Nhắc đến Thụy Sĩ, nhiều người liên tưởng ngay đến dãy núi Alps nổi tiếng. Tuy nhiên, bất chấp về diện tích nhỏ bé cũng như nguồn tài nguyên ít ỏi, Thụy Sĩ vẫn là quốc gia có nhiều điểm đáng để các quốc gia khác khâm phục.
Thụy Sĩ là quốc gia ít nguồn tài nguyên thiên nhiên, không có bờ biển và địa hình chủ yếu là đồi núi. Tổng số có hơn 40 dãy núi cao trên 4.000m so với mặt nước biển ở đất nước này, trong đó có dãy Alps kiêu hãnh cao vời vợi. Vào thời Trung Cổ, Thụy Sĩ chỉ là một vùng đất nghèo khó, hẻo lánh được bao bọc bởi các dãy núi, ngăn cách với phần còn lại của châu Âu. Tuy nhiên ngày nay, nhắc đến Thụy Sĩ, người ta có thể nhớ ngay tới đồng hồ cao cấp, trung tâm ngân hàng, phúc lợi xã hội cao và một quốc gia hạnh phúc bậc nhất thế giới. Thụy Sĩ đã làm cách nào để có bước chuyển mình mạnh mẽ như vậy?
1. Không có chiến tranh hơn 200 năm
Thụy Sĩ là nước có truyền thống lịch sử về sự trung lập trong chính trị, và cũng chính vì thế, từ năm 1815 đến nay không có bất kỳ cuộc chiến tranh nào xảy ra ở Thụy Sĩ. Điều này đã tạo nên cuộc sống an toàn đáng ngưỡng mộ tại nơi đây. Đây có lẽ cũng là một phần lý do khiến Thụy Sĩ thu hút nhiều công ty, tổ chức đặt trụ sở chính và hoạt động kinh doanh đem lại nguồn thu khổng lồ cho đất nước.
Bên cạnh đó, Thụy Sĩ được đánh giá là một trong những nước “trong sạch” nhất thế giới. Tình trạng tham nhũng, tham ô cửa quyền gần như không tồn tại, năng lực điều hành của chính phủ cực tốt, môi trường sống trong lành và chất lượng dịch vụ ở mức rất cao.
2. Dân chủ kiểu Thuỵ Sĩ: Người dân có thể thay đổi hiến pháp
Nghe có vẻ khó tin, nhưng đó là sự thật. Theo mô tả của báo Business Insider, Thuỵ Sĩ có một nền dân chủ trực tiếp. Người dân hoàn toàn có thể đề xuất thay đổi hiến pháp (còn gọi là sáng kiến phổ thông – “popular initiatives”). Nếu ý kiến đó khi được đưa ra trưng cầu dân ý và có đa số phiếu đồng ý thì đề xuất đó sẽ trở thành luật.
Theo thông tin của BBC, Thuỵ Sĩ là nước duy nhất ở châu Âu, và có thể trên toàn thế giới, là nơi người dân có quyền biến bất kỳ điều gì thành hiện thực thông qua nền dân chủ trực tiếp.
3. Trả lương toàn dân
Mới đây, Thụy Sĩ tổ chức trưng cầu dân ý việc sẽ trả lương cơ bản cho toàn dân nước này. Theo đó, mỗi người dân Thuỵ Sĩ sẽ được nhận một tấm séc từ chính phủ, bất kể là giàu hay nghèo, già hay trẻ, làm việc cần cù, chăm chỉ hay lười biếng. Cụ thể, mỗi tháng người lớn sẽ được nhận 2.500 franc Thuỵ Sĩ (tương đương 2.400 USD hay hơn 54 triệu đồng), còn trẻ em nhận 625 franc.
Đây quả là con số đáng ngưỡng mộ với hàng trăm quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, khác với dự đoán, theo báo Local của Thuỵ Sĩ, số đông người Thụy Sĩ cho hay vẫn sẽ tiếp tục làm việc và tìm việc ngay cả khi được nhận nguồn trợ cấp, và chỉ 2% người được khảo sát trả lời rằng họ sẽ ngừng làm việc, trong khi 8% nói họ “có thể cân nhắc khả năng này tùy theo hoàn cảnh thực tế”.
4. Sự giàu mạnh về kinh tế
Tại sao người dân Thụy Sĩ lại có vẻ thờ ơ đến chính sách lương toàn dân vô điều kiện mà hàng trăm quốc gia khác còn đang ao ước? Có lẽ bởi họ đang sống trong một quốc gia giàu top 10 thế giới chăng?
Theo thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế vào năm 2014, GDP đầu người của Thụy Sĩ đạt hơn 58.000 USD, nằm trong top 10 các quốc gia có GDP cao nhất thế giới và theo số liệu mới nhất của Cục Hải quan Liên bang Thụy Sĩ, kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt mức cao kỷ lục với tổng giá trị là 208,3 tỷ franc (tương đương với 224 tỷ USD).
Nếu tính theo giá trị, Thụy Sĩ chiếm khoảng một nửa sản lượng sản xuất đồng hồ của toàn thế giới. Giá trung bình của một chiếc đồng hồ xuất khẩu từ Thụy Sĩ năm 2006 là 410 USD. Theo thông tin của Phòng xúc tiến xuất khẩu OSEC, ngành công nghiệp đồng hồ xuất khẩu 95% số sản phẩm.
Các lĩnh vực quan trọng mà hiện nay Thụy Sĩ xuất khẩu đều thuộc về công nghệ vi mô, công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghiệp dược phẩm và kĩ nghệ ngân hàng và bảo hiểm. Ngoài ra, sự phát triển chóng mặt của ngành du lịch, ngân hàng cũng góp phần thúc đẩy nền kinh tế của nước này. Hai trong số những nhân tố quan trọng bậc nhất góp phần làm giàu nền kinh tế của Thụy Sĩ là những sản phẩm được đầu tư chất lượng cao và đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản.
Ngoài ra, Thụy Sĩ còn sản xuất ra loại Pho-mát chất lượng nhất thế giới, được mệnh danh là “vua của các loại pho-mát”. Thụy Sĩ cũng là quê hương của những thương hiệu Socola được yêu thích hàng đầu thế giới như: Lindt, Toplerone, Mika, Cailler… Và điều lạ là, cho dù những sản phẩm này cực kỳ đắt đỏ, khách hàng vẫn sẵn sàng trả tiền bởi “họ sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm chất lượng cao”.
5. Cách sống của người Thụy Sĩ
Có một quy luật đạo đức hết sức đơn giản nhưng luôn đem lại thành công của người Thụy Sĩ, đó là, họ tin rằng nỗ lực và khả năng chuyên môn sẽ đem lại thành quả, còn dục vọng và sự lười biếng là những thói xấu cần tránh xa. Người Thụy Sĩ rất cần cù tiết kiệm, kể cả những người có địa vị cao trong xã hội, chủ các doanh nghiệp lớn, chủ ngân hàng lớn và các quan chức cấp cao trong chính quyền. Bởi vậy mà các nghị sĩ Quốc hội Thụy Sĩ không lĩnh lương, họ phải làm thêm các công việc khác để có thu nhập, họ chỉ được nhận phụ cấp trong thời gian họp Quốc hội.
Con người nơi đây sở hữu lối tư duy của “kẻ sống sót”, một hệ quả của việc sống trong xã hội biệt lập với những ngọn núi vây quanh, đó là tính hoài nghi. Và điều này đã phần nào trở thành nét đặc trưng trong suy nghĩ của người Thụy Sĩ. Steve Jobs từng nói rằng, “chỉ có kẻ đa nghi mới tồn tại,” với hàm ý giải thích về khả năng “chuyển bại thành thắng” của người Thụy Sĩ.
6. Tuổi thọ cao top 10 thế giới
Ngoài điểm mạnh về nền kinh tế, Thụy Sĩ còn nổi tiếng với hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt nhất thế giới. Vậy nên, không có gì đáng ngạc nhiên khi Hội chữ thập đỏ quốc tế có trụ sở tại Geneva. Bằng chứng đáng kể nhất của hệ thống chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới là tuổi thọ bình quân của người Thụy Sĩ rơi vào khoảng 82,8 tuổi – xếp vị trí thứ 10 trong bảng danh sách những quốc gia có tuổi thọ cao nhất trên thế giới.
Bên cạnh đó, Thụy Sĩ còn là một trong những đất nước có tỷ lệ béo phì thấp nhất ở châu Âu (khoảng 9%), ngang với Thụy Điển, Pháp, Italy, Hà Lan. Với những ưu điểm luôn đứng TOP thế giới này, Thụy Sĩ không hổ danh khi trở thành một trong những đất nước hạnh phúc nhất thế giới và cũng trở thành quốc gia đáng để học hỏi nhất thế giới.
Bạn đang đọc bài viết: “Thụy Sĩ: Từ vùng đất nghèo hẻo lánh đến quốc gia ‘ai ai cũng muốn sống'” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |