Đại Kỷ Nguyên

Thói quen chào hỏi đặc biệt vào buổi sáng khiến mỗi ngày đến trường đều là một ngày vui

Mỗi ngày, những đứa trẻ tại trường Birchwood ở Birchwood, Wisconsin sẽ được chào một ngày mới theo cách mà các em cảm thấy thích thú nhất – một ý tưởng đầy yêu thương mà cô giáo Schlapper đã tạo ra cho những học trò của mình!

Bắt đầu ngày mới bằng những lựa chọn tuyệt vời!

Mỗi buổi sáng, trước khi bước vào lớp và bắt đầu ngày mới, một học sinh trong lớp sẽ được chọn để làm người chào đón các bạn. Năm ký hiệu tương ứng với những lời chào khác nhau được dán trên một tấm biểu đồ trên tường. Các em học sinh trong lớp có quyền chọn một trong số đó và nhận được những sự chào đón tương ứng. Một cái ôm, một cú huých tay nhẹ, một lần nắm tay thật chặt hay chỉ là vẫy tay… tất cả các yêu cầu đều sẽ được đáp ứng bởi một người bạn dễ mến và luôn tận tâm. 

Trong video mà trường Birchwood đăng tải trên Facebook, cậu bé 5 tuổi Collin được vinh dự trở thành người chào mừng trong ngày hôm đó. Dường như tất cả mọi người đều nhận thấy: hầu hết các bé lựa chọn cái ôm từ Colin, một số khác chọn bắt tay hoặc huých tay nhẹ như một sự khẳng định giữa hai người “trưởng thành”, tất nhiên có những bé thì thích được cậu bạn cùng lớp nắm tay thật chặt trước khi bước vào lớp. Dù lựa chọn điều gì, những đứa trẻ đều tỏ ra rất thích thú trước cách chào ngày mới vô cùng đặc biệt này.

Các bé rất thích thú với việc được lựa chọn cách chào buổi sáng (ảnh: Inspiremore)

Bằng việc hoán đổi vị trí người chào mừng và thay đổi khi lựa chọn những lời chào yêu thích mỗi ngày, các bé đã có một khởi đầu ngày mới thật tuyệt vời. Điều này không chỉ hướng chúng đến những thể hiện tình cảm một cách lịch sự và có kiểm soát mà hơn nữa còn là một thực tiễn về tình yêu thương và chia sẻ. 

Hầu hết các bé lựa chọn cái ôm từ Colin (ảnh: Inspiremore)

Cô giáo Sara Waldron chia sẻ: “Trường Birchwood xứng đáng nhận một điểm A + cho ý tưởng này, và chúng tôi hy vọng nhiều trường học hơn nữa sẽ bắt đầu làm điều này. Nếu các em học sinh mẫu giáo đều biết đến bài học quý giá này thì chắc chắn thế hệ tương lai của chúng ta sẽ rất tuyệt vời.”

Không chỉ là một lời chào buổi sáng!

Nhật Bản vốn được biết tới một đất nước với nền văn hóa vô cùng coi trọng lễ nghi và cách ứng xử trong đời sống hàng ngày. Ngay từ khi học mẫu giáo, trẻ em đã được dạy những kiến thức cơ bản về văn hóa ứng xử, quan trọng trong số đó chính là cách chào hỏi. 

Ở Nhật, khi trẻ đến trường, việc đầu tiên phải làm là xếp hàng vào lớp, sau đó là trịnh trọng chào giáo viên trước khi bắt đầu học. Trước khi bắt đầu tiết học đầu tiên, các học sinh Nhật sẽ thực hiện asanokai (nghi thức chào buổi sáng). Lúc giáo viên bước vào, cả lớp sẽ đồng loạt đứng dậy cúi gập người và chào to おはようございます (“Ohayo gozaimasu!”) có nghĩa là Chào buổi sáng.

Trước khi bắt đầu tiết học đầu tiên, các học sinh Nhật sẽ thực hiện asanokai -nghi thức chào buổi sáng (Ảnh: alami.com)

Lời chào phải thật dõng dạc và tràn đầy năng lượng thì cảm xúc, sự quý trọng càng được truyền tải tốt. Vì thế, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu bạn đi qua một trường học Nhật Bản vào buổi sáng và nghe thấy những tiếng hô rất to vọng lại của các em học sinh.

Ở một vài lớp, lời chào có thể đặc biệt hơn. Không chỉ chào thầy cô, trẻ cũng sẽ chào các bạn cùng lớp bằng cách quay người cúi chào ở cả bốn hướng và sau đó hô to “Cảm ơn”. Sau khi học sinh chào xong, giáo viên cũng sẽ cúi người và chào lại học sinh theo cách tương tự. Lời chào hỏi cũng là một phần trong các tiêu chí đánh giá học sinh ở Nhật Bản. Giáo viên sẽ khen ngợi khi thấy học sinh chào hỏi lễ phép và đúng cách. Đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá học sinh hằng tuần. 

Lời chào thể hiện sự tôn trọng người Nhật dành cho nhau. (Ảnh: alami.com)

Tuy chỉ là một cử chỉ nhỏ nhưng lời chào buổi sáng lại có ý nghĩa vô cùng lớn và rất được coi trọng ở Nhật Bản. Nó không chỉ thể hiện lòng tôn sư trọng đạo, sự tôn trọng người Nhật dành cho nhau mà còn là một cách hiệu quả để trẻ năng động và háo hức hơn cho một ngày học mới. Đây cũng là một cách ứng xử vô cùng quan trọng trẻ cần phải học cho tương lai sau này, bởi nó là một phần không thể thiếu trong giao tiếp hàng ngày của người Nhật, đặc biệt là trong môi trường làm việc.

Hải Dương (tổng hợp)

Exit mobile version