Đại Kỷ Nguyên

Ý nghĩa thật sự của cờ ‘đầu lâu xương chéo’, ngay cả hải tặc cũng có thể chưa biết

“Jolly Roger” là một cụm từ rất quen thuộc với các bạn trẻ, qua những bộ phim bom tấn của Mỹ về những tên cướp biển vùng Caribe. Đây là cụm từ chỉ lá cờ những tên cướp biển khét tiếng dùng để uy hiếp đối tượng bị cướp, và như một biểu tượng nhằm phân định ranh giới quyền lực giữa các tàu Hải tặc với nhau trên biển.

Tuy nhiên, thật thú vị khi tìm hiểu và được biết cụm từ “Jolly Roger”, vào đầu thế kỷ 17,  được dùng để chỉ những người bạn vui tính, thân thiện, hoàn toàn không có chút liên quan gì đến hình ảnh những tên cướp biển man rợ và độc ác, cũng như những lá cờ kỳ dị mà bọn chúng thường trang trí trên tàu với cái đầu lâu và bộ xương bắt chéo.

Vậy do đâu và từ khi nào cụm từ này lại để chỉ những lá cờ của những kẻ cướp biển?

Lịch sử ghi lại, biểu tượng đầu lâu xương chéo được những tên cướp biển dùng như một dấu hiệu báo cho mục tiêu về tình trạng họ đang sắp bị tấn công.

Lật lại những trang viết trong cuốn “Lịch sử ra đời của những tên cướp biển” của Charles Johnson vào năm 1724, người ta tìm thấy cụm từ “Jolly Roger” được viết trên những lá cờ. Đầu thế kỷ 17 được xem là thời kỳ Hoàng kim của các nhóm cướp biển.

Trong cuốn sách này, hai thuyền trưởng hải tặc Bartholomew Roberts (1721) và Francis Spriggs (1723) gọi lá cờ treo trên tàu của họ là “Jolly Roger”. Cả hai người cùng có quan điểm chung khi miêu tả về các lá cờ, dù vậy chúng hoàn toàn khác nhau về mặt hình thức, và tuyêt nhiên không lá cờ nào của họ có hình đầu lâu xương chéo. Điều đó có nghĩa “Jolly Roger” là biểu tượng của mọi loại cờ trên tàu cướp biển, chứ không chỉ cho những thiết kế phổ biến hiện nay.

Lời kể của nạn nhân vụ cướp biển xảy ra vào năm 1724 minh chứng cho điều này. Ông ta kể lại những tên cướp biển gọi lá cờ có hình bộ xương người cầm giáo đâm rỉ máu một trái tim của chúng là “Jolly Roger”.

Cờ hải tặc với bộ xương người cầm giáo đâm rỉ máu một trái tim.

Cụm từ “Jolly Roger”, như đã đề cập ở trên, có nhiều cách cắt nghĩa khác nhau. Trong báo cáo hải quân từ năm 1703, nó đã được nhắc đến khi nói về một tên cướp biển nổi tiếng tên là John Quelch, cùng với con tàu “Old Roger” chuyên hoạt động ở ngoài khơi biển Braxi”. “Old Roger” là biệt danh của quỷ, giả thiết rằng, thuật ngữ này sau đó đã được sửa đổi để biểu thị cái sọ người hay bộ xương trong những lá cờ hải tặc – cũng là biểu tượng của ma quỷ (hoặc là cái chết).

Nhóm nhà nghiên cứu khác thì cho rằng nó xuất xứ từ cụm từ tiếng Pháp “jolie rouge” hay “lovely red” có khả năng ám chỉ tới máu. Họ liên hệ đến một thực tế là những thương nhân người Pháp thời đó đã sử dụng một lá cờ đỏ trên thuyền của họ. Tuy nhiên, giả thiết này dễ bị bác bỏ vì “Jolie Rouge” đã không được đề cập đến trong bất kỳ tài liệu lịch sử nào liên quan đến cướp biển.

Một giả thiết khác là “Roger” có thể bắt nguồn từ “rouge” nghĩa là kẻ trộm hay kẻ hung ác. Tuy nhiên cách hiểu này cũng không mấy thuyết phục.

Jolly Roger được nhiều tên cướp biển sử dụng, ví như “Black Sam” Bellamy, Edward England, và có lẽ tên hải tặc râu đen cũng sử dụng nó.

Có một điều chắc chắn là từ thế kỷ thứ 17 biểu tượng đầu lâu xương chéo mới được bắt đầu vẽ trên cờ của hải tặc. Người ta cũng tin rằng ý tưởng này được vay mượn từ thiết kế trên lá cờ cướp biển Barbary với sọ người trên nền xanh lá cây. Màu đen của cờ cướp biển cho thấy biểu ngữ màu đen của Hồi giáo, nhưng đây chỉ là một giả định.

Một trong những hồ sơ lưu trữ đầu tiên về thiết kế đầu lâu xương chéo được ghi lại là vào ngày 6 tháng 12 năm 1687. Trong lưu trữ này, người ta nói rằng loại cờ cướp biển này được sử dụng trên đất liền chứ không phải trên tàu. Emanuel Wynn, thuyền trưởng cướp biển người Pháp, được cho là hải tặc đầu tiên sử dụng cờ Jolly Roger. Thiết kế của ông còn có thêm một chiếc đồng hồ cát đặt bên dưới hộp sọ và xương chéo, như được ghi trong báo cáo của Bộ Hải quân Anh ngày 18 tháng 7 năm 1700. Theo báo cáo này, một chiếc tàu có tên là HMS Poole đã thuê tàu của ông Wynn có treo lá cờ này.

Jolly Roger của Emanuel Wynn.

Sau cuộc chiến kế vị Tây Ban Nha (1714), đế chế cướp biển thực sự lộng hành. Lúc này cướp biển thường sử dụng các lá cờ Jolly Roger màu đỏ và màu đen được trang trí rất độc đáo. Những hình ảnh được miêu tả trên những lá cờ thường tượng trưng cho cái chết hoặc ma quỷ.

Cờ của thuyền trưởng Calico Jack Rackham.

Cờ Jolly Roger màu đen không phải lúc nào cũng được treo lên. Cướp biển có nhiều lá cờ khác nhau và thường xuyên dùng những cờ màu khác khi di chuyển trên đại dương. Jolly Roger chỉ được treo lên khi con mồi đã nằm trong tầm bắn. Họ sẽ nâng lá cờ này lên và bắn một phát súng cảnh báo. Đó là tín hiệu để đối phương nhận dạng họ đang bị tàu nào tấn công. Các nạn nhân có quyền chọn đầu hàng hoặc chống lại. Nếu con tàu quyết định chống cự, chiếc Jolly Roger màu đen sẽ được thay thế bằng chiếc màu đỏ, ngụ ý họ sẽ không nương tay, cướp tàu mà không lấy người.

Cờ Jolly Roger màu đỏ của Henry; Ông ta cũng dùng cờ màu đen.

Như vậy, Jolly Roger không chỉ đơn giản là một lá cờ, nó là một hình ảnh đại diện có tính biểu trưng. Người ta nói, một thuyền trưởng không cần phải vẫy cờ để chứng minh rằng anh ta là một cướp biển, anh ta chỉ cần có lá cờ Jolly Roger trong tay là đủ.

Ngày nay, đầu lâu xương chéo trở thành một biểu tượng hết sức phổ biến, được sử dụng cho những cảnh báo nguy hiểm gây chết người. Các nhà thiết kế thời trang không ngại khai thác triệt để hình ảnh kỳ dị này trong các sản phẩm may mặc, các phụ kiện trang phục… Một số đảng phái dùng nó như biểu tượng phản đối các nhà chức trách. Thậm chí nó còn trở thành biểu tượng của một đảng phái chính trị (Đảng cướp biển ở Canada). Trong thế kỷ của internet, các nhà quản trị mạng sử dụng lá cờ này cho các vấn đề cảnh báo liên quan đến “vi phạm bản quyền”.

Thực tế, một biểu tượng mang ý nghĩa xấu hay tốt phụ thuộc vào cách nhìn nhận và đặt định của chúng ta. Lá cờ đầu lâu có thể mang một ý nghĩa tích cực hơn nếu như cướp biển và những người khác không gán những suy nghĩ tiêu cực cho nó nhằm truyền tải những thông điệp về quyền lực và sự đe dọa. Tương tự, số phận hay hình ảnh của một con người trong mắt người khác đều do người đó chọn lựa. Vậy nên, hãy biết xây dựng và vun trồng những điều thiện lành, và nhìn nhận những điều xung quanh với một con mắt tích cực. Mọi thứ đều có thể thay đổi tùy vào quan niệm của chúng ta.

 

An Nhiên

Theo The Vintagenews

Video xem thêm: Người thông minh phải biết ở đời đâu là điểm dừng

 

Exit mobile version