Đại Kỷ Nguyên

Tết Trung thu ở 6 nước châu Á thú vị và khác biệt ra sao?

Trung thu là một trong những ngày lễ lớn được chờ đón trong năm. Ở khắp các nơi trên thế giới từ Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, đến Việt Nam,… đều đang nô nức chuẩn bị cho tết Trung thu. Nhưng ở mỗi quốc gia, ngày tết đặc biệt này có một ý nghĩa riêng mang đậm nét văn hóa của từng dân tộc.

Việt Nam: Trung thu là tết thiếu nhi

Tết Trung thu là một trong những lễ hội cổ truyền được tổ chức rầm rộ nhất tại Việt Nam. Ngay từ đầu tháng, Tết đã được sửa soạn với những cỗ đèn muôn mầu sắc, muôn hình thù, với những bánh dẻo, bánh nướng mà ta gọi là bánh trung thu.

Trung thu là tết của thiếu nhi

Ngoài ra, trẻ con còn được người thân mua cho rất nhiều đồ chơi và bánh kẹo. Đồ chơi truyền thống của trẻ em ngày xưa gồm đèn ông sao, đèn lồng, đèn kéo quân, đèn con giống… và không đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã như hiện nay.

Đồ chơi truyền thống của trẻ em ngày xưa gồm đèn ông sao, đèn lồng, đèn kéo quân, đèn con giống…

Trong dịp này, người Việt cũng thường bày cỗ gồm bánh trái, hoa quả ra sân để cúng Mặt Trăng. Ở nhiều nơi, Trung thu là dịp mở cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà, các cô. Trẻ em sẽ tham dự các cuộc rước đèn, thi hát trống quân. Khi trăng đã lên cao, các bé ngồi quây quần quanh mâm cỗ gồm nhiều loại bánh trái, hoa quả, cùng tham dự cỗ trông trăng và phá cỗ cho tới đêm khuya.

Mâm cỗ trông trăng tuyền thống của trẻ em Việt Nam thường có bánh nướng, bánh dẻo, chú chó làm bằng tép bưởi và một số loại quả đặc trưng của mùa thu như chuối, hồng ngâm, thị, na, mía…

Trung Quốc: Trung thu là tết đoàn viên

Theo phong tục của người Hoa, tết Trung thu còn gọi là tết đoàn viên. Đây là thời điểm mọi thành viên trong gia đình sum vầy bên nhau. Bất cứ ai làm ăn xa xôi ở đâu, vào ngày này cũng trở về quê hương để gặp lại gia đình, họ hàng và cùng ăn bữa cơm đoàn viên. Sau bữa cơm ấm cúng này, các thành viên trong gia đình lại cùng nhau thưởng nguyệt (ngắm trăng) và ăn bánh trung thu dưới ánh đèn lồng lung linh.

Mỗi vùng đất khác nhau, tết Trung thu lại có những nét biến tấu nhất định.

Mặc dù mỗi vùng trên đất nước này lại có những phong tục đón tết Trung thu khác nhau, thế nhưng đa số đều giữ nguyên phong tục thưởng trà ngắm trăng, treo đèn lồng đỏ hay thả đèn hoa đăng đã tồn tại từ lâu đời.

Trung thu mang đậm nét văn hóa cổ truyền của dân tộc Trung Hoa

Đặc biệt, truyền thống đón tết Trung thu ở đất nước đông dân nhất thế giới này đã được phổ biến rộng rãi đến nhiều nước khác nhờ những Hoa kiều và người gốc Hoa trên khắp thế giới. Tuy nhiên, khi đến mỗi vùng đất khác nhau, tết Trung thu lại có những nét biến tấu nhất định.

Nhật Bản: Cúng mặt trăng tạ ơn ân đức của thiên nhiên, đất trời

Trung thu ở Nhật Bản được gọi là Tsukimi hoặc Otsukimi (Lễ hội ngắm trăng). Tsukimi được du nhập vào Nhật Bản hàng nghìn năm trước và lan rộng khắp nước Nhật. Cũng như Trung thu ở Việt Nam, lễ hội này cũng được tổ chức vào ngày15 tháng 8 âm lịch.

Tại lễ hội này, mọi người trong gia đình thường ngồi quây quần bên nhau nhâm nhi một chút trà, một chút bánh, cùng ngắm ánh trăng sáng, ngâm thơ và đối thơ trong tiết trời quang đãng, se lạnh của mùa thu.

Theo người Nhật, trên mặt trăng không có chị Hằng Nga, chú Cuội như Việt Nam mà chỉ có thỏ ngọc

Theo quan niệm của người Nhật Bản, trên mặt trăng không có chị Hằng Nga, chú Cuội như Việt Nam mà chỉ có thỏ ngọc sống trên đó. Họ cho rằng vào ngày này, thỏ ngọc trên mặt trăng thường giã bánh Tsuki-Dango. Đây là tên gọi chung của loại bánh bao được làm từ bột gạo (mochiko) và cũng là món ăn truyền thống để cúng mặt trăng dịp Trung Thu ở Nhật.

Do thời gian này trùng với mùa vụ thu hoạch các loài cây trồng của người nông dân, để bày tỏ sự biết ơn ân đức đối với thiên nhiên đất trời, người Nhật thường dùng cỏ hoang, cây trồng và bánh Tsuki-Dango để dưới mặt đất để cúng mặt trăng.

Người Nhật cúng mặt trăng tạ ơn ân đức của thiên nhiên, đất trời…

Đặc biệt, hầu hết mọi người sẽ ăn mặc mình trong một kimono dân tộc và đi đến một ngôi đền để dâng hương với cả gia đình của họ. Trẻ em Nhật Bản cũng thường tham gia vào lễ hội rước cá chép. Đèn lồng cá chép ở Nhật tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các bé trai.

Mặc dù, sau thời Minh Trị Duy Tân (khoảng cuối thế kỷ 19), người Nhật không còn sử dụng lịch âm lịch nữa. Tuy nhiên, Tết Trung thu vẫn được tổ chức rầm rộ.

Hàn Quốc: Tết trung thu là ngày lễ tạ ơn

Tết Trung Thu ở Hàn Quốc gọi là Chuseok hay Hangawi (Lễ tạ ơn), là lễ hội lớn nhất trong năm và là kỳ nghỉ lễ kéo dài 3 đến 5 ngày từ ngày 15 tháng 8 âm lịch. Trong những ngày này, người Hàn Quốc đi về quê cha đất tổ, cảm tạ tổ tiên và đất trời đã cho một vụ mùa bội thu, cùng ăn những món ăn truyền thống như songpyeon và rượu gạo, cùng nhảy múa và ngắm mặt trăng.

Những phụ nữ trong trang phục truyền thống đang làm songpyeon nhân dịp lễ ở Seoul

Đây là một dịp để các thành viên trong gia đình được đoàn tụ và cùng nhau thưởng trăng và ăn tiệc, các gia đình bày bánh gạo có hình trăng lưỡi liềm được phủ rong biển, đỗ, lạc… bên ngoài và các loại thức ăn khác lên bàn thờ.

Còn người phương Tây gọi trung thu là “Korean Thanksgiving Day” (Lễ Tạ ơn của người Hàn).

Đặc biệt, người Hàn Quốc thường tới thăm mộ tổ, dọn cây dại và làm sạch khu vực quanh mộ, truyền thống này giống với nghi thức tảo mộ ngày tết Thanh minh ở Việt Nam; còn người phương Tây gọi trung thu là “Korean Thanksgiving Day” (Lễ Tạ ơn của người Hàn).

Thái Lan: Khánh nguyện trăng vái lạy tám vị tiên

Người Thái cũng tổ chức lễ Trung thu vào đúng ngày 15/8 âm lịch. Người dân Thái Lan gọi tết Trung thu là “Kỳ nguyệt tiết” (lễ hội cầu trăng).

Vào dịp này trên khắp đất Thái người ta tổ chức lễ cúng Trăng và mọi người sẽ ngồi quây quần bên bàn thờ để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất. Phía trên bàn thờ sẽ bày quả đào và bánh Trung thu. Theo quan niệm của người Thái, khi làm như vậy Bát Tiên sẽ mang quả đào đó tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm cũng như các vị thần tiên khác; đồng thời chứng giám cho những lời ước nguyện của mọi người.

Myanmar: Rực rỡ lễ hội Ánh sáng

Vào “nguyệt viên nhật” (ngày trăng tròn) tháng 8, người Miến Điện sẽ thắp lên những ngọn đèn đuốc sáng rực, để chào mừng ánh sáng sắp tràn về trong lễ hội Ánh sáng.

Rực rỡ lễ hội Ánh sáng đêm trung thu ở Myanmar

Người dân sẽ thức đến thâu đêm suốt sáng mở truyền hình, diễn thoại kịch, múa rối, nhảy múa hát ca. Trong Phật tháp còn có các hoạt động bố thí cơm chay với quy mô lớn diễn ra rất nhộn nhịp.

Hiểu Minh (TH)

Exit mobile version