Đại Kỷ Nguyên

Xúc động câu chuyện xe quần áo giá 0 đồng của cụ ông 80 tuổi ở TP.HCM

ông Nguyễn Văn Tư và chiếc xe chở đầy quàn áo (ảnh chụp màn hình báo Tuổi trẻ).

Ở tuổi 80, mỗi ngày ông Nguyễn Văn Tư (huyện Nhà Bè, TP.HCM) vẫn chạy xe gần 50km để bán quần áo với giá 0 đồng cho người nghèo.

Ba năm nay, dù mưa hay nắng ông Nguyễn Văn Tư (80 tuổi, ở huyện Nhà Bè) cũng chạy xe ba gác điện quanh huyện và các quận 4,5,7 để bán quần áo giá 0 đồng khiến nhiều người xúc động.

VnExpress dẫn từ lời của Ông Tư kể lại: “Ngày còn trẻ tôi lái xe container đường dài. Giờ về già vẫn nhớ nghề, không chạy đây đó thì khó chịu lắm. Trước tôi hay đi công quả trong chùa, mê làm từ thiện nên mới kiếm cái xe để chạy vòng vòng giúp người nghèo”.

Mọi người thường gọi ông là Tư Ẩn. Ông kể, một lần đi chùa, ông thương cảm khi nhìn thấy những đứa trẻ mặc đồ sờn rách, mặt mũi lấm lem như mình ngày trẻ. Sau lần đó, ông cùng vợ mua quần áo cũ rồi sắm chiếc xe máy bốn bánh để vừa chạy vừa tặng đồ. Năm ngoái, một nhà hảo tâm đã cho ông chiếc xe ba gác điện để chở được nhiều đồ hơn.

Giờ ông Tư Ẩn không còn mua đồ cũ, nguồn quần áo đều do mọi người quyên góp. Địa điểm ông chạy xe đến thường là khu công nghiệp, chợ, bệnh viện… nơi có nhiều công nhân, lao động nghèo.

“Tôi để bảng giá 0 đồng chứ không phải miễn phí là vì muốn tôn trọng người nhận và để họ tự nhiên đứng chọn cái quần, cái áo ưng ý”, ông nói.

Một nhân viên bảo vệ tên là Phạm Văn Thanh chia sẻ “Chiếc xe đi ngang đường Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè) vội chạy theo gọi: “Bác Tư ơi, dừng xe”. Ông cũng chia sẻ thêm lần thứ hai mua quần áo giá 0 đồng, lựa được một bộ đồ cho con trai mình. “Ông Tư tốt bụng lắm, ai mua đồ đều ân cần chọn giúp, có khi ông còn nài nỉ người ta lấy thêm nhiều vào”, người bảo vệ 52 tuổi nói, vừa cảm ơn cụ ông.

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi trẻ.

Ông Tư Ẩn tự tay chọn áo sơ mi và ướm thử cho anh Nguyễn Ngọc Thái, người bán trái cây dạo trên đường vào khu công nghiệp Long Hậu (huyện Nhà Bè).

“Tôi chọn được cái áo và quần jeans, là đồ cũ nhưng còn khá mới, thuận tiện để mặc đi làm. Tôi có gửi vài đồng mà ông Tư nhất quyết không nhận. Ông còn cám ơn tôi vì đã lấy quần áo”, anh Thái (37 tuổi) chia sẻ.

Được biết nhiều người dân ở huyện Nhà Bè đã quá quen với hình ảnh ông lão đi bán quần áo từ thiện. Họ luôn vui vẻ mang quần áo cũ tặng ông. Mỗi điểm dừng xe, ông Tư đều nán lại trò chuyện với mọi người.

Mỗi ngày, ông Tư Ẩn chạy khoảng 50km, đến trưa về nghỉ rồi lại đi tới chiều tối thì về nhà. Trước sân nhà ông (nằm trong con hẻm đường Nguyễn Văn Tạo, huyện Nhà Bè), ông dựng nhà kho chứa đầy quần áo cũ. Ông cho biết, đồ cũ ngoài mang bán thì phần lớn được đóng bao gửi đi từ thiện ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Những bộ quần áo đẹp nhất được ông Tư Ẩn và vợ – bà Lê Thị Bé (65 tuổi) – treo trên giá cho khỏi nhăn trước khi mang đi bán. “Ngày nào cũng có người nhận quần áo. Nhìn họ thích thú lấy thêm đồ về cho anh em, con cháu tôi vui lắm. Có những ngày trên xe không còn bộ nào luôn”, ông Tư Ẩn chia sẻ thêm.

Do một bên mắt đã mờ nên những bộ quần áo được vợ chồng ông buộc dây, đóng bịch và ghi rõ từng loại như quần nữ, áo nam, đồ trẻ em…

Căn nhà hai vợ chồng ông Tư Ẩn nằm sâu trong một con hẻm trên đường Nguyễn Văn Tạo.

Mỗi chiều bà Lê Thị Bé phụ giúp chồng soạn đồ, đóng bao cho vào kho. “Trước kia mua đồ si về tôi lại phải phơi giặt mất cả ngày. Giờ thì tuần nào cũng có người cho đồ, họ đã giặt sẵn, phân loại rõ ràng nên đỡ biết bao nhiêu”, bà Bé nói.

Ảnh chụp màn hình báo Vietnamnet.

Ông Tư Ẩn quê gốc Trà Vinh, theo ba mẹ lên Sài Gòn sống từ năm 3 tuổi. Ngày còn trẻ, ông làm đủ thứ nghề từ tài xế đến phục vụ.

Hơn chục năm trước, ông Tư bị khối u phải cắt thanh quản. Mất đi giọng nói, ông giao tiếp với mọi người thông qua một chiếc máy phụ trợ do họ hàng bên Mỹ tặng.

Buổi tối, cặp vợ chồng già chỉ quanh quẩn trong nhà, cùng nói chuyện, xem tivi. “Tôi hạnh phúc vì có thể mang niềm vui nhỏ cho nhiều người và có một cuộc sống điền viên thoải mái. Tâm nguyện của tôi là mong được làm từ thiện đến hết sức lực mới thôi”, ông Tư Ẩn chia sẻ.

Giữa cuộc sống đời thường, với những con người bình dị, bằng sự tử tế và nhiệt tâm theo cách đặc biệt. Chiếc xe chất đầy đồ của ông Tư mỗi ngày như chở theo sự sẻ chia đầy năng lượng và màu sắc tình thương trong đó có dùng tiền cũng không thể mua được.

Cuộc sống này ngắn ngủi lắm! Hãy cứ cho đi khi còn có thể. Bởi tình thương, sự sẻ chia với người khác sẽ là liều thuốc vô giá có thể chữa lành mọi vết thương để nuôi dưỡng mọi tâm hồn càng thêm tươi sáng.

Exit mobile version