Đại Kỷ Nguyên

Từ một ‘sư tử Hà Đông’, người vợ bỗng ngoan ngoãn nghe lời chồng sau khi biết được lý do anh ‘sợ’ vợ

Ở cả vùng này, ai cũng gọi cô là bà vợ “sư tử Hà Đông”. Cô quản chồng từ những cái nhỏ nhất, không cho anh giao du với người này người kia, hễ anh về nhà muộn một chút là cô nổi đoá lên, kêu khóc, giận dữ. Chồng cô chưa bao giờ to tiếng với vợ, kể cả khi cô vô lý cỡ nào. 

Chồng đang ngồi uống cafe, vợ gọi một cuộc điện thoại, chồng lập tức đứng dậy đi về ngay tức khắc. Chồng đang uống rượu với bạn, vợ kéo tai là theo vợ về nhà. Có khi chồng đang dở tay bận việc, vợ gọi điện nhà hết nước mắm nói chồng chạy ra chợ mua về cho vợ đang nấu ăn, chồng vẫn vui vẻ làm theo không hề có một tiếng phàn nàn. 

Có người châm chọc, nói với anh: “Đàn bà như trẻ con, không dạy dỗ cẩn thận là leo lên đầu lên cổ ngồi như bà nội. Anh là đàn ông mà sao nhu nhược quá vậy. Đến cả cái việc bé tẹo cũng để vợ quản thúc!” Anh mỉm cười cho qua, không nói gì. 

Người bạn thân cũng nổi cáu: “Chắc kiếp trước mày làm hoà thượng chưa bao giờ nhìn thấy đàn bà! Không ai sợ vợ giống mày, có thằng bạn như mày thật là xấu hổ…” Anh cười trừ: “Sợ vợ chứ sợ ai đâu mà xấu hổ”.

Chồng cô chưa bao giờ to tiếng với vợ, kể cả khi cô vô lý cỡ nào (ảnh minh hoạ: movies.hdviet).

Vợ quản được chồng thì rất đắc ý, lúc nào cũng tự hào với những cô vợ hàng xóm. Cứ thế, được đằng chân lân đằng đầu, vợ bắt đầu ngày càng lắm yêu sách, rồi cô lấn sân cả mẹ chồng. Dần dà, ngay cả mẹ chồng cô cũng không nể mặt, thường tỏ thái độ mặt nặng mày nhẹ với bà. Một ngày nọ, vợ thủ thỉ với chồng, ra điều nói xấu mẹ chồng không phải với mình. Chồng buồn buồn, rồi thở dài:

– Em biết vì sao anh luôn chiều theo ý em không? Vì mẹ anh đấy. Cả đời mẹ khổ sở vì ba thô bạo, cứ có điều gì không hài lòng là câu trước câu sau ông liền đánh mẹ. Nhiều lần, mẹ anh bị ba đánh đến nỗi bầm tím cả mặt, gãy cả ghế, nhưng mẹ vì anh mà nhịn ba cả đời. Từ nhỏ mẹ đã dạy anh sau này nhất định phải đối xử tốt với vợ, và anh đã tự thề với lòng mình, lấy vợ sẽ không làm vợ đau một đầu ngón tay. Không phải anh sợ em, mà vì anh không quên được lời mẹ: Đàn bà sinh ra là để đàn ông yêu thương.

Vợ bắt đầu rơm rớm nước mắt. Cô bỗng thấy thương mẹ và chồng. Cô tự nhủ từ giờ trở đi, nhất định phải đối xử với nhà chồng thật chu đáo, trở thành vợ hiền dâu thảo.

Vợ không phải là trẻ con để dạy dỗ. Cứ làm đàn ông tốt thì ắt sẽ có vợ hiền (ảnh minh hoạ: bldaily.com).

Sau này, chồng uống rượu cà kê với bạn, vợ không gọi điện giục, cũng không đến nắm tai kéo đi, còn bưng nước cho chồng uống. Bạn bè đến nhà nhậu, vợ vui vẻ phục vụ, chạy đi mua cái này cái kia về để chồng cùng bạn bè nhâm nhi.

Bạn bè và hàng xóm thấy vợ thay đổi vô cùng ngạc nhiên. Có người hỏi anh chồng:

– Sao tự nhiên vợ mày thay đổi tính nết 100% thế? Mày dùng cách gì “dạy dỗ” vậy?

Chồng nghiêm túc trả lời:

– Vợ không phải là trẻ con để dạy dỗ. Cứ làm đàn ông tốt thì ắt sẽ có vợ hiền.

Bạn đang đọc bài viết: “Từ một ‘sư tử Hà Đông’, người vợ bỗng ngoan ngoãn nghe lời chồng sau khi biết được lý do anh ‘sợ’ vợ” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

Exit mobile version