Đại Kỷ Nguyên

VIỆT NAM TRONG TÔI: Làng cổ Nghi Tàm trầm mặc, mạch nguồn phồn thịnh của Hà Nội xưa

Hồng trần cuồn cuộn, trong dòng chảy mang tên “tiến bộ và phát triển”, người Việt đang từng bước đặt chân trên con đường “hội nhập”. Tuy nhiên, thuận theo việc cởi mở đón nhận cái mới, những điều mang cốt cách và linh hồn dân tộc cũng dần phai nhạt và bị lãng quên.

Chuyên đề “Việt Nam trong tôi” mong muốn tìm lại một Việt Nam tươi đẹp với thiên nhiên trong trẻo, thơ mộng và hùng vĩ, một Việt Nam hồn nhiên, mộc mạc trong từng nếp nghĩ, nếp sinh hoạt, một Việt Nam mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã dưỡng thành những con người đẹp nhân cách, đẹp cả tấm lòng.

Với tất cả sự chân thành và nhiệt tâm, mời quý độc giả cùng Đại Kỷ Nguyên bước lên chuyến hành trình tìm lại Việt Nam trong mỗi chúng ta.

Đón xem: VIỆT NAM TRONG TÔI

***

Hồ Tây đi vào lòng người bằng vẻ đẹp của một hồ nước trong xanh, ven bờ liễu phủ lãng đãng sương mờ. Nhưng Hồ Tây cũng ở mãi trong trái tim những người yêu Hà Nội bởi một lẽ khác. Đây gần như là nơi duy nhất còn lưu giữ được những lớp trầm tích văn hoá được kiến tạo hàng nghìn năm trước của xứ kinh kỳ. Để một lần chạm cho tới những lớp trầm tích ấy, hãy cùng trở về thăm làng cổ Nghi Tàm, ngôi làng ẩn mình sâu trong phố, bên cạnh cái lóng lánh của sông nước Hồ Tây. 

“Làng trong phố” là cụm từ mà bất cứ ai nhắc đến làng Nghi Tàm, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội thường nói tới. Từ chùa Trấn Quốc, nhìn theo ven Hồ Tây, qua phố yên Phụ, nằm ngay mép nước Tây Hồ, Nghi Tàm được xem là ngôi làng cổ đẹp nhất đất kinh kỳ, báu vật còn sót lại của Thăng Long xưa. Những công trình kiến trúc đình chùa, cùng với cảnh quan thi vị đã tạo cho làng cổ một không gian thanh bình, ấm cúng, một nét đẹp rất riêng trong văn hoá chốn kinh kỳ.

“Bến trúc Nghi Tàm
Rừng bàng Yên Thái”

“Tây Hồ bát cảnh” của Lê Vĩnh Hựu

Hồ Tây là nơi lưu giữ nhiều lớp trầm tích văn hóa quý báu của đất kinh kỳ (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Khi Hồ Tây được tách ra bởi dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, bắt đầu kiến tạo mạch nước trong xanh, làng cổ Nghi Tàm cũng được khởi lập. Thuở sơ khai, vùng quê này có tên “Tầm Tang” gắn với tích công chúa Từ Hoa. Tương truyền, Làng Nghi Tàm được hình thành từ năm 1138, đời vua Lý Thần Tông với tên khai sinh là trại Tầm Tang. Cái tên trại do chính nhà vua đặt. Trại Tầm Tang gắn với tích công chúa Từ Hoa, con vua Lý Thần Tông rời cung về nơi này dạy dân trồng dâu, nuôi tằm tạo nên một vùng đất nổi tiếng của kinh thành Thăng Long về nghề tơ tằm.

Đến thời Trần, trại đổi tên là phường Tích Ma. Sang đến thời Lê, phường Tích Ma đổi tên thành Nghi Tầm. Thời Hậu Lê, tiểu thư Quỳnh Hoa cùng chồng là Liễu Nghị, Tri phủ Phụng Thiên về ở đây, đã khôi phục lại nghề tằm bị mai một, đưa cung nữ ra cùng dân chăn tằm kéo tơ dệt lụa khổ nhỏ. Sau do trùng với tích bà Từ Hoa công chúa rời cung về dạy nghề cho dân làng nên đổi lại thành Nghi Tàm.  

Nghi Tàm vốn là đất cổ, cũng nổi danh với hai di tích chùa Kim Liên và đình Nghi Tàm được xây dựng gắn với sự hình thành và phát triển của đất Thăng Long.

Chùa Kim Liên, bông sen vàng duyên dáng, âm thầm tỏa sắc hương giữa sóng nước Tây Hồ (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Chùa Kim Liên được xây dựng cuối thời Trần, trên nền cũ của cung Từ Hoa, công chúa thời Lý, đến thời vua Lê Nhân Tông, chùa được xây dựng lại và đổi tên là Đại Bi. Năm 1736, chúa Trịnh Sâm sai các quan đem gỗ từ chùa Bảo Lâm sang trùng tu và đổi tên là Kim Liên Tự (Bông sen vàng).

Chùa kiến trúc theo hình chữ tam, ba ngôi trung, thượng, hạ kết nối với nhau, mô phỏng kiến trúc chùa Tây Phương. Cả ba nếp chùa đều xây tám mái với tám đao cong vút, uyển chuyển, lợp ngói mũi hài. Toà chính của chùa có năm gian với cửa bức bàn; hai đầu hồi trang trí vòng âm dương thể hiện quan niệm sắc sắc – không không của Đạo Phật.

Chùa Kim Liên có kiến trúc rất đặc trưng, thoạt nhìn rất đơn giản, nhưng mỗi chi tiết ẩn chứa nét đẹp duyên dáng, cầu kì, tỉ mỉ và tinh tế (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)
Mái đao cong vút tại chùa, mái chùa được lợp bằng ngói mũi hài (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)
Thanh thoát và duyên dáng là nét tiêu biểu của kiến trúc chùa Kim Liên (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)
Các đường nét trạm trổ trong chùa đều rất mềm mại, mang đậm sự ảnh hưởng của yếu tố “Thủy” (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Tam quan chùa là công trình nghệ thuật kiến trúc độc đáo, dài 7m, kết cấu theo kiểu chồng diêm, hai tầng tám mái đặt trên một hàng bốn cột kê chân là các tảng đá được chạm khắc hình cánh sen. Ba cửa ra vào được chạm trổ rất tinh tế hình hoa cúc, trúc.

Một góc chùa gợi nhắc rừng trúc xưa (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Đến nay, chùa còn lưu giữ được các bia đá, trong đó tấm bia cổ nhất dựng năm Thái Hoà nguyên niên (1443). Chùa có 47 pho tượng được tạc thời Lê, Tây Sơn và thời Nguyễn, trong đó có 35 pho tượng Phật, mỗi pho biểu hiện nét sống động với nét đặc trưng riêng. Tại chùa Thượng, tượng truyền công chúa Từ Hoa mặc áo trắng và Quỳnh Hoa mặc áo đỏ được tôn là Bà chúa nghề tằm.

Trước kia, làng Nghi Tàm chia thành ba xóm: Xóm Chùa, xóm Trên, xóm Cái. Làng nổi tiếng khắp vùng về thắng cảnh đẹp. Nghi Tàm cũng là quê hương của Bà Huyện Thanh Quan, tác giả của những bài thơ hoài cổ nổi tiếng. Ngày nay, ở Nghi Tàm còn một bia đá được cho là bia ghi danh Bà Huyện Thanh Quan hiện đang được lưu giữ tại một gia đình thuộc dòng họ. Nghi Tàm xưa, luôn được xem là một thắng cảnh, nơi ẩn chứa rất nhiều dấu tích lịch sử, lịch sử của các vương triều, lịch sử phát triển của các cộng đồng cư dân,..

Trải qua bao đổi thay của lịch sử, làng cổ Nghi Tàm ngày nay như một bán đảo lớn của Hồ Tây, nghề tơ tằm lùi vào trong sử sách. Nhưng nhờ mạch nguồn hưng thịnh của Hồ Tây, nghề trồng hoa ở Nghi Tàm được hình thành và phát triển cho tới ngày nay. Theo sử sách, đồng hoa xưa kéo dài từ đất Nghi Tàm đến phường Yên Hoa (Yên Phụ). Nghề trồng hoa cảnh của Nghi Tàm có truyền thống lâu đời.

Nghề trồng hoa được du nhập vào Nghi Tàm từ năm 1928, khi một người làng đi bán cây cho người Trung Quốc tại phố Cát Linh rồi đưa giống về trồng. Những người sành chơi hoa ở Hà Nội đều biết tới hoa cảnh Nghi Tàm với những gốc cổ thụ hoặc các loài hoa quý hiếm.

Sở dĩ hoa ở Nghi Tàm nổi tiếng vì nơi đây được thừa hưởng vùng thổ nhưỡng tốt nhất nên hoa ở đây có những đặc tính nổi trội mà không vùng nào khác có được. Những cây hoa khoe sắc đã góp phần tôn thêm vẻ đẹp, sự lãng mạn cho Hồ Tây, khiến nơi đây luôn là thắng cảnh thưởng ngoạn của các bậc vua chúa xưa kia.

Hồ Tây đã từng là nơi dừng chân vãn cảnh của các vị vua, là hòn ngọc rất được yêu mến (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Tuy gọi là làng nghề, nhưng hiếm có làng nghề nào lại có thú chơi hoa tao nhã như Nghi Tàm. Không trồng hoa thành thửa, thành ruộng mà người dân nơi đây làm tiểu cảnh sân vườn ngay trong khuôn viên nhà ở. Một phần để mưu sinh nhưng phần lớn để thưởng thức. Không rực rỡ như đào Nhật Tân, hồng Quảng Bá hay ly Tây Tựu nhưng những vườn hoa Nghi Tàm cũng đủ vươn sắc làm say lòng người dân Hà Nội.

“Vua thì chơi lan
Quan thì chơi trà”

Bao đời nay, người làng Nghi Tàm vẫn tự hào chỉ những bậc vua chúa, quan lại sành sỏi mới thưởng thức hết vẻ đẹp thanh tao của hoa Nghi Tàm, Lan có Hoàng Vũ – Thanh Trường, Trà có Trà Lựu, Trà Phấn Hồng. Con cháu Nghi Tàm vẫn nhớ lời căn dặn xưa của ông cha: “Nếu muốn trồng lan đẹp phải lấy bùn Hồ Tây lên và phơi khô, sau đó chặt ra đem bỏ lên chậu lan”. Thế nên, hoa Nghi Tàm luôn nổi tiếng gần xa với những loài hoa chỉ nơi đây mới có.

Hồ Tây là mạch nguồn phồn thịnh của kinh đô (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Mạch nguồn phồn thịnh của Hồ Tây, không đơn thuần là những giá trị vật chất hiện hữu trong đời sống mà ý nghĩa hơn nó đã trở thành một nét văn hoá rất riêng chỉ người Nghi Tàm mới có. Bao đời nay, nước Hồ Tây không chỉ là mạch nguồn của sự sống, mà đã đi vào tín ngưỡng, tâm linh của người dân Nghi Tàm như một lẽ tất yếu.

Hồ Tây là mạch nguồn sự sống, đã đi vào đời sống tâm linh người Hà Nội như một lẽ tất nhiên (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Nước cho họ trồng lúa, trồng hoa, nước mang lại cho họ những giá trị văn hoá thiêng liêng để tạo nên cốt cách rất riêng của người Hà Thành. Với họ, nước là biểu tượng tối cao của tâm linh và sự sống, thời gian trôi qua, những giá trị truyền thống ít nhiều biến đổi nhưng làng Nghi Tàm vẫn còn đó một ngôi đình cổ với lễ hội rước nước độc đáo chốn kinh kỳ.

Duyên dáng, thanh cao là nét đẹp của tất cả những điều đẹp đẽ được sản sinh từ viên ngọc quý Hồ Tây (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Không có cây đa, bến nước, sân đình như nhiều làng quê khác, ở làng cổ Nghi Tàm người ta bắt gặp dấu tích của một làng cổ truyền thống, chủ yếu được lưu giữ bằng lối sống, lễ giáo trong những gia đình. Giữa nhịp sống hiện đại, làng cổ Nghi Tàm vẫn trầm mặc, yên ả giữa lòng Hà Nội sầm uất. Đến với Nghi Tàm, bỏ lại phía sau những bộn bề, hối hả lo toan của cuộc sống, một thế giới thanh bình mộc mạc mở ra, những bức tường gạch phủ bóng rêu phong, những con người bình dị trong ngôi làng cổ ấy, sẽ khiến bất cứ ai đã từng một lần đến đây nhớ mãi không quên.

Tâm Liên

Exit mobile version