Đại Kỷ Nguyên

Xót xa trước số phận của những bé gái tại Nam Sudan: Chiến tranh tàn phá, cuộc sống khổ đau

Sinh ra ở đất nước bị chiến tranh tàn phá, cuộc sống của những bé gái Nam Sudan gắn liền với nghèo đói, tục tảo hôn, mang thai sớm và thiếu giáo dục. Nỗi sợ hãi và giấc mơ nhỏ bé của các em đã được nhiếp ảnh gia Kate Holt kể lại bằng hình ảnh chân thực. 

Tổ chức Plan International đã có cuộc khảo sát trên 250 trẻ em gái tại Nam Sudan. Theo đó, 25 % trong số đấy từng ít nhất một lần nghĩ về việc tự kết liễu cuộc sống. 1/3 bé gái bị thương do xung đột và hầu hết các em không học hết tiểu học, bị bắt lấy chồng khi mới 14-16 tuổi. Nhiều gia đình gán con để đổi lấy tài sản như gia súc, lương thực…

Monica (12 tuổi)

Monica sống với mẹ và 4 anh chị em ở Rumbek. Gia đình không có tiền đóng học phí vì tất cả phải để cho cha chữa bệnh. Cả nhà thường xuyên nhịn đói, thỉnh thoảng cô bé mới được ăn 2 bữa một ngày.

Monica kể: “Em hay bị đau dạ dày khi đói và cảm tưởng như muốn ăn luôn chính mình để khoẻ hơn”. (Ảnh: The Guardian)

Monica yêu thích tiếng Anh, nhưng việc học với em là quá xa xỉ. Bỏ qua ước mơ, trong em chỉ còn nỗi lo sợ sẽ bị bán lấy tiền nuôi gia đình.

Thức ăn hàng ngày của Monica.

Akujang (15 tuổi)

Akujang kết hôn vào tháng 1/2017, khi mới 14 tuổi. Bé Anipe (con của Akujang) giờ đã 4 tháng tuổi. Hàng ngày, Akujang lo nấu ăn, làm vườn và cô bé chưa từng được đi học.

Năm ngoái, gia đình cô trồng lạc, lúa nhưng không có mưa nên cây không phát triển, gia đình chẳng có gì ăn.

Akujang kể “Khi mang thai, có những ngày em không có thức ăn. Bây giờ phải cho con bú nhưng em vẫn thường mất sữa. Con đói, khóc, chẳng biết làm thế nào. Ăn no con mới có sữa được…”.

Gia đình hay nhường bữa cho Akujang. Ước mơ của cô bé là có công việc để làm, không phải lo về miếng ăn.

Helena (14 tuổi)

Helena và gia đình đã chạy trốn để không phải ra chiến trường chiến đấu ở Abear. Em chưa bao giờ được đến trường vì phải ở nhà chăm gia súc.

“Hôm nay có gì để ăn?” là nỗi lo lớn nhất của cô bé.
Cô bé nói: “Nếu có thể thay đổi một điều trong cuộc sống thì em ước mình được đến trường”.

Roseanna (17 tuổi)

Roseanna bị bắn khi cô từ chối kết hôn với người anh họ. Em vẫn còn may mắn vì được đi học và nuôi ước trở thành bác sĩ.

Roseanna muốn chứng minh cho mọi người thấy, giáo dục sẽ tạo ra nguồn lợi nhiều hơn việc chăn nuôi gia súc hay gả bán con gái đổi tài sản. “Được giáo dục là giải pháp lâu dài cho nghèo đói”, cô bé nói.

Roseanna chia sẻ hình ảnh vết sẹo mình bị bắn vì từ chối kết hôn sớm.
Roseanna kể “Có những ngày em không thể đi nổi vì cả ngày không có gì ăn.Thức ăn luôn là vấn đề lớn. Nếu vài ngày không được ăn, em sẽ chẳng đủ sức để đến trường”.

Với Roseanna, nỗi lo lớn nhất của em là đói ăn và không thể giúp đỡ gia đình thoát khỏi nghèo khổ.

Nhắc về gia đình, Roseanna chia sẻ: “Họ chưa từng đi học nên không hiểu được giá trị của giáo dục. Đó là lý do họ mãi đói nghèo”.

Helena (16 tuổi)

Cha của Helena qua đời vì sốt rét, và cô bé phải bỏ học từ năm 11 tuổi. Helena tâm sự: “Nếu có thể đi học, em sẽ kiếm được một công việc tốt để giúp đỡ gia đình”.

4 năm trước người mẹ bị mù, Helena trở thành người lo kinh tế chính trong nhà, phải chăm sóc mẹ và bốn người anh em.
Helena thường pha trà để bán kiếm tiền.
Gia đình là nỗi lo lớn nhất của Helena: “Là người chăm sóc cho gia đình, không có đồ ăn và chiến tranh trở lại là hai thứ khiến em sợ nhất. Em ước gì tương lai sẽ kiếm được một công việc ổn định”.

Mary (15 tuổi)

Nhờ được Plan International giúp đỡ cho hạt giống, công cụ, cuộc sống của gia đình Mary đá khá hơn và em có thể được đi học. Thế nhưng, gia đình cô vẫn phải nhặt rác trong khu rừng để kiếm thêm thu nhập.

Mary kể: “Bây giờ mọi thứ tốt hơn và nhà em được ăn hai bữa một ngày”.

Mary muốn được học xong trước khi kết hôn: “Em ước con em sau này sẽ có một cuộc sống tốt đẹp”.

Các thế hệ trong gia đình nhà Mary.

Helena (15 tuổi)

Helena là cô bé may mắn hơn rất nhiều bé gái khác ở Nam Sudan bởi cha sẽ cho em học xong trước khi kết hôn.

Helena kể, sau khi gia đình chạy trốn khỏi vùng bạo loạn, cha đã không thể tìm được việc làm. Nhờ được ủng hộ hạt giống và công cụ mà gia đình em có thể tự trồng trọt và kiếm thu nhập.

Bữa ăn toàn lạc của gia đình Helena.

Không chỉ chiến tranh, những gia đình ở Nam Sudan còn phải chống chọi với hạn hán nghiêm trọng. Nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức thiên nguyện, nhiều gia đình đã có thức ăn và trẻ em được tới trường trở lại.

Nhìn những bé gái khao khát được ăn no, được đi học và luôn ước ao về tương lai tươi sáng hơn, chúng ta mới nhận ra cuộc sống của mình đang là “giấc mơ” của nhiều người…

Night-fly

Exit mobile version