hòa giải và bùng nổ thành đại chiến thương mại. Rõ ràng, khi Mỹ đánh thuế cao ngất ngưởng cho sản phẩm cá tra Trung Quốc, Việt Nam sẽ có cơ hội tốt để tăng cường xuất khẩu vào cả 2 thị trường này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, nếu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc ngày càng leo thang, hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động, trong đó hàng rào kỹ thuật nguồn gốc xuất xứ sẽ bị soi rất kỹ.
Chia sẻ trên Tiền Phong, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Công ty Cổ phần Vinamit, cho rằng: “Chắc chắn Việt Nam là một vùng đệm nhạy cảm. Cả hai bên đều nghi ngờ nhau và họ sẽ đặt những hàng rào kỹ thuật gắt gao hơn với hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang cả hai thị trường này”.
Theo ông Viên, lâu nay nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam xuất vào Trung Quốc không cần giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, song giờ đây họ yêu cầu quả xoài, trái mít… xuất xứ cụ thể từ vùng nào ở Việt Nam. Vì thế, nếu Vinamit xuất bánh yến mạch sang Trung Quốc chắc chắn sẽ bị “rớt” vì họ không tin Việt Nam có yến mạch, và sẽ nghi ngờ là nhập từ Mỹ nên sẽ soi kỹ hơn về xuất xứ. Ở chiều ngược lại, phía Mỹ cũng có những nghi ngờ với những sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đơn cử như khoai tây, khoai lang, khoai môn, dứa… chắc chắn sẽ phải bị soi về nguồn gốc kỹ hơn.
Nguyễn Trang