Đại Kỷ Nguyên

Triển lãm cơ thể người: Người chết không thể lên tiếng, người sống xin đừng vô tâm

Những cuộc tranh cãi nảy lửa trong mấy ngày qua xoay quanh cuộc triển lãm cơ thể người được nhựa hóa khiến những người bàng quan nhất cũng phải lên tiếng bày tỏ ý kiến. Rất nhiều những luận điểm đã được đưa ra từ cả bên ủng hộ lẫn phản đối, nhưng vẫn còn một vài mảnh vỡ thiếu sót của câu chuyện mà không nhiều người thấu hiểu.

Khi còn là một đứa trẻ, tôi đã từng trải nghiệm sự đau khổ khi ở bên những người thân trong giây phút cuối đời, họ là những người tôi dành nhiều tình cảm nhất và là điểm tựa để những đứa trẻ như tôi nương nhờ khi còn thơ bé. Họ nằm đó, cạn kiệt sức sống, nhưng tâm hồn vẫn mãi hướng về chúng tôi, lo lắng cho người thân của họ, dặn dò mọi điều và… nhắm mắt trong an yên.

Trớ trêu thay, phía sau một khoảnh khắc vụt qua trong đời người lại phản ánh sự mong manh của số phận. Những người ở lại như chúng ta, không chỉ có trách nhiệm tiếp tục sống cho chính mình, mà còn cho những người đã ra đi, và cả những người sắp đến. Tôi chợt nhận ra rằng, phẩm cách của một con người phải được lưu giữ trọn vẹn không chỉ ở lúc họ đang sống, mà còn là khi họ đã nhắm mắt. Khi những người còn sống dành trọn yêu thương và tôn trọng cho người đã khuất, đó chính là cách tốt nhất để họ ra đi thanh thản.

Ấy thế nhưng, cuộc triển lãm cơ thể người đã chà đạp không thương tiếc ý nghĩa thiêng liêng đó bằng cách thu tiền người đến xem và giao giảng những lợi ích khoa học và giáo dục mơ hồ. Người ta bước vào cuộc triển lãm phần đông với ánh mắt tò mò đầy hiếu kỳ trước những vật mẫu nhiều hình dạng ghê rợn. Chỗ này một người phụ nữ bị lột da bổ đôi người, chỗ kia một bà mẹ bị rạch bụng cùng thai nhi. Họ nằm đó lạnh lẽo như trong một lò mổ, để ánh mắt người đời nhìn chằm chằm thân xác bị nhựa hóa của mình.

Nếu có thể lên tiếng, những người đã khuất ấy sẽ nói gì?

Khoa học cũng phải đi kèm với đạo đức

Triển lãm cơ thể người nhựa hóa sở dĩ sẵn sàng đi ngược các giá trị đạo đức bởi chúng được chống đỡ bởi một lý do rất vô minh: Cống hiến vì khoa học… Tạm chưa nói đến những luận điểm ở tầm vĩ mô, hãy để ý đến những chi tiết nho nhỏ như thế này.

Người sáng lập triển lãm Von Hagens không tôn trọng người đã khuất khi để họ ở trong những tư thế dâm dục (Ảnh: Picsunday.com)

Những người làm khoa học, đặc biệt trong ngành y học hẳn đã nghe đến tên một buổi lễ: Macchabée – Tri ân những người hiến xác. Một nghi lễ bắt nguồn tư phương Tây với mục tiêu tri ân những người hiến thi thể của mình cho khoa học. Khi ngành Giải Phẫu học phát triển mạnh mẽ và phân tích xác người trở thành điều bắt buộc trong các trường Đại học Y, những người trực tiếp thực hiện công việc giải phẫu đã xây dựng một buổi lễ để tạ ơn những con người đã hiến thân cho khoa học sau khi họ nhắm mắt.

Ở Việt Nam buổi lễ này vẫn diễn ra hàng năm tại một số trường đại học Y, và những sinh viên tham gia buổi lễ đều đến đây với lòng biết ơn và sự kính trọng những thi thể mà họ phải thực hành hàng ngày, họ kết hoa, viết lời cầu nguyện, thắp hương cho người đã khuất. Những hành động đó thật khiến lòng người cảm động. Có thể nói, dù ở phương Đông hay phương Tây, người ta vẫn luôn phải kính trọng những người đã khuất, không chỉ vì tín ngưỡng tâm linh, đó còn là lòng trắc ẩn và sự biết ơn khi những con người đó đã dành cả thân xác của mình để cứu nhiều hơn những người đang còn sống.

Nhìn lại cuộc triển lãm cơ thể người diễn ra trên khắp thế giới, ở một số nơi, người ta có những phòng trưng bày riêng cho nhưng thi thể đang trong tư thế dâm loạn, tiêu biểu có thể kể đến buổi triển lãm Body Worlds. Liệu những người đã khuất có sẵn sàng ký giấy xác nhận cho ban tổ chức làm vậy với thân xác của mình không?

Thi thể nhựa hóa của người phụ nữ trong thai kỳ thứ tám với một thai nhi cuộn tròn trong bụng bị mổ phanh. (Ảnh: Pinterest)

Và ngay tại TP.HCM, thi thể của người phụ nữ đang mang thai đứa con của mình cũng được trưng bày rất đường hoàng để người khác đến xem. Hãy cùng đặt một câu hỏi: Liệu có người phụ nữ nào sẵn sàng ký giấy hiến xác cho một buổi triển lãm cơ thể người mà ở đó thân thể mình và con mình bị nhựa hóa và đem ra trình diễn cho những người không phải nhà khoa học đến xem thỏa trí tò mò? Huống hồ trẻ em và phụ nữ là những người đáng được nâng niu trong xã hội, họ có nên bị đối xử như vậy?

Ai mới thật sự được lợi?

Đối với một triển lãm cơ thể người như thế này, ai mới thực sự là người được lợi? Những người đến xem bao nhiêu phần trăm cảm thấy hứng thú, bao nhiêu người cảm thấy ghê sợ, bao nhiêu người thực sự thay đổi hành vi sinh hoạt sau khi tham gia triển lãm và bao nhiêu người vẫn sẽ ám ảnh mãi không thôi với những tư thế dung tục hoặc ma mị mà nhà tổ chức tạo ra?

Báo Dân Trí viết: “Đa phần khách khi đến dự triển lãm đều cảm thấy sợ hãi, rùng rợn và ám ảnh. Những bộ phận của cơ thể con người cho đến những thai nhi và cả những phụ nữ đang mang thai được trưng bày công khai khiến người xem vừa thương cảm, vừa sợ hãi khi nhìn thấy”.

Ngoài ra, có một nguy cơ tiềm tàng hơn nữa đang hiện tiền trong những người tham gia buổi triển lãm, cũng như những người tham gia ủng hộ nó trên Internet: Đó là sự mơ hồ về ranh giới của đạo đức và phi đạo đức trong nhiều lập luận. Rất có thể trong tương lai, nếu những buổi triển lãm như thế vẫn tiếp tục diễn ra, sự mơ hồ ấy sẽ xóa dần đi cảm giác của người ta về những giá trị thiện lương và tốt đẹp, mài mòn lòng trắc ẩn và cả sự bao dung. Con người sẽ dễ dàng vô cảm trước nỗi đau thân xác của người khác, và coi nhẹ tình yêu thương đồng loại, điều mà cả xã hội chúng ta vốn đã nhức nhối bấy lâu nay.

Những buổi triển lãm có thể dùng một cách khác nhân văn hơn để phục vụ khoa học và giáo dục (Ảnh: Diendancongnghethucteao)

Với công nghệ mô phỏng, in 3D và thực tế ảo hiện nay, người ta hoàn toàn có thể xây dựng một cuộc triển lãm như thế, nhân văn và có tính giáo dục thực sự mà không phải đánh đổi bằng xác của một người thật. Ở đó người ta còn có thể đi sâu vào từng bộ phận, có thể tách nhỏ, và nghiên cứu một cách trực quan. Trong khi điều đó là không thể đối với những thi thể bị nhựa hóa cứng nhắc kia.

Còn một vấn đề chưa kể đến chính là nguồn gốc bất minh của những xác người bị đem ra nhựa hóa. Nhiều bằng chứng cho thấy, những xác người cho cuộc triển lãm đến từ các tù nhân lương tâm, người vô gia cư, hoặc người nghèo. Và dù có là sự hiến tặng tự nguyện, thì một nguyên tắc bất di bất dịch được cộng đồng quốc tế công nhận trong việc hiến tặng thân xác, chính là mục đích phi lợi nhuận.

Nhưng buổi triển lãm cơ thể người như thế này lại được thương mại hóa quá dễ dàng, những người đến xem triển lãm đều phải trả một khoản phí nhất định. Cho đến nay, sau những buổi triển lãm khắp thế giới trong 20 năm qua, người ta ước đoán rằng Von Hagens, người phát triển công nghệ nhựa hóa và sáng lập buổi triển lãm xác người này đã có trong tay hàng trăm triệu thậm chí là hàng tỷ đô tiền lợi nhuận nhờ vào thân xác người đã khuất.

Người sống xin đừng vô tâm

Những người biểu tình trước cửa một buổi triển lãm cơ thể người (Ảnh: Trithuc.net)

Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ khi những điều tồi tệ đang diễn ra ngay cạnh mình. Những người đến xem, bỏ tiền để có được trải nghiệm ghê rợn đó chắc chắn cũng không vui vẻ gì nếu biết về sự mờ ám của những thi thể họ ngắm nghía. Rất có thể, phía sau những mảnh cơ bị nhựa hóa là một câu chuyện thương tâm về cái chết bất minh. Rất có thể những người thân của người đã khuất vẫn đang tìm kiếm tung tích thân nhân của họ. Và rất có thể… những người đến xem đang tiếp tay cho một tội ác giết người để thu về lợi nhuận chưa từng có trong lịch sử…

Và chúng ta có lý do để lo lắng cho điều đó, bởi vì những người đứng ra tổ chức buổi triển lãm cơ thể người không thể đưa ra bất cứ một bằng chúng nào sáng tỏ để chứng minh sự trong sạch của mình. Danh bất chính thì ngôn bất thuận, đầu tiên họ nói nguồn thi thể là hiến tặng, khi bị báo chí phanh phui thì nói rằng đến từ Chính quyền Trung Quốc, và cuối cùng họ vẫn phải thừa nhận rằng không thể kiểm soát được nguồn gốc các thi thể.

Bản thân Von Hagens cũng đang dần gánh chịu những nghiệp báo do mình gây ra. Theo trang Independent đưa tin vào năm 2015, người sáng lập buổi triển lãm này mắc phải bệnh Parkinson và nó khiến ông ta nói chuyện rất khó khăn. Hơn nữa, nguy cơ phá sản đang hiện tiền trước mắt người đàn ông bị báo chí phương tây coi là “bác sĩ chết chóc” này. Ông dự đình xây dựng một nhà máy xử lý xác và viện giải phẫu với mục tiêu trở thành khu phức hợp triển lãm cơ thể người lớn nhất thế giới tại Guben, Đức. Nhưng bởi tình trạng bệnh tật khiến Von Hagens không thể điều hành nổi dự án tham vọng mà ông ta đã đổ rất nhiều tiền vào đó. 

Cái ác không chỉ đáng sợ vì những kẻ hành ác, nó còn đáng sợ vì sự im lặng và ủng hộ trong vô minh của chính chúng ta. Khi mà ở nhiều nơi, những con người lương tri đều lên án buổi triển lãm cơ thể người này, chúng ta cần thực sự làm một điều gì đó có ý nghĩa để chấm dứt nó một lần và mãi mãi cho những người đã ra đi, và cả những người còn sắp đến…

Trọng Đạt

Exit mobile version