Đại Kỷ Nguyên

Các nhà máy ở Trung Quốc ‘đứng ngồi không yên’ chờ thuế mới của Mỹ

Tại trung tâm sản xuất của Trung Quốc, thuế nhập khẩu 10% của Mỹ không khiến họ e ngại nhiều, nhưng thuế 25% lại là một vấn đề hoàn toàn khác.

Ông Ben Yang là chủ của công ty sản xuất đồ nội thất Sunrise Furniture tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Nếu như Mỹ vẫn quyết tâm đánh thuế 25% vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào đầu năm 2019, tỷ trọng hàng xuất khẩu sang Mỹ của ông Yang có thể giảm từ 90% xuống còn gần 1/3.

“Đối thủ lớn của chúng tôi là Việt Nam. Thuế nhập khẩu 10% không đủ lớn để tạo ra sự khác biệt. Nhưng 25% lại là điều đáng lo ngại. Nó chắc chắn có ảnh hưởng trong ngắn hạn. Người Mỹ sẽ phải chấp nhận giá cao hơn”, ông Yang cho biết.

Tình trạng của ông Yang hiện nay cũng chính là vấn đề chính mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt. Các tin tức tiêu cực liên tục xuất hiện. Kinh tế Trung Quốc vẫn chưa chịu tác động mạnh, nhưng tăng trưởng hạ nhiệt là điều đã được dự báo từ trước.

Ông Ben Yang trong nhà máy sản xuất đồ nội thất ở Quảng Đông. (Ảnh: Bloomberg)

Các chủ doanh nghiệp tại Quảng Đông luôn thấp thỏm không yên về những gì sẽ xảy đến tiếp theo. Quảng Đông được xem là trung tâm sản xuất của Trung Quốc, cũng là nơi đặt trụ sở các công ty nổi tiếng như Tencent. Các hãng xuất khẩu ở đây đang tìm cách điều chỉnh bằng việc đa dạng hóa doanh thu sang các thị trường mới, cũng như thúc đẩy nhu cầu trong nước.

“Thuế vượt quá 10%, sự gián đoạn sẽ tăng theo cấp số nhân”, cựu chuyên gia David Loevinger tại Bộ Tài chính Mỹ nhận xét.

Chính phủ Trung Quốc đang giảm dần chiến dịch kiềm chế vay nợ, đồng thời bổ sung các biện pháp kích thích. Thuế nhập khẩu của Mỹ thực chất cũng đang giúp tăng xuất khẩu, khi các công ty Trung Quốc đổ xô xuất hàng trước khi thuế tăng cao hơn.

Theo số liệu chính thức vừa được công bố sáng ngày 19/10, tốc độ tăng trưởng GDP trong quý III/2018 của Trung Quốc chỉ đạt 6,5%. Đây là tốc độ tăng chậm nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Con số này cũng thấp hơn dự báo trước đó của giới phân tích là 6,6% và thấp hơn mức tăng GDP quý II 6,7%.

Kể từ tháng 7 đến nay, Mỹ đã áp thuế nhập khẩu lên tổng cộng 250 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Mức thuế có thể nâng lên 25% vào đầu năm 2019 nếu Trung Quốc không chịu hạ mình.

Ngày 18/10, Mỹ tiếp tục đưa cuộc chiến thương mại với Trung Quốc lên một nấc thang mới khi tuyên bố rút khỏi Liên minh Bưu chính Quốc tế (UPU). Nhà Trắng cho rằng UPU đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp Trung Quốc hơn là doanh nghiệp Mỹ. Động thái này của Mỹ có thể ảnh hưởng lớn đến các công ty Trung Quốc khi giá vận chuyển hàng đến Mỹ qua đường bưu điện tăng lên.

Năm 2019 khó khăn

Kinh tế trong nước suy thoái và áp lực từ bên ngoài tăng lên đang khiến các hãng sản xuất tại Quảng Đông đau đầu về triển vọng trong năm 2019.

Baker Perfect, hãng chuyên sản xuất đồ nội thất trong nước, đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn khi các hãng xuất khẩu chuyển hướng kinh doanh vào thị trường trong nước.

Ông Li Shuiqing, người sáng lập công ty Baker Perfect, cho biết: “Dù sao, đây cũng không phải vấn đề sinh tồn, chỉ là vượt qua khó khăn thôi. Giờ phải cất tiền trong ngân hàng chứ không nên đầu tư vào cổ phiếu hay bất động sản. Trong thời kỳ khó khăn, cần phải thận trọng, không mở rộng hay đầu tư nhiều”.

Hãng tin Bloomberg dự báo, tăng trưởng đầu tư tại Trung Quốc có thể chậm lại và đạt 6,5% trong năm nay. Năm 2019, con số này có thể giảm xuống còn 6%, bất chấp các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc, như giảm thuế, tăng chi cho cơ sở hạ tầng, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng, và đẩy nhanh tốc độ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

Trái ngược với sự bùng nổ các đơn đặt hàng trong năm nay, số đơn hàng mới dựa trên khảo sát với giám đốc mua hàng của các công ty tháng trước đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016.

“Đây có thể là dấu hiệu cho sự giảm tốc sắp tới”, chuyên gia kinh tế Betty Wang thuộc ngân hàng ANZ nhận định.

Kiều Ngọc (Tổng hợp)

Exit mobile version