Đại Kỷ Nguyên

Toàn thân ‘than khóc’ vì chủ nhân ham đi giày cao gót

Trung bình chỉ một giờ sau khi mang giày cao gót, cơ thể bạn bắt đầu đau đớn. Về lâu dài, không chỉ là tổn hại đến bàn chân, mắt cá chân hay bắp chân mà hàng loạt bộ phận khác cũng bị nguy hiểm.

Bàn chân

Bình thường bàn chân của chúng ta hoạt động như một cái lò xo, giúp phân phối đều trọng lượng và chống sốc cho cơ thể khi đứng hay đi lại, làm lớp đệm cho xương khi chúng ta thực hiện những bước nện thình thịch xuống nền đất. Khi đi giày cao gót, bạn nén chặt những “tuyệt tác kỹ thuật” đó vào một cái khuôn bé xíu cứng nhắc.

Đi giày cao gót, bạn đã chuyển phần lớn trọng lượng cơ thể của mình vào các đốt xương ngón chân vốn rất yếu ớt, có nguy cơ làm biến dạng bàn chân. Gót giày càng cao, các ảnh hưởng của nó càng nặng nề. Một nghiên cứu chỉ ra rằng những đôi giày có gót cao từ 9 cm trở lên có thể khiến nửa trên của bàn chân phải chịu thêm 30% áp lực từ toàn bộ cơ thể.

Ảnh: itscharmingtime.com

Mắt cá chân và bắp chân

Đi giày cao gót buộc mắt cá chân uốn cong về phía trước làm cản trở lưu thông máu trong chi dưới. Nếu bạn đi giày cao gót lâu năm, có thể dẫn đến các tĩnh mạch nổi lên như “dây điện”.

Đi bộ trên giày cao gót cũng làm cứng gân gót chân và khiến bắp chân bị kéo căng… lâu ngày sẽ xuất hiện căng cơ kinh niên tại mắt cá chân và dây chằng bắp chân, khiến cho việc đi bộ trở nên đau đớn khó chịu ngay cả khi dùng giầy đế bằng.

Đầu gối

Ảnh: steps.vn

Đây là khớp nối lớn nhất nhằm giúp cơ thể giảm xóc và uyển chuyển. Thường xuyên sử dụng giầy cao gót có thể làm gia tăng áp lực lên các bề mặt bên trong của đầu gối, nhanh chóng khiến chúng bị hao mòn dẫn đến viêm khớp xương.

Hông

Để tránh bị lật bàn chân cũng như té ngã khi mang giày cao gót, bạn phải đẩy hông ra, ưỡn lưng và đẩy ngực ra phía trước. Dáng đứng cũng có thể làm gân và các cơ hông căng cứng, và điều này không tốt chút nào cho sức khỏe.

Lưng

Để di chuyển trên một đôi giày cao gót, cột sống sẽ phải “lắc lư” theo một tư thế bất thường, gây nhiều áp lực xuống các cơ ở thắt lưng. Kết quả là bạn sẽ có nguy cơ đau lưng dưới.

Nguy cơ suy tĩnh mạch

Ảnh: vietnamnet.vn

Tuy nhiên các khảo sát cho thấy mang giày cao gót thường xuyên sẽ cản trở sự lưu thông của dòng máu, làm nặng hơn tình trạng suy tĩnh mạch ở bệnh nhân hoặc góp phần đẩy nhanh tiến trình suy giãn tĩnh mạch chân ở nhóm người có nguy cơ mắc bệnh này.

Cản trở lưu thông máu lên não

Một đôi giày gót cao và chật là thủ phạm hàng đầu gây nên tình trạng khó lưu thông máu lên não, nếu kéo dài sẽ dẫn đến cảm giác đau đầu, hoa mắt, chóng mặt.

Nếu như bạn mang giày cao gót trong suốt một ngày, hôm sau bạn nên đi giày bệt để lưng được nghỉ ngơi đôi chút. Thậm chí, các chuyên gia cho rằng không bao giờ đi bộ trên giày cao gót liên tục trong vài giờ. Đồng thời hãy giúp đôi chân phục hồi với những bài tập uốn gập và massage đôi bàn chân lúc không mang giày vào nhiều lần mỗi ngày.

Minh Thành

Exit mobile version