Đại Kỷ Nguyên

Sự hy sinh thầm lặng của người chồng một mình thoát thân, bỏ mặc vợ trên chiếc thuyền bị đắm

Có những lúc bạn nghĩ bản thân đã hiểu sâu sắc một vấn đề hoặc một người nào đó khi chứng kiến hành động của họ. Tuy nhiên, hãy một lần đọc câu chuyện dưới đây để cảm thấy cuộc sống rất kỳ diệu, chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa mà chỉ với sự bao dung và trái tim chân thành chúng ta mới hiểu được hết

Tại một ngôi trường trung học nhỏ bé, khi tiếng chuông vào học vừa vang lên, đám học sinh đã nhanh chóng ùa vào lớp, ngồi nghiêm chỉnh ngay ngắn trên ghế, chuẩn bị cho một giờ học mới. Hôm nay, khác với những ngày bình thường khác, cô giáo bắt đầu bài giảng bằng cách kể một câu chuyện cho cả lớp nghe.

Giọng cô chầm chậm: “Vào một ngày, có một con thuyền chở rất nhiều người đang thong dong giữa đại dương mênh mông thì đột nhiên gặp phải một tai nạn nghiêm trọng. Ngay lập tức, nước tràn vào khiến con thuyền chìm dần… Mọi hành khách đều vô cùng hốt hoảng khi thấy chỉ có duy nhất một chiếc xuồng cứu hộ. Họ nhanh chóng di tản về phía chiếc xuồng nhằm giữ lấy cơ hội sống của mình. Một cặp vợ chồng cũng không ngoại lệ, họ hối hả chạy về phía xuồng với hy vọng được cứu thoát, nhưng thật không may, chiếc xuồng chỉ có thể chở thêm một người nữa. Vào giây phút cấp bách và đầy sợ hãi ấy, người chồng đã nhanh chóng đẩy người vợ về phía sau rồi một mình chạy về phía chiếc xuồng. Người vợ lúc đó đứng trên boong tàu đang từ từ chìm xuống, nhìn chồng mình rồi hét lên một câu duy nhất, còn người chồng thì vẫn tiếp tục chạy…”

Kể đến đây, cô giáo đột nhiên dừng lại và hỏi cả lớp: “Các em nghĩ người vợ đã nói gì với chồng mình?”

Phần lớn học sinh đều đồng thanh đáp rằng: “Tôi hận anh!”

Cô giáo không nói gì, nhìn khắp lớp một lượt rồi bỗng nhiên nhận ra một em học sinh nam đang ngồi im lặng mà không hề đưa ra câu trả lời. Cô nhẹ nhàng hỏi xem em nghĩ gì về câu nói của người vợ trong khoảnh khắc cuối cùng ấy.

Em đáp: “Thưa cô, em nghĩ rằng cô ấy đã thanh thản nói với chồng: ‘Anh ơi, hãy chăm sóc tốt cho con của chúng ta’.”

Câu trả lời của cậu bé khiến cô giáo hết sức ngạc nhiên, cô vội vàng hỏi em: “Em đã đọc câu chuyện này ở đâu rồi sao?”

Cậu bé lắc đầu trả lời: “Thưa cô, em chưa đọc, nhưng đó là lời mẹ em đã nói với cha em trước khi mẹ qua đời vì bệnh hiểm nghèo…”

Cô giáo xúc động nghẹn ngào nhìn cậu bé nói: “Em trả lời đúng rồi.”, rồi cô tiếp tục kể nốt phần còn lại của câu chuyện cho bọn trẻ:

“Con thuyền sau đó chìm xuống biển và người vợ đã không thể sống sót… Người chồng thoát nạn, trở về nhà một mình và sống cảnh gà trống nuôi con, yêu thương chăm lo cô con gái duy nhất. Nhiều năm sau, người cha qua đời…

Một hôm, trong lúc dọn dẹp đồ đạc của ông, cô con gái đã tìm thấy cuốn nhật ký ông để lại. Cô xúc động mở cuốn nhật ký ấy ra, và đọc từng dòng tâm sự chân thành của ông về những năm tháng cha mẹ cô đồng cam cộng khổ. Cô không nén nổi những giọt nước mắt… Rồi mắt cô dán chặt vào những dòng chữ ông viết vào ngày mẹ cô mất, cô lặng người, òa khóc khi hiểu ra sự thật. Thời điểm cha mẹ cô ở trên tàu, mẹ cô đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Trong giờ phút nguy hiểm đó, cha cô nhanh chóng bám lấy cơ hội sống sót cuối cùng nên đã xuống chiếc xuồng cứu hộ mà bỏ mẹ cô lại một mình. Ông còn viết rằng lúc đó ông ước mình có thể nắm tay vợ cùng con thuyền đó chìm xuống đáy biển nhưng vì con gái, ông cần phải sống…”

Cả lớp im lặng khi cô giáo kết thúc câu chuyện, các em đã hiểu ra một bài học ý nghĩa nhân sinh sâu sắc…

Như một phản xạ tự nhiên, ai cũng đánh giá người chồng trong câu chuyện trên thật ích kỷ khi nắm lấy cơ hội sống cuối cùng và bỏ lại vợ trên tàu. Thế nhưng đằng sau hành động tưởng chừng xấu xa ấy lại là đức hy sinh và tình thương yêu sâu sắc. Ông biết vợ mình không còn sống được lâu nữa nên đã không để bà lên xuồng, mà một mình ở lại gánh trách nhiệm nuôi nấng đứa con gái. Và có lẽ ông cũng hiểu rằng cái chết đôi khi không phải là điều đau đớn nhất, chứng kiến người mình yêu thương ra đi và một mình đối diện với thế giới này mới là nỗi buồn khó có thể nguôi ngoai. Ông đã không muốn vợ mình lâm vào tình cảnh như vậy…

Sống trong xã hội mà mọi thứ đều vội vã như hiện nay thì ranh giới giữa sự cảm thông và dè bỉu, giữa sự thấu hiểu và phán xét càng trở nên mong manh hơn. Vì vậy, chúng ta cũng không nên chỉ dựa vào vẻ bên ngoài mà đánh giá hời hợt một người hay một hành động. Chúng ta nên đối xử với người khác bằng sự rộng lượng, bao dung, và thấu hiểu. Nếu không chúng ta có thể vô tình làm tổn thương họ, gây ra điều ác hay đánh mất những tấm lòng cao thượng mà cuộc đời ban tặng cho ta…

Theo Moralstories

Thủy Linh biên dịch

Xem thêm:

 

Exit mobile version