Đại Kỷ Nguyên

10 tháng 2018, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm gần 40%

Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm mạnh. (Ảnh: Vneconomy)

Được đánh giá là thị trường nhập khẩu gạo rất tiềm năng của Việt Nam, nhưng 10 tháng qua, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đã giảm mạnh cả về lượng và kim ngạch.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong 10 tháng đầu năm 2018 của Việt Nam ước đạt 5,25 triệu tấn, tương đương 2,64 tỷ USD, tăng 3% về khối lượng và tăng 15,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu trung bình đạt 503,9 USD/tấn, tăng 12,3%.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo số 1 của Việt Nam trong 10 tháng qua khi chiếm tới 24% thị phần. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu gạo sang thị trường này lại giảm mạnh.

Cụ thể, tổng lượng gạo xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong 10 tháng đạt 1,24 triệu tấn, tương đương 636,15 triệu USD, giảm 39,2% về lượng và giảm 30% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, giá xuất khẩu trung bình đạt 514,5 USD/tấn, tăng 15%.

Tại thị trường Trung Quốc, thị phần gạo Việt Nam chiếm gần 50% tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ năm 2016, Trung Quốc tăng cường kiểm soát nên xuất khẩu gạo tiểu ngạch giảm mạnh, xuất khẩu chính ngạch tuy có tăng lên nhưng không bù đắp được lượng giảm của đường tiểu ngạch.

Hiện tại, có 19 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu gạo chính ngạch sang Trung Quốc. Số lượng này còn nhỏ so với nhu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã tổ chức Chương trình Xúc tiến thương mại mặt hàng gạo năm 2018, mời đoàn Doanh nghiệp nhập khẩu gạo của Trung Quốc (Quảng Đông) vào giao dịch, kết nối mua hàng tại TP. HCM và tỉnh Long An.

Đoàn doanh nghiệp Trung Quốc gồm 22 doanh nghiệp là những doanh nghiệp nhập khẩu gạo của tỉnh Quảng Đông. Đây là lần thứ 2 trong năm 2018, đoàn doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam để giao dịch, mua hàng.

Cục Xuất nhập khẩu cho rằng việc tăng cường quan hệ thương mại gạo với Trung Quốc sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho người nông dân, và quan trọng là tăng được lượng gạo xuất khẩu chính ngạch. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc sẽ có nguồn cung cấp gạo ổn định, chất lượng, giá cả cạnh trạnh và thuận tiện giao hàng đáp ứng nhu cầu tiêu trong nước từ Việt Nam.

(Tổng hợp)

Exit mobile version