Đại Kỷ Nguyên

Theo Đông Y: ‘Ăn gì bổ nấy’ ứng dụng trong thịt lợn như thế nào?

Theo Đông y, thịt lợn vị mặn, tính hàn, không chỉ là loại thực phẩm phổ biến để chế biến nhiều món ăn ngon, mà nó còn có tác dụng chữa bệnh nếu biết sử dụng đúng cách.

Người ta vẫn nghe câu “Ăn gì bổ nấy”, không hẳn là vô căn cứ. Dưới đây là công dụng chữa bệnh, quan điểm của các danh y về thịt lợn tương ứng với từng bộ phận cụ thể:

1. Tim và tiết lợn (tâm, huyết)

Là thuốc có tác dụng bổ tâm, lấy ý nghĩa của lý luận lấy tâm quy tâm, lấy huyết làm con đường dẫn huyết. Trong sách Diên Thọ Đan có viết: “Khi con lợn bị giết, kinh khí nhập tâm, tuyệt khí nhập can, không nên ăn quá nhiều”. Kinh khí và tuyệt khí là những khí xấu có tác động không tốt đến cơ thể, vì vậy không nên ăn tim lợn, gan lợn quá nhiều, đặc biệt là người ốm, không nên ăn.

Tiết lấy ở đuôi lợn (vĩ huyết): Lấy tiết ở đuôi hòa với long não (băng phiến) có thể trị được các loại mụn nhọt, đậu sang.

2. Gan lợn (Trư can)

Ảnh dần theo hanoitv.vn

Can chủ tang huyết, có tác dụng bổ huyết, vào tạng can và có tác dụng làm sáng mắt (nhập can minh mục – can kinh có đường đi lên mắt, can khai khiếu ra mắt). Dùng gan lợn (của con lợn đực thì tốt hơn) cùng với dạ minh sa (phân của con dơi) làm thành viên hoàn, trị quáng gà (tước mục), đó là chứng trời tối không thể nhìn rõ, do thấp đàm hoặc can hỏa thịnh gây ra.

3. Phổi lợn (Trư phế)

Có công năng bổ phế, trị phế hư khái thấu (khái là chứng ho khan, thấu là ho có đàm). Ho ra máu (khái huyết) chữa bằng cách lấy phổi lợn luộc chấm với bột ý dĩ nhân ăn hằng ngày cho đến khi không còn triệu chứng.

4. Dạ dày lợn (Trư đỗ)

Ảnh dẫn theo Pasgo

Nhập vị kiện tỳ (đi vào vị tác dụng kiện tỳ). Bài thuốc của Thánh y Trương Trọng Cảnh trị bệnh đái tháo đường (còn gọi là tiêu khát) dùng “hoàng liên trư đỗ hoàn”: Lấy một chiếc dạ dày lợn (con đực thì càng tốt) cho vào trong đó 5 lượng (khoảng 190g) bột hoàng liên, qua lâu căn 4 lượng ( khoảng 150g), lúa mạch đã bỏ vỏ 4 lượng, mạch môn 2 lượng (khoảng 75g), tri mẫu 3 lượng (khoảng 113g). Khâu kín miệng lại, nấu chín, hoàn to bằng hạt ngô đồng, mỗi ngày uống 30 hoàn, dùng nước cơm để uống (dùng nước cơm để uống gọi là mễ ẩm hạ).

Trẻ em cam nhiệt: Dùng hoàng liên 5 lượng cho vào trong dạ dày lợn nấu nhừ, hoàn với cơm, dùng nước cơm để uống. Có tác dụng điều huyết thanh tâm, mà bệnh của trẻ em thường không cam thì là nhiệt (Tiểu nhi thuần dương vô âm).

5. Thận lợn (Trư thận)

Ảnh dẫn theo kknews.cc

Vị mặn tính lạnh (hàm lãnh) mà thông đến thận (thận thuộc thủy, vị mặn quy vào thận). Trị đau thắt lưng, tai ù (thắt lưng là phủ của thận, thận khai khiếu ra tai. Thận hư gây đau vùng thắt lung, tai ù tai điếc).

Nhật Hoa viết: Bổ thủy tạng (bổ thận), noãn yêu tất (làm ấm vùng thắt lung, đầu gối). Ăn thận lợn lâu ngày có thể sinh được con (thận tàng tinh, chủ về sinh sản, thận hư, tinh bất túc khó có thể có con).

Có người lại nói ăn thận lợn lâu ngày lại gây thận hư. Lý Thời Trân giải thích rằng: Tính hàm lãnh (mặn, lạnh) có thể tả thận khí.

Uông Ngang cho rằng: Câu kỷ, huyền sâm, tri mẫu, hoàng bá tính đều hàn mà có tác dụng bổ thận. Thận lợn là thức ăn từ động vật nó có quá khốc trọc (nồng và đục) để tả thận không? Xưa nay thuốc bổ thận cốt có dùng thận lợn nhiều, chưa thấy có tác hại gì. Những người nói kỵ dùng, chưa đủ lý luận để tin được.

Theo Tỏa Toái lục: Thận lợn 1 đôi, đồng tiện (nước tiểu trẻ em) 2 phân, rượu 1 phân, cho vào âu sành hầm nhừ, sau 5 canh giờ là ăn được, trị lao sái, dùng liên tục trong 1 tháng là đỡ.

Theo phương thuốc kinh nghiệm: Thận lợn, lá rau khởi (lá cây câu kỷ), nước đậu xị, cho thêm hành, tiêu, muối làm gia vị nấu chín. Ăn để chữa chứng dương vật không cương lên được (dương nuy).

6. Ruột lợn (Trư trường)

Ảnh dẫn theo giadinh.net

Bao gồm tiểu trường và đại trường.Trị chứng trường phong huyết lỵ. Theo Kỳ Hiệu phương để trị tạng độc có phương Tạng Liên hoàn. Chỉ xác 30g, Hoàng liên 250g, Hoè giác 16g, Hòe hoa 60g, Hương phụ tử 16g, Mộc hương 16g, Phấn thảo 16g, Phòng phong 16g, Tạo giác 16g, Trư nha 16g. Trừ Hương phụ ra tất cả tán bột, chú ý bột hoàng liên để riêng. Lấy 130g Thương mễ chưng chín, cho Hương phụ và bột thuốc đã tán (trừ hoàng liên) vào nấu cùng. Sau đó cho vào trong ruột lợn, buộc 2 đầu lại, nấu chín. Nghiền nát rồi trộn với bột Hoàng liên làm hoàn, to bằng hạt ngô đồng. Mỗi ngày uống 80 hoàn, lúc đói.

7. Mật lợn (Trư đảm trấp)

Ảnh dẫn theo tinhte.vn

Vị đắng vào tâm, tính hàn thắng nhiệt, tính hoạt nên có công năng nhuận táo, tả nhiệt can đởm.
Dùng dịch mật lợn để gội đầu làm tóc bóng.
Dùng dịch mật lợn hòa với giấm rót vào trực tràng (cốc đạo) trị đại tiện bất thông (táo bón).

Trương Trọng Cảnh trị Dương minh kinh chứng (thủ dương minh đại trường kinh và túc dương minh vị kinh. Biểu hiện trường vị nhiệt, có sốt cao, khát nhiều, ra mồ hôi, mạch hồng đại) đại tiện tuy bí nhưng không dùng pháp công hạ mà dùng dịch mật lợn ở ngoài không muốn dùng sự khổ hàn (đắng, lạnh) mà làm thương vị.

Trương Trọng Cảnh trị chứng quyết nghịch vô mạch dùng Bạch Thông thang gia trư đởm trấp. Dương khí hư nhiều, âm khí bên trong thắng, nếu dùng toàn dương dược, sợ rằng âm khí sẽ chống cự lại không dùng được. Cho nên phải gia mật lợn, đắng vào tâm mà thông mạch, hàn vào can mà hòa âm, âm khí sẽ không chống cự lại. Đây chính ý nghĩa của pháp điều trị “nhiệt nhân hàn dụng”.

Trẻ em sơ sinh: tắm bằng nước ấm pha mật lợn 3 lần sẽ không bao giờ bị mụn nhọt, lở ngứa (sang giới).

8. Bàng quang lợn (Trư phao)

Ảnh dẫn theo superp.pixnet

Trị chứng di tinh, di niệu. Tác dụng chính là làm thứ dẫn kinh cho các vị thuốc cố tinh sáp niệu.

9. Mỡ lợn (Trư chỉ)

Ảnh dẫn theo vtc.vn

Vị ngọt tính hàn (cam, hàn), có tác dụng lương huyết nhuận táo, hành thủy tán phong, giải độc. Dùng để giải độc thịt trâu bò, gan từ các loại động vật khác rất tốt. Ngoài ra còn có tính sát trùng, lợi trường, hoạt sản, trị sang chứng (mụn nhọt).

10. Móng lợn (Trư đề)

Hầm nhừ thành canh, thông nhũ trấp (lợi sữa), dùng cùng với thông thảo, rất tốt.

11. Vỏ ngoài cái móng treo (huyền đề giáp)

Trị hàn nhiệt đàm suyễn, mụn ở trong mắt (chắp, lẹo), ngũ trĩ trường ung.

Câu nói “dĩ nhục bổ nhục” (ăn thịt bổ cơ nhục) có ý nghĩa sâu xa là ăn thịt lợn có tác dụng nhuận trường vị, sinh tinh dịch, làm cơ nhục săn chắc, trạch bì phu. Tuy nhiên ăn quá nhiều gây sinh nhiệt đàm, động phong, thành thấp. Thương hàn, sơ bệnh, bệnh mới khỏi kỵ dùng.

Theo Uông Ngang: Thịt lợn sinh đàm, tính phong đàm, thấp đàm, hàn đàm kỵ dụng. Người già táo đàm, ho khan không nên dùng.

Minh Thái Tổ có câu: “Vô thỉ bất thành gia” có nghĩa là gia đình muốn no đủ hạnh phúc thì nên nuôi lợn, khi xưa các cặp vợ chồng mới cưới thường được bố mẹ cho cặp lợn làm vốn để sinh sống sau này.

Lương Y Cao Sơn (Theo “Bản thảo bị yếu” thuộc tập “Uông Ngang toàn tập”)

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.

Exit mobile version