Đại Kỷ Nguyên

Tình thương kiệm lời

Ảnh: flickr.

Chưa bao giờ tôi thấy có lỗi nhiều đến thế khi đã để những tủi hờn, oán hận về cha kéo dài. Tôi đã không biết cố gắng để cảm thông và tìm hiểu về cha.

Nhiều cô gái khi được hỏi “Mong muốn chồng mình sau này sẽ như thế nào?”, họ thường tự hào nói: “Muốn cưới được người giống như cha mình!”. Nhưng với tôi, từng có thời gian dài, việc mong ước gặp được người đàn ông mang hình mẫu như cha lại không hề có.

Cha tôi là người trầm lặng, khá kiệm lời, đã thế, cha lại là bộ đội, vắng nhà triền miên. Khi chị gái, anh trai rồi tôi chào đời, cha đều không có mặt. Mỗi dịp cha về, đó luôn là thời điểm không hề dễ chịu. Cha không gần gũi, hỏi han chúng tôi. Cha không ân cần quan tâm đến mẹ. Nếu có phải cất lời, cha nói y như ra lệnh. Nếp sống gia đình xáo trộn. Mọi người lặng lẽ, gượng gạo bên nhau. Có lần, khi cha vừa đeo ba lô trở lại đơn vị, tôi nói như thở phào: “Chỉ khi cha đi rồi thì nhà mình mới có tiếng cười được!”. Mẹ nghiêm mặt, ý nhắc tôi không được hỗn thế.

18 tuổi, tôi bắt đầu biết yêu. Trong khi tôi tràn đầy những kỳ vọng về sự thủy chung, tin cậy từ phía đàn ông thì cũng là lúc biết được sự thật, trong tim cha luôn có bóng hình một người đàn bà khác. Kể từ đó, tôi càng thương mẹ nhiều hơn. Tôi đã không đừng được việc gieo rắc những ý nghĩ tiêu cực, nghi ngờ về đàn ông. Mối tình đầu tan vỡ nhanh chóng. Tôi cũng ngấm ngầm hờn trách cha nhiều hơn.

Năm 22 tuổi, tôi nhận bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi mà không cần báo tin vui cho cha biết. Năm 24 tuổi, tôi khủng hoảng trầm trọng trong công việc mà không hề nghĩ đến chuyện gọi điện cho cha để tìm sự sẻ chia. Mẹ ốm, anh trai và chị gái đều ở xa, tôi tất tưởi xoay sở một mình, không hề có ý nghĩ sẽ gọi cha về để chung sức chăm sóc mẹ. Năm tôi 28 tuổi, cha kết thúc đời quân ngũ, trở về. Lúc này, mỗi khi gọi điện về nhà, nếu cha nhấc máy, bao giờ tôi cũng chỉ nói duy nhất một câu: “Mẹ đâu ạ, cho con gặp mẹ với!”. Năm tôi 30 tuổi, mẹ ốm nặng rồi vĩnh viễn ra đi. Trong căn nhà xưa cũ, chỉ mình cha ở lại. Tôi ít gọi điện, ít về nhà…

***

Năm nay, tôi 34 tuổi. Sau khi đã trải qua nhiều va vấp, nhọc nhằn, tôi đã may mắn tìm được sự bình an với công việc ổn định cùng một người đàn ông hiền lành, tốt tính. Ngày đứa con đầu lòng của tôi tròn 2 tuổi, tôi bất ngờ nhận được tin báo cha bị ốm. Trở về, tôi đưa cha nhập viện ngay. Khi bác sĩ yêu cầu một số giấy tờ tùy thân để hoàn tất hồ sơ bệnh án, phải ngần ngừ mãi cha mới đưa tôi chiếc chìa khóa: “Về mở hòm gỗ ra, cha để tất cả trong đó”.

Tối ấy, ngay khi nắp chiếc hòm của riêng cha được mở ra, tôi ngạc nhiên vô cùng. Trong đó có đến gần 20 quyển sổ nhật ký. Cha xếp chúng ngăn nắp theo trình tự ngày tháng ở ngoài bìa. Nhiều trang viết đã ố màu thời gian. Tò mò, tôi đọc chúng. Rồi suốt đêm ấy, tôi không hề buông lơi từng trang…

Người cha trầm lặng, xa lạ, kiệm lời mà tôi biết đã dồn tất cả những gì gọi là cuộc sống quanh mình vào vô vàn con chữ. Ở đấy có sự giằng xé, đau khổ khi buộc phải lựa chọn giữa tình và hiếu vào ngày nội ép buộc cha phải lấy mẹ. Ở đó có tình cảm tha thiết, chân thành không thể phai nhạt dành cho mối tình đầu. Ở đó chứa chất những trang viết về người vợ mang theo bao nghĩ suy về nghĩa vụ, trách nhiệm hòa trộn niềm biết ơn, day dứt. Ở đó là những cồn cào, lo lắng, mong nhớ về ngày các con chào đời mà cha không thể xin nghỉ để về. Ở đó có lời trách móc, lên án bản thân khi vào những đợt nghỉ phép về nhà, mong muốn được thể hiện tình cảm, được ôm các con vào lòng mà cha không sao làm được. Ở đó, cha thường tự trách tính kiệm lời, lạnh nhạt bề ngoài của mình. Ở đó ghi tỉ mỉ về niềm tự hào, lo lắng vào đúng những ngày, những sự kiện trọng đại mà tôi và anh, chị em mình đã trải qua. Ở đó có cả những buồn đau, sự cô đơn của tuổi già…

***

Trang nhật ký cuối cùng đã gấp lại. Tôi lặng lẽ khóc. Giờ đây, tuy muộn màng nhưng tôi tin mình đủ sáng suốt để thừa nhận rằng, trong thẳm sâu trái tim vẫn luôn khao khát hiểu được tình yêu của cha và cũng luôn mong có cơ hội để làm lại, để cha biết là con cũng cần, cũng yêu và thương cha nhiều lắm!

Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.

Video xem thêm: Hành trình người cha chữa bệnh suy giảm tiểu cầu vô căn cho con gái

Exit mobile version